Chú Ba nấu chè một tay - Ai ăn cũng mê!

Tại góc đường Mai Thị Lựu giao với Nguyễn Thủ, đã gần 40 năm nay xe chè của chú Ba Thể vẫn làm say đắm không biết bao nhiêu thế hệ người Sài Gòn.

Thế nhưng, với tôi xe chè ấy không đơn thuần là một điểm nhấn của ẩm thực Sài Gòn, mà nó còn mang trong mình một câu chuyện đầy cảm xúc của người đàn ông "độc thủ".



Quán chè của chú Ba đã tồn tại gần 40 năm ở góc đường Mai Thị Lựu - Nguyễn Văn Thủ.


Chú Ba tên thật là Võ Văn Thể (69 tuổi). Người ta thấy chú cười suốt, bán chè cũng cười, dọn dẹp cũng cười, nụ cười vẫn thường trực trên môi bất kể ngày đắt hay ngày ế. Người ta bảo: "Ông Ba giỏi lắm, có một tay thôi mà nấu chè ai ăn cũng mê".
 


Chú Ba cười miết, chú lạc quan và luôn tự làm mọi việc không muốn nhờ vả ai.


Bố mất sớm, mẹ dẫn chú Ba và chị gái vào Sài Gòn mưu sinh. 3 ngày trước giải phóng, chú bị mảnh pháo văng trúng buộc phải cưa cánh tay phải.

Nhưng ngày đó người thanh niên trẻ làm gì có thời giờ mà buồn. Là trụ cột trong gia đình, chú Ba cắn răng vượt qua đau đớn để có thể làm việc nuôi mẹ, phụ chị.

Thấy chị và mẹ buồn, chú Ba ra sức động viên: Không sao đâu, không có gì là không thể, miễn mình cố gắng. Nói thì dễ đó, nhưng những ngày đầu làm quen với việc chỉ còn một cánh tay sự thật không hề đơn giản.

Ngay cả những sinh hoạt hằng ngày như tắm rửa, mặc áo quần cũng là cả một vấn đề, chứ đừng nói đến chuyện đi làm kiếm tiền. Cũng đôi khi ngồi vu vơ cảm thấy cơ thể mình bỗng nhiên trống trải.

Nhưng rồi khó khăn cũng qua, chú Ba nói trong cái khó ló cái khôn. "Có nhiều việc người bình thường không làm được, nhưng chú thì làm được.

Bởi vì người bình thường có đủ chân đủ tay, họ làm việc theo bản năng, còn với chú phải suy nghĩ cách nào, tư thế nào để làm việc đó. Tập dần rồi quen tay" - chú tâm sự.
 


Chú Ba tập dần với việc chỉ có một cánh tay. Rồi chú cũng quen, bây giờ thì việc gì chú cũng có thể tự tay làm được.


Được chị hai chỉ cách nấu chè, chú Ba bắt đầu nấu chè đi bán. Mỗi ngày chú dậy sớm, nấu mấy nồi chè to, rồi đến 12h đẩy xe ra góc đường Mai Thị Lựu - Nguyễn Văn Thủ bán.

Chú bán nhiều loại, nào là chè đậu, chè thập cẩm, sương sa hột lựu, bột lọc củ năng... khách ăn một lần là ghiền, nên khách của chú Ba cứ thế mỗi ngày một đông.
 


Quán chè có rất nhiều món.
 


Những món rất bình dân nhưng lại khiến thực khách nhớ mãi.


"Ngày xưa bán chè trong bịch nylon thì chú nhờ khách cột dùm. Còn bây giờ đựng chè trong hộp nhựa nên đậy nắp cũng dễ hơn. Khách chú đa số là khách quen không hà, chớ đâu có bí quyết nấu chè ngon gì đâu" - chú Ba cười hì hì.
 


Những năm gần đây chú Ba bán chè trong ly nhựa nên cũng tiện hơn.


19h tối, khi chè đã bán hết chú Ba lủi thủi đẩy xe về nhà để chuẩn bị nguyên liệu cho ngày hôm sau. Những năm gần đây chú Ba lớn tuổi, không còn khoẻ để đi bán một mình, nên cháu dâu của chú là cô Nữ ngày ngày vẫn phụ chú đẩy xe chè đi bán.
 


Chú Ba không có vợ con nên những năm gần đây cháu dâu của chú là cô Nữ phụ giúp chú trong việc buôn bán.
 

Đời là vạn niềm thương

Trưa hôm đó trời đổ mưa lớn, có một chiếc xe hơi tấp vào quán chè chú Ba. Từ trên chiếc xe, một người phụ nữ sang trọng bước xuống tiến lại tiệm chè.

Chú ơi bán cho con 5 ly chè thập cẩm - người phụ nữ nói.

Chú nhìn cô vài giây rồi nói:

Tôi nhìn cô quen lắm!

Cô cười:

Con vẫn thường ghé mua chè của chú mà. Nhưng có người đến thường xuyên hơn, nhưng chắc lâu rồi chú không nhớ mặt đâu. Mười mấy năm trước, anh trai của con vẫn thường đến mua chè của chú, ảnh thường đứng phụ chú cột từng bịch chè cho khách.

Sau này anh ấy sang Mỹ định cư, nhưng mỗi lần có dịp về Việt Nam thì giá nào cũng ra đây ăn chè. Hôm nay là giỗ của anh, nên con muốn cúng cho anh món mà lúc sống anh vẫn thích.

Chú Ba thoáng buồn:

Bạn hiền, sao lại đi trước ông già này... Thôi để hôm nay chú Ba làm cho anh con 1 ly chè đặc biệt nghen.

Cô và chú cười vang, mưa Sài Gòn như dịu lại trong chốc lát.
 


Chú Ba rất gần gũi với khách.


69 tuổi, chú Ba đã bước qua gần hết cuộc đời, trong ngần ấy năm cũng có những lúc yêu thương xao động nhưng chú chẳng bao giờ dám mở lòng với người phụ nữ nào.

Hồi còn đi học, chú có quen một người con gái cùng xóm. "Cả hai vẫn hay thơ từ qua lại, lãng mạn lắm. Cô còn tặng chú một chiếc khăn và chai dầu thơm" - chú nhớ mãi.

Thế nhưng khi bị tai nạn mất đi một cánh tay, chú không muốn sẽ trở thành gánh nặng của cuộc đời cô. "Mình làm ra vẻ vô tâm để người ta không còn thương mình nữa" - chú kể.

Rồi chú cũng thành công, cô chú chia tay, không lâu sau đó cô đi lấy chồng. Chú chưa bao giờ hối hận về hành động của mình ngày đó. Bởi yêu thương đâu phải lúc nào cũng giữ lấy bên mình. Chú cười nhẹ tênh: mình tật nguyền cứ an phận mình thôi...
 


Theo Trí Thức Trẻ