Từ sinh viên Bách khoa đến tay máy chính của hãng phim
Sau cơn sốt Đào, phở và piano, tên tuổi của NSƯT Phi Tiến Sơn được khán giả quan tâm hơn. Ông là đạo diễn của nhiều bộ phim điện ảnh từng đoạt giải.
NSƯT, đạo diễn Phi Tiến Sơn sinh năm 1954. Gia đình ông không có ai theo nghệ thuật. Ông sớm bộc lộ sở trường ở các môn tự nhiên và thi đỗ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội. Năm 1972, đạo diễn Phi Tiến Sơn nhập ngũ.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn ở bối cảnh quay Đào, phở và piano. Ảnh: Nguyên Khánh.
Ông được một người bạn khuyên theo nghề điện ảnh nên thử sức thi vào khoa Quay phim của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Sau một năm theo học khoa Quay phim, ông được cử đi học thêm về điện ảnh tại Cộng hòa Dân chủ Đức.
Về nước, đạo diễn Phi Tiến Sơn công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam, là tay máy chính của các phim Cạm bẫy tình, Những năm tháng đẹp... Vài năm sau đó, ông chuyển công tác sang Hãng phim truyện I.
Ở vai trò đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn chứng tỏ năng lực với Vào Nam ra Bắc, Lưới trời... Ở mảng phim truyền hình, ông ghi dấu ấn với các bộ phim về đề tài chính luận, thời sự như Người thổi tù và hàng tổng, Nghề báo...
Vào Nam ra Bắc là một trong những tác phẩm thành công nhất của đạo diễn Phi Tiến Sơn, giúp diễn viên Bảo Thanh giành giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13.
NSƯT Phi Tiến Sơn là đồng đạo diễn các phim Giọt lệ Hạ Long (giải B Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1995), Em còn nhớ hay em đã quên (giải Bông sen Bạc - Liên hoan phim Việt Nam năm 1993)...
Phim Vào Nam ra Bắc của ông nhận bằng khen tại LHP Việt Nam lần thứ XIII, phim truyện Lưới trời giành giải Cánh diều Vàng ở Lễ trao giải Cánh diều, Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2002.
Đào, phở và piano gây sốt những ngày qua vừa giành giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, tổ chức tháng 11/2023. Phim gần đây nhất của đạo diễn Phi Tiến Sơn là Lạc lối.
Đằng sau cơn sốt bất ngờ ở phòng vé
Với Đào, phở và piano, đạo diễn Phi Tiến Sơn nói ông có những cộng sự tốt cùng ông nghiên cứu, tìm hiểu, chi tiết hóa kịch bản phim. "Nhà nước, ngành văn hóa đã tặng tôi sân chơi là bộ phim này. Tôi truyền đạt lại điều mong muốn, tưởng tượng của mình đến các bạn trẻ hơn tôi. Các bạn ấy cảm nhận điều đó và tạo cho tôi một không gian như các bạn đã nhìn thấy", đạo diễn Phi Tiến Sơn bày tỏ.
Ông nói khó khăn lớn nhất khi sản xuất Đào, phở và piano là lâu rồi mới làm một bộ phim quy mô, có ý nghĩa. Khó khăn thứ hai là làm thế nào để truyền tải cho người khác điều đạo diễn suy nghĩ, thúc đẩy mọi người trong ê-kíp sáng tạo hơn, đưa ra cái nhìn rộng hơn cho bộ phim.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn chỉ đạo các cảnh quay của Đào, phở và piano.
Sau khi Đào, phở và piano thành công ngoài sức tưởng tượng, đạo diễn Phi Tiến Sơn bày tỏ niềm cảm kích đối với sự quan tâm khán giả dành cho bộ phim.
"Tôi hiểu đằng sau sự quan tâm của khán giả là nhu cầu trải nghiệm lịch sử, là cảm xúc thiêng liêng với lịch sử hào hùng của dân tộc, lòng yêu nước. Điều đó cho thấy, chúng tôi còn nợ khán giả nhiều lắm về mảng đề tài lịch sử này. Hy vọng sắp tới các đồng nghiệp của tôi trả dần món nợ ấy", đạo diễn Phi Tiến Sơn nói.
Ông cảm ơn khán giả, đồng nghiệp, những người đã giúp ông thực hiện bộ phim này.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn và ca sĩ Tuấn Hưng (vai ông phán trong Đào, phở và piano).
Từ dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010), đạo diễn Phi Tiến Sơn đã nghĩ tới việc thực hiện Đào, phở và piano.
Tuy nhiên, khi đó ông chưa thu thập đủ tư liệu nên sợ làm chưa tới. Đạo diễn Phi Tiến Sơn viết đề cương và đắp dần tư liệu trong mười mấy năm qua.
Nam đạo diễn được yêu mến vì sự gần gũi, tâm huyết.
Trong suốt quá trình làm phim, ông được nhiều đồng nghiệp tư vấn, đồng thời tự tìm hiểu nhiều thứ. "Khi NSND Trung Hiếu đóng nhân vật cha xứ, tôi đến nhà thờ nghe, gặp cha xứ để hỏi chuyện đó đúng không, câu thoại chuẩn không, trong hoàn cảnh cụ thể nói có chuẩn xác không, có hành động như vậy không...", NSƯT Phi Tiến Sơn kể.
Theo Tiền Phong