Tôi là Lê Anh Tôn, người sống theo sự an bài của gia đình suốt năm tháng tuổi trẻ. Sau đại học, tôi đạt học bổng sang Hàn Quốc du học về chuyên ngành Điện tử Viễn thông với mục đích trở thành giảng viên tại Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Giữa đất khách quê người, tôi rơi vào trầm cảm. Tôi không còn động lực để theo đuổi những giá trị nằm ngoài hạnh phúc cá nhân. Tôi nhận ra được đứng trên sân khấu mới là ước mơ duy nhất của mình.
Khó nổi tiếng tại Hàn
Con đường trở thành người nổi tiếng luôn đầy rẫy những chông gai, nhất là ở Hàn Quốc. Hoàn thành bằng thạc sỹ, tôi dành thêm thời gian học tiếng Hàn và được trúng tuyển vào một công ty giải trí với vai trò ca sĩ. Thế nhưng, đây chỉ là đơn vị rất nhỏ, tiềm lực yếu nên tôi vẫn phải tự lực tìm kiếm cho mình các cơ hội.
Lê Anh Tôn nộp hồ sơ vào hơn 20 công ty để tìm kiếm cơ hội. Ảnh: NVCC.
Người ta gọi nền giải trí ở Hàn Quốc là ngành công nghiệp. Ngay tại thủ đô Seoul đã có tới hàng trăm công ty lớn, nhỏ, ngày đêm đào tạo ra những idol, diễn viên, người mẫu. Ước mơ của tôi càng trở nên khó khăn hơn khi gặp nhiều rào cản khách quan và chủ quan.
Người Hàn chuộng văn hóa phương Tây. Cùng là người ngoại quốc, nhưng người châu Á khó có cơ hội hơn những người đến từ châu Âu, châu Mỹ và châu Phi trên con đường danh vọng tại xứ sở kim chi. Những nghệ sĩ phương Tây biết tiếng Hàn và có ngoại hình sáng, rất dễ để được công chúng chú ý, còn tôi chỉ có lợi thế nếu dự án chủ đích cần người Việt.
Tôi vốn là kẻ “chân ướt chân ráo” bước vào con đường nghệ thuật. Ngoài khả năng hát, các kỹ năng như vũ đạo, diễn xuất đều bắt đầu từ con số không. Có một buổi casting vào khoảng năm 2018 khiến tôi nhớ mãi. Tôi ấm ức vì bản thân thể hiện tốt nhưng không được đạo diễn chọn.
Sau này, tôi mới hiểu ra đoàn làm phim chỉ chọn một diễn viên châu Á duy nhất và người được chọn đã theo đuổi diễn xuất được 10 năm. Mọi ấm ức trước đó của tôi hóa tầm thường.
Lê Anh Tôn theo học ngành Điện tử Viễn thông tại Hàn nhưng bị cuốn hút đặc biệt từ ngành công nghiệp giải trí nước này. Ảnh: NVCC.
Mang danh trúng tuyển công ty giải trí ở Hàn, nhưng tôi không được trả lương và phải kiếm thu nhập từ những việc khác. Tôi đã hỏi ý kiến giám đốc để xin họ đồng ý cho làm thêm bên ngoài mà không thu phần trăm.
Sau khi nhận được cái gật đầu, tôi đã nộp hồ sơ vào tất cả công ty tôi biết và do bạn bè giới thiệu. Để sinh tồn, tôi không từ bỏ cơ hội nào.
Hàn Quốc công nghiệp hóa nền giải trí từ những khâu nhỏ nhất. Họ có các công ty riêng quản lý nghệ sĩ nước ngoài và diễn viên quần chúng người Hàn. Tôi nộp hồ sơ vào tất cả đơn vị đó.
Nếu tôi được nhận với tư cách nghệ sĩ nước ngoài, cát-xê sẽ cao. Tuy nhiên, cơ hội rất hiếm hoi vì người Hàn cần những điều mới lạ như nghệ sĩ có ngoại hình phương Tây. Nếu tôi được nhận với tư cách người Hàn, mức lương chỉ bằng một nửa nhưng tần suất nhận việc lại nhiều hơn vì so với mặt bằng chung, tôi có ngoại hình tốt hơn các bạn nghệ sĩ quần chúng bản địa.
