Mất đi 3 người thân vì căn bệnh thế kỷ
Sinh
ra và lớn lên ở Cao Thượng (Tân Yên, Bắc Giang), từ nhỏ cô Hoàn đã tỏ
ra rất có năng khiếu với bộ môn Ngữ văn. Niềm đam mê với văn học và
giảng đường trong cô cứ ngày một lớn dần. Năm 1996, sau khi tốt nghiệp
cấp III, cô Hoàn thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội II.
Cô giáo Hoàn thời còn trẻ.
Năm
2000, cô Hoàn tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại ưu. Không lâu sau
đó, cô được phân công giảng dạy tại Trường THPT Mỏ Trạng. Vừa tốt nghiệp
Đại học, chân ướt chân ráo đặt chân lên vùng núi công tác, cô Hoàn gặp
phải không ít khó khăn. Dù thế, bằng nghị lực kiên cường, nhiệt huyết
của tuổi trẻ và cái duyên tình với bảng đen phấn trắng đã giúp cô vượt
qua gian khó ban đầu.
Trở về giảng dạy tại
trường Mỏ Trạng cũng là lúc cô gặp lại người bạn cũ học cùng cấp 3 và
mối duyên tình cũng bắt đầu từ đây. “Về đây dạy học thì anh ấy lên tìm
như là đi tìm một người bạn thôi, hai đứa coi nhau là bạn thân. Một lần,
cả hai rủ nhau đi ăn cỗ ở huyện Lương Tài (Bắc Ninh) phải đi qua phà.
Lúc phà rời bến thì chòng chành chòng chành, đột nhiên thấy cậu bạn túm
tay mình một cái để giữ cho mình đứng cho vững. Chỉ là một chi tiết nhỏ
đấy thôi làm mình nghĩ, có lẽ người này là chỗ dựa của mình".
Câu
chuyện cứ thế trôi qua êm đềm cho đến một ngày, chàng trai ấy đột nhiên
hỏi: “Thế em có lấy anh không?”. Thời điểm đó đúng vào năm 2001, khi cô
giáo Hoàn bắt đầu ổn định công việc giảng dạy ở trường THPT Mỏ Trạng.
Nụ cười hạnh phúc của cô giáo Hoàn trong ngày cưới - (Ảnh cắt từ clip).
Không
suy nghĩ nhiều, đám cưới giữa cô và người bạn trai nhanh chóng được tổ
chức. Hạnh phúc những tưởng sẽ bắt đầu ươm mầm từ đây nhưng cuộc đời có
đôi lúc không sao lường trước nổi, chồng cô sớm sa lầy vào vũng bùn ma
túy.
Theo lời cô giáo Hoàn kể lại, trước khi
cưới, nhiều người cũng đồn thổi chuyện chồng cô dương tính với ma túy
nhưng cô Hoàn có phần không tin. Bằng tình yêu và trái tim yếu mềm của
người phụ nữ, cô hoàn toàn tin tưởng, tôn thờ người bạn trai và cho
rằng, những lời truyền miệng ấy chỉ là tin đồn thiếu căn cứ.
Đám
cưới diễn ra êm đẹp. Hạnh phúc được nhân đôi khi cuối năm ấy sẽ là ngày
vợ chồng cô đón đứa con đầu lòng. Giữa lúc tràn ngập yêu thương, cô
phát hiện chồng mình nghiện. Dù rất thất vọng, cô vẫn cương quyết khuyên
chồng đi cai nghiện. Hơn ai hết, cô thấu hiểu bi kịch mà “nàng tiên
nâu” gieo rắc luôn là nỗi kinh hoàng cho mọi nhà.
“Kết
quả xét nghiệm ở bệnh viện Thái Nguyên cho thấy anh ấy chỉ dương tính
với ma túy thôi và bố mẹ anh cũng xác nhận việc đấy, nhưng chắc khi đó
chỉ là giai đoạn cửa sổ nên chưa phát bệnh” – cô giáo Hoàn chia sẻ.
Vì
không biết chồng mắc HIV nên cô Hoàn vẫn rất tin tưởng vào tương lai,
hy vọng sau khi có con, chồng cô sẽ thức tỉnh, cai nghiện thành công rồi
cả gia đình được đoàn tụ. Thế nhưng bao nhiêu cố gắng ấy đều đã sụp đổ.
Không lâu sau khi hạ sinh được công chúa đầu lòng, cô được bác sĩ thông
báo đứa con cũng mang trong mình căn bệnh thế kỷ do cô lây từ chồng.
Cô giáo Hoàn kể về quãng thời gian khó khăn trong cuộc đời khi người thân ra đi vì HIV - (Ảnh cắt từ clip).
