Phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM cho biết, nhiệt độ, độ ẩm, hành vi con người là những yếu tố nguy cơ lây nhiễm virus corona, trong đó hành vi con người là yếu tố quan trọng. Môi trường khép kín, chật hẹp, mật độ đông người, tiếp xúc lâu là yếu tố nguy cơ cao lây nhiễm bệnh.
Theo phó giáo sư Lân, thường ở nhiệt độ khoảng 20-33 độ C con người sẽ hoạt động nhiều, mở cửa nhà thông thoáng. Khí hậu nắng nóng trên 33 độ như ở TP HCM, Bình Thuận, con người lười vận động, ít rửa tay, thường có xu hướng sử dụng máy điều hòa nhiều.
"Cùng ngồi trong máy lạnh ở không gian văn phòng, quán xá, hội thảo, máy bay, nhiều gia đình chỉ bật điều hòa ở một phòng rồi vào sử dụng chung... dễ phát tán virus cho nhau", ông Lân phân tích. Khi ở trong phòng mát mẻ, mọi người cũng thường ngại ra ngoài rửa tay.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, nguy cơ lây lan nCoV tùy thuộc nhiều yếu tố. Giai đoạn bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng bệnh, nguy cơ lây nhiễm virus từ dịch tiết, giọt bắn khi ho, hắt hơi, nói chuyện với người khác, ở mức rất cao. Vấn đề lây nhiễm còn phụ thuộc vào giai đoạn của người bệnh, thể trạng của người tiếp xúc, mật độ virus...
"Các thành viên trong nhà thường tiếp xúc gần lây bệnh cho nhau, đặc biệt tại các thành phố nhiều người đóng kín cửa mở máy lạnh là môi trường lý tưởng để virus lây lan", bác sĩ Khanh nói.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đặc tính chung của dòng virus corona là phát triển ở nơi có nhiệt độ thấp và ẩm, thường dưới 25 độ C.
Nhiệt độ cao là một sự hạn chế với virus corona nói chung, giúp ngăn dịch bùng phát. Sau khi ra khỏi vùng hầu họng của người mang bệnh, virus có thể sống trong giọt bắn của người bệnh. Nếu nhiệt độ thấp, sức sống của nó rất lâu đến vài giờ. Trong môi trường vừa có nắng vừa nhiệt độ cao, thì chỉ trong 3-5 phút virus có thể bị tiêu diệt, giúp khả năng lây nhiễm giảm đi nhiều.
Đến tối 15/3, Việt Nam ghi nhận 54 bệnh nhân Covid-19, trong đó 16 người đã khỏi bệnh. Bình Thuận và Hà Nội có 9 bệnh nhân, TP HCM 8 trường hợp. "Bệnh nhân 34", nữ doanh nhân ở Bình Thuận, là nguồn lây nhiều nhất, liên quan đến 10 trường hợp mắc bệnh khác. (Ảnh minh họa)
Theo nghiên cứu của các chuyên gia tại Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Singapore được đăng tải trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, có những bằng chứng chỉ ra rằng COVID-19 có thể lây truyền qua đường thông hơi của điều hòa nhiệt độ.
Điều này là bởi hệ thống điều hòa không thể lọc bỏ các nhân tố có kích thước nhỏ hơn 5,000 nanometers. Trong khi đó, kích thước của COVID-19 chưa thực sự được hiểu rõ, nhưng các virus bệnh cùng họ với nó, chẳng hạn như SARS chỉ có kích thước là 120 nanometers..
Do đó, "nếu COVID-19 có kích thước nhỏ tương đương (SARS), điều hòa có thể mang nó đi khắp các không gian có kết nối hệ thống và trở thành nguồn lây lan bệnh dịch vô cùng lớn", GS James G. Dwyer, Đại học Purdue tại Indiana (Hoa Kỳ) khẳng định.
Theo BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, COVID-19 là chủng virus mới, nên muốn biết về các tính chất lý hóa của nó, bắt buộc phải dựa vào các nghiên cứu của các chủng coronavirus trước đó, đặc biệt là SARS-CoV và MERS-CoV. BS Phúc nhận thấy họ coronavirus có chung đặc điểm rất nhạy cảm với ánh sáng, tia cực tím, nhiệt độ và độ ẩm.
Trong thời tiết sắp bước vào mùa hè nắng nóng, chúng ta cần biết cách để dùng điều hòa nhiệt độ hợp lý, đề phòng lây nhiễm COVID-19. Dưới đây là 5 lưu ý của BS Phúc:
- Điều đầu tiên, BS Phúc muốn nhấn mạnh là khi nhiệt độ môi trường cho phép, không nên dùng điều hòa nhiệt, hãy mở các cửa để đảm bảo thông thoáng không khí. Ngừng sử dụng điều hòa có nghĩa là cắt đứt sự lây lan của virus thông qua điều hòa.
- Thứ hai, nếu thời tiết quá nóng, buộc phải bật điều hòa, nhưng hãy để ở 27˚C thay vì bật quá lạnh.
- Thứ ba, điều hòa tổng, đặc biệt ở các cơ quan công sở, trường học. Nên nhớ virus có thể đi qua các đường ống dẫn, vì thế mà khi dùng chung điều hòa tổng, sẽ có nguy lây nhiễm chung. Dùng điều hòa với cục nóng riêng rẽ sẽ đảm bảo an toàn hơn điều hòa tổng. Bởi vậy mà trong cơ quan hay trường học phát hiện có người mắc bệnh COVID-19 hoặc nghi ngờ, hay ở trong gia đình có người bị bệnh hay đang phải cách li, thì bắt buộc phải dừng việc sử dụng điều hòa tổng.
- Thứ tư, ở các cơ quan, trường học, siêu thị, nhà hàng, cơ sở kinh doanh hay bất cứ nơi nào khác dùng điều hòa và đặc biệt là điều hòa tổng, phải đảm bảo vận hành với không khí trong lành, gió tươi, tăng cường làm sạch, khử trùng màng lọc và linh kiện. Chú ý không để nước đọng đường ống và hệ thống chống đông đảm bảo không bị hỏng.
- Thứ năm, khi mới phát hiện bệnh nhân COVID-19 hoặc nghi ngờ, dù ở gia đình hay công sở, trường học, hoặc những nơi khác, lúc đó bắt buộc phải dừng sử dụng điều hòa để thực hiện làm sạch và khử khuẩn, chỉ khi điều hòa đã đảm bảo khử khuẩn an toàn mới được sử dụng.
Theo Người Đưa Tin