6h sáng, Sài Gòn bất chợt đổ mưa lớn, tại cổng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, bác bảo vệ già vẫn đứng ở góc quen thuộc mỉm cười với từng cô cậu học trò đang tất tả chạy trốn cơn mưa. Phụ huynh, học sinh ai ai cũng vội vã, thế nhưng chẳng ai quên dừng lại đôi chút để cúi đầu chào bác bảo vệ có nụ cười khiến lòng người ấm áp. 

"Không ai nói với nhau về chuyện phải cúi chào bác, nhưng không ai quên điều đó"

Nhiều ngày qua, đoạn clip ghi lại hành động đẹp của các bạn học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) khi cúi đầu chào bác bảo vệ lớn tuổi ở trước cổng trường đã khiến rất nhiều người cảm động lẫn thán phục. Bởi cái cúi đầu chào dù chẳng có gì là to tát, nhưng không phải ai cũng ý thức được mỗi khi gặp người lớn tuổi hơn mình.
 


Clip bác bảo vệ được học sinh chào mỗi ngày thu hút sự chú ý trên mạng xã hội những ngày qua
 

Với nụ cười hồn hậu thân quen, không quá khó để nhận ra bác trước cổng trường Lê Hồng Phong. Dù hôm đến trời mưa lớn nhưng bác vẫn cần mẫn làm công việc mà không một lời than thở. Bác tên thật là Nguyễn Văn Lũy, năm nay 71 tuổi, hiện làm công tác quản lý trật tự tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
 

Chuyện chưa kể về bác bảo vệ mà học sinh chuyên Lê Hồng Phong cúi đầu chào mỗi ngày-1
Bác Lũy với nụ cười luôn trên môi.
 

"Khu vực này nguy hiểm lắm, cướp giật trà trộn rất nhiều. Mấy đứa nhỏ đi học sơ ý một xíu là có thể trở thành nạn nhân của chúng ngay. Vì thế vào đầu giờ học, lúc học sinh vào trường đông, bác phải đứng trông coi ngó ngàng để quản lý trật tự và xử lý khi có người bị cướp giật" - bác Luỹ tâm sự.

Nhắc đến bác bảo vệ tận tuỵ, hầu như tất cả các bạn học sinh của trường đều có ấn tượng rất tốt. Bạn Trần Nguyễn Hà Thanh (lớp 10 CT2) kể: "Ngày đầu tiên đi nhận lớp, em đã thấy các anh chị trong trường chào bác, các chị đi trước cũng có nói với em về điều này. 

Em thấy hành động này đẹp, em làm và các bạn cũng làm. Bác dễ thương lắm luôn, ai chào bác, bác cũng chào lại. Em nghĩ là bác sẽ mỏi cổ lắm vì học sinh trong trường rất đông, nhưng chẳng lúc nào thấy bác tỏ vẻ mệt mỏi khó chịu".
 

Chuyện chưa kể về bác bảo vệ mà học sinh chuyên Lê Hồng Phong cúi đầu chào mỗi ngày-2
Bạn Thắng hào hứng chia sẻ về bác bảo vệ đáng yêu của trường.
 

Cùng cảm nhận với Thanh, bạn Trương Nguyễn Trân (Lớp 10 chuyên Toán) tâm sự: "Ở trong trường không ai nói với nhau về chuyện chào bác, nhưng không ai quên điều đó. Bác cũng đã lớn tuổi nên tụi em coi đó như một sự kính trọng đối với bác. Bác còn rất hài hước, tụi em có thể gọi bác là cha".
 

Chuyện chưa kể về bác bảo vệ mà học sinh chuyên Lê Hồng Phong cúi đầu chào mỗi ngày-3
Các bạn học sinh cúi chào bác khi vào trường.
 

"Có một điểm chung là học sinh trong trường hễ thấy người lớn thì chào. Trong trường đã thành một nề nếp cứ gặp thầy cô thì cúi đầu chào, không cần biết người đó có dạy mình hay không. Còn những cô lao công hay bác bảo vệ thì tụi em còn trò chuyện tâm sự nữa, không hề có khoảng cách." - bạn Nguyễn Hữu Thắng (lớp 10 chuyên Lý) chia sẻ.
 

Chuyện chưa kể về bác bảo vệ mà học sinh chuyên Lê Hồng Phong cúi đầu chào mỗi ngày-4
Không chỉ kính trọng bác Lũy, các bạn học sinh còn quý mến tất cả những cô chú đang làm việc trong trường.
 

Không những các em học sinh mà cả phụ huynh cũng đều rất quý mến bác Lũy. Chú Nguyễn Trung Đông (60 tuổi) kể: "Hầu như cháu nào đi ngang cũng chào bác. Hành động đó tuy nhỏ nhưng là một cử chỉ rất tốt đối với học sinh. Vấn đề giáo giục về đạo đức ở trường Lê Hồng Phong làm rất tốt. Truyền thống của người Việt Nam luôn đề cao nguyên tắc tiên học lễ hậu học văn".
 