Năm 2019, tôi may mắn được bạn giới thiệu để tham gia Arthdal Chronicles (Biên niên sử Arthdal)- bộ phim có Song Joong Ki thủ vai chính. Ban đầu, vai diễn của tôi do một diễn viên Philippines đảm nhận. Tuy nhiên, người đó diễn không tốt và bị đạo diễn phàn nàn. Ê-kíp yêu cầu đổi diễn viên và tôi được chọn để thay thế.
Choáng ngợp trước Song Joong Ki
Tạo hình nhân vật được hóa trang kỹ nên nhà sản xuất không quan trọng ngoại hình. Họ chỉ có yêu cầu về chất giọng và khả năng nói tiếng địa phương. Mọi thứ diễn ra chóng vánh. Ngay sau khi được xác nhận có vai, tôi vội vã mang theo ít đồ rồi đi ngay ra bến tàu để tới phim trường.
Hành trình quay kéo dài bốn ngày ba đêm với nhiều kỷ niệm không thể quên. Tôi vẫn hay đùa với bạn bè rằng "đóng vai nô lệ mà tưởng là nô lệ thật". Lúc bấm máy, tôi và thành viên đoàn phim không có thời gian ngủ. Nhà sản xuất thuê khách sạn để các diễn viên nghỉ nhưng chúng tôi chỉ về đó một lần, thời gian nghỉ vỏn vẹn hai tiếng.
Hầu hết diễn viên quần chúng phải ăn, ngủ tại bối cảnh vì không biết lúc nào sẽ tới lượt lên hình. Cảnh quay tuy ngắn nhưng bối cảnh lại đòi hỏi phải sắp xếp tỉ mỉ nên rất mất thời gian. Hơn nữa, đoàn làm phim hơn 200 người khiến không khí lúc nào cũng ồn ào, khó mà chợp mắt. Đến ngày cuối cùng, khi gần kiệt sức, tôi nằm lăn ra đất để ngủ, không còn bận tâm gì nữa.
Tạo hình nhân vật của Anh Tôn trong Arthdal Chronicles. Ảnh: NVCC.
Trong những ngày quay, nhiệt độ về đêm xuống rất thấp. Mỗi lúc chờ quay, diễn viên quần chúng phải ngồi tập trung trong một cái lán. Khi trời lạnh, chúng tôi đã đốt lửa vừa để phục vụ quay phim, vừa để chúng tôi sưởi ấm. Sau cảnh tưới nước để tạo ra bùn, rồi kéo xe, người tôi bẩn thỉu và nhớp nháp. Bốn ngày đó, tôi và các bạn diễn viên quần chúng không có cơ hội tắm rửa.
Vai diễn của tôi có thoại. Theo bàn bạc ban đầu, tôi chỉ cần nói đúng hai chữ: "Lẹ lên". Sau ngày thứ nhất, tôi không thấy đạo diễn đả động nên nghĩ chắc không cần thoại nữa. Đến ngày thứ hai, đạo diễn Kim Won Seok gọi tôi ra rồi yêu cầu thoại nhiều câu. Tôi hơi hoảng nhưng bắt kịp lại tinh thần rồi bước vào ghi hình.
“Đến giờ ăn rồi. Tụi mày có đói không. Tao sắp chết vì đói rồi này. Gắng lên. Lẹ lên”, tôi đã nói như vậy.
Vào ngày quay thứ ba, tôi rất bất ngờ khi Song Joong Ki tới. Nam diễn viên đứng ngay cạnh tôi khiến tôi chỉ biết đứng im thin thít vì choáng ngợp. Tài tử có ngoại hình vạm vỡ, gương mặt điển trai. Tôi nhìn qua màn hình máy quay và thốt lên trong đầu "đẹp như tạc tượng vậy".