“Bé
được bác sĩ chẩn đoán hỏng một bên phổi, chỉ cần rút bình oxy là sẽ ra
đi” – cô Hoàn kể. Mất con gái, cô Hoàn vô cùng đau khổ nhưng vẫn không
hề nản chí. Cô tiếp tục khuyên chồng nên đi cai nghiện. Cô dồn toàn tâm
toàn ý chăm sóc chồng. Hai năm chồng đi cai nghiện là hai năm cô kiên
trì, hy vọng vào một tương lai tươi đẹp. Hàng tháng, sau khi lĩnh lương,
cô dành thời gian và tiền của lên ở luôn với chồng ở trại cai nghiện
trên Việt Trì (Phú Thọ).
Chồng cô cai nghiện
thành công. Hạnh phúc lại trở về với căn nhà nhỏ ấm áp. Mỗi ngày như
thế, cô Hoàn đều trân trọng và đếm từng phút, từng giây. 30 ngày yên
bình trôi đi, sang đến ngày 31, trong một lần đi ăn cưới, chồng cô tái
nghiện.
“Anh ấy đã rất cố gắng, đã nhiều lần
tự cai, tự mua dây trói, xích chân để quyết tâm thoát nghiện nhưng rồi
không thành. Lúc ấy mình mới biết ma túy kinh khủng như thế nào. Tính
thời gian là vợ chồng được hơn 4 năm, còn ở gần nhau chỉ được khoảng 2
năm”, cô Hoàn tâm sự. Nỗi đau chồng chất nỗi đau khi em trai cô cũng
mang HIV. Hai ngày cuối tháng 4/2005 có lẽ là thời gian đau đớn nhất
cuộc đời cô, khi mà người em trai mất hôm trước, hôm sau chồng cô cũng
ra đi. Những người thân cô yêu thương nhất: con, em trai và cả chồng cô
nữa đều bỏ cô ra đi vì căn bệnh thế kỷ.
"Mong kiếp sau vẫn được làm con gái mẹ"
Trải
qua nhiều nỗi đau và trở thành góa phụ ở tuổi 25 nhưng cô Hoàn vẫn mạnh
mẽ, kiên trì để sống tiếp, làm trọn bổn phận của một người con hiếu
thảo.
Cô giáo Hoàn chia sẻ: “Lúc ấy mình chỉ
nghĩ là bây giờ mất một coi như là mất 2, mất 3. Đến cuối cùng, bố mẹ
vẫn là những người khổ tâm nhất”. Chính suy nghĩ tích cực ấy cùng sự
động viên của gia đình và cảm thông của đồng nghiệp đã kéo cô đứng dậy.
Hơn
chục năm chống chọi với bệnh tật cũng là ngần ấy thời gian cô Hoàn luôn
dẫn đầu trong công tác giảng dạy của trường. Nhờ tận tâm truyền thụ
kiến thức, các đội học sinh giỏi do cô phụ trách liên tục đoạt giải cao.
Trong nhiều năm liền, cô liên tục đạt được các danh hiệu giáo viên dạy
giỏi các cấp, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở...
Cô giáo Hoàn và mẹ nghẹn ngào tại Nhà hát Kịch Việt Nam - (Ảnh cắt từ clip).
Thành
công trong công việc nhưng điều mà cô giáo Hoàn cảm thấy canh cánh
trong lòng hiện tại chính là người mẹ đã già của mình. Tình thương sâu
nặng ấy, cô không nói nổi thành lời.
“Mình lúc
nào cũng phải cố gắng, cố gắng để không khóc, nếu có khóc thì phải giấu
nước mắt đi. Vì trong nhà có mỗi mình được học hành đến đầu đến đuôi,
bố mẹ cũng rất là kỳ vọng”, cô Hoàn chia sẻ.
Bao
nhiêu nước mắt đắng cay và tình yêu vô bờ đối với người mẹ thân yêu, cô
Hoàn đều gửi lại cả vào những vần thơ. Cô coi đó là một “thế giới thơ”,
là nguồn năng lượng giúp cô sống.
“Trái bưởi đè rụng bụi hồng tàn hoa
Con đi lấy chồng quê xa
Canh cần chẳng có, giỗ đà muộn chưa
Chan chan đời mẹ từ xưa
Cậy nhờ con lớn bây giờ cậy đâu
Từ ngày con đi làm dâu
Tình đành duyên vậy rầu rầu nắng mưa
Bão giông thuyền mẹ đã thừa
Thuyền con trèo mãi vẫn chưa cập bờ
Đêm xuân du giấc mơ xưa
Bao giờ lại đến ngày chưa xuân thì”…
Cho
đến lúc này, tình yêu bố mẹ chính là động lực giúp cô tiếp tục sống và
vươn lên. Cô Hoàn vẫn mong nếu có kiếp sau vẫn muốn được làm con của mẹ
để “trả nợ người”. Còn ở kiếp này, nguyện ước lớn nhất của cô chính là
có thể quay ngược thời gian, thay đổi định mệnh, đền đáp được nhiều hơn
công ơn dưỡng dục của bố mẹ.