Chuyện chưa kể về bác bảo vệ mà học sinh chuyên Lê Hồng Phong cúi đầu chào mỗi ngày-5
Phụ huynh rất quý trọng bác.
 

Vào những dịp lễ Tết, cô Lý Phương Thảo (48 tuổi) vẫn thường đem một ít quà bánh đến gửi cho bác Lũy, cô tâm sự: "Cô thường vào dịp lễ Tết có chút quà cho bác, cũng không đáng bao nhiêu nhưng chủ yếu là tình cảm của mình dành cho bác. Đa số phụ huynh ở đây ai cũng mến bác, không riêng gì học sinh".
 

Chuyện chưa kể về bác bảo vệ mà học sinh chuyên Lê Hồng Phong cúi đầu chào mỗi ngày-6
Cô Thảo rất hay tặng quà bánh cho bác những dịp lễ Tết.
 

Công tác ở trường mới được khoảng 3 năm, bác Lũy cười bảo: "Nhìn mấy đứa nhỏ chào mình thấy thương lắm, rồi coi mấy đứa như con cháu trong nhà. Có bạn kia ở Biên Hòa đi xe hơi lên học, xuống xe nó cúi chào mình thấy ấm áp lắm. 

Rồi có đứa mua sữa đậu nành lại kêu bác phải uống cho con vui nha. Bác quý lắm, ngày xưa bác cũng từng là học sinh của ngôi trường này. Lúc nó còn mang tên Petrus Ký".
 

Chuyện chưa kể về bác bảo vệ mà học sinh chuyên Lê Hồng Phong cúi đầu chào mỗi ngày-7
Bác từng là cựu học sinh của trường.


Người tài xế già đạp xích lô, 21 lần bắt cướp

7h sáng, khi tất cả học sinh đã vào trường học, bác Lũy lặng lẽ đạp xe đi đến một chỗ làm việc khác. Mỗi ngày người đàn ông này vẫn phải chạy đi chạy lại 2 chỗ làm để kiếm thêm thu nhập. Bởi từ ngày người con trai duy nhất qua đời, bác Lũy phải cố gắng làm việc nhiều hơn để chăm lo cho bệnh tình của vợ.

Chật vật với cuộc sống mưu sinh, nhưng ít ai biết rằng người đàn ông này lại là hiệp sỹ đường phố nổi danh một thời. Lấy trong túi áo một bản photo của bài báo đã cũ, bác Lũy kể: "Hôm trước một phụ huynh nhớ ra chú đã từng lên báo nên đi photo tờ báo ra tặng cho chú làm kỷ niệm".
 

Chuyện chưa kể về bác bảo vệ mà học sinh chuyên Lê Hồng Phong cúi đầu chào mỗi ngày-8
Bài báo cũ viết về chiến tích của bác Lũy thời trẻ.
 

Tờ giấy tuy đã cũ, nhưng nội dung vẫn còn rõ ràng: "Không kể những lần bắt trộm cắp vặt trước đây, ông Nguyễn Văn Lũy - một người đạp xích lô nhỏ thó, nhanh nhẹn đã 4 lần bắt cướp trả lại tài sản cho người bị hại. Ông Lũy nói: 'Tôi rất ghét bọn trộm cướp. 

Chạy xích lô ngoài đường hàng ngày tôi chứng kiến nhiều vụ cướp giật. Tôi có đứa cháu bị chúng đập đầu rồi cướp xe. Mất của ai không xót nhưng nhiều khi lại mang thương tật suốt đời... Ông Lũy vừa được Đảng ủy, UBND, Uỷ ban mặt trận Tổ quốc quận 5 biểu dương tại hội nghị "Người tốt việc tốt"' - trích bài viết của nhà báo Lê Anh Vũ.

Gã đàn ông chạy xích lô ngày đó đã không ít lần xả thân giúp người bị nạn, có lần hư hỏng xe, có lần còn bị gãy cả tay. Nhưng chưa bao giờ ông từ bỏ công việc ý nghĩa ấy, cho đến bây giờ khi tuổi đã không còn trẻ, bác vẫn tâm huyết bởi với ông giúp người là điều không thể thiếu trong cuộc sống.
 

Chuyện chưa kể về bác bảo vệ mà học sinh chuyên Lê Hồng Phong cúi đầu chào mỗi ngày-9
Với người đàn ông này giúp đỡ người khác đã trở thành một sứ mệnh trong đời.
 

"71 tuổi rồi nhưng bác vẫn còn khỏe lắm. Đi làm vầy mới thấy khỏe nha, chứ ở nhà là bệnh liền cho coi. Bởi vậy bác ghiền đi làm lắm" - Bác Lũy cười thật tươi khi tâm sự về công việc. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, những gánh nặng của cuộc sống chưa bao giờ khiến người đàn ông này thôi tiến về phía trước. Bác luôn quý mến tất cả mọi người, quý trọng công việc mình và luôn để sẵn nụ cười trên môi.
 

Theo Trí Thức Trẻ