Trong quá trình quay, Song Joong Ki thoắt ẩn thoắt hiện. Khi ê-kíp hô: “Mời diễn viên Song Joong Ki xuất hiện”, ngoảnh lại tôi đã thấy anh ấy ở đó. Nam diễn viên rất chuyên nghiệp, các cảnh quay hầu như chỉ cần thực hiện trong một lần. Sau lần tham gia, mọi người cứ trách, sao tôi không chụp hình với Song Joong Ki.
Một nguyên tắc ở Hàn là bạn không được phép xin chụp hình hay chủ động nói chuyện với diễn viên chính. Khi đi quay phim, chúng ta và họ đều là diễn viên. Nếu chúng ta xin chụp hình, chúng ta sẽ xuống thành fan của họ. Cách người nổi tiếng đối xử với một người fan và một người đồng nghiệp hoàn toàn khác nhau.
Sau khi hoàn thành vai diễn trong Biên niên sử Arthdal, tôi lại vác túi về nhà, ngủ hết một ngày. Khi tỉnh dậy, tôi cầu mong cảnh quay không bị cắt đi. Đó là điều kỳ diệu trong cuộc đời tôi.
Thà thất bại còn hơn không đi đến cùng ước mơ
Tới nay, tôi có cơ hội tham gia vai quần chúng trong các bộ phim như Quý cô Hammurabi và Voice 3, đồng thời, góp mặt trong một số quảng cáo và chương trình truyền hình tại xứ sở kim chi. Tôi còn nhớ lần đi quay Quý cô Hammurabi với Go Ara và L (nhóm nhạc Infinite). Go Ara rất thân thiện, chủ động hỏi thăm tôi. Khi biết tôi là người Việt Nam, nữ diễn viên xuýt xoa và bày tỏ: “Trời ơi, tôi thích Việt Nam lắm. Tôi tới Việt Nam rồi”.
Được theo đuổi ước mơ khiến tôi vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên, tôi vẫn đau đáu nỗi buồn khi bị gia đình kịch liệt phản đối việc đi theo con đường nghệ thuật. Nhiều lúc tôi chỉ muốn nói: "Ba mẹ có thực sự biết ước mơ của con là gì không?".
Anh Tôn có cơ hội gặp Sunmi với tư cách người hâm mộ. Ảnh: NVCC.
Sau nửa năm đầu tiên tại Hàn Quốc, tôi trầm cảm. Phòng ký túc nơi tôi ở còn ba bạn khác nhưng tôi không thể trải lòng với ai. Họ là những người lạ mặt, mới quen, có những công việc bận rộn riêng. Tôi từng gọi điện về nhà và khóc nhưng rồi vì sợ gia đình lo lắng nên đã nhanh chóng gạt nước mắt và nói: "Con không sao".
Tôi lạc lõng nơi đất khách quê người, theo học ngành nghề bản thân không yêu thích. Định hướng tương lai thời điểm đó hoàn toàn là do các bậc sinh thành sắp xếp. Người ta vẫn nói ở thời điểm khó khăn nhất, chúng ta sẽ nhận ra đâu là thứ đáng từ bỏ. Tôi tự vấn bản thân nhiều ngày và nhận ra cuộc sống không phải để từ bỏ mà phải sống để theo đuổi điều khiến mình hạnh phúc.
Ngày Biên niên sử Arthdal lên sóng, cái tên Lê Anh Tôn xuất hiện trên nhiều tờ báo. Gia đình tôi biết việc nhưng chỉ nhắc tôi lo lấy vợ và ổn định gia đình, khẳng định với họ hàng rằng tôi đang lạc lối.
Gần đây, tôi được nhận vào một vài dự án nhưng dịch bệnh đã cướp đi các cơ hội đó. Rõ ràng, chặng đường này luôn có những khó khăn tôi khó lường trước. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng để ba mẹ thấy sự lựa chọn của tôi là chính xác. Nếu không thành công, tôi cũng không hối tiếc. Tôi sẽ trải nghiệm sự thất bại còn hơn nuối tiếc vì chưa từng nỗ lực hết mình cho ước mơ.
Theo Zing