Mới đây, vào tối 24/5, Lâm Minh xuất hiện trên livestream với hình ảnh đầu bù tóc rối. Cô liên tục khóc, nói đứt quãng, không kiềm chế được cảm xúc. Nữ người mẫu bế con, chia sẻ sự tình khiến tâm trạng hoảng loạn.

Nữ người mẫu nói do trong bữa cơm tối, thức ăn để xa khiến cô không ăn được. Lâm Minh bỏ lên phòng ăn mì gói. Điều đó khiến gia đình chồng không chấp nhận và xảy ra xô xát giữa mẹ chồng - con dâu.

Trong vòng hai ngày, gia đình Decao - Lâm Minh trở thành đề tài bàn tán trên mạng. Trước áp lực từ MXH, Decao sau đó đã đăng tải bài viết xin lỗi. Trong bài viết, Decao cho rằng Lâm Minh bị trầm cảm, rối loạn lo âu. Anh cũng hối hận vì để cảm xúc giận dữ chi phối.

Chuyên gia tâm lý: Một người vợ trầm cảm cần rất nhiều sự nhẫn nại của chồng-1

Liên quan đến câu chuyện về các rối loạn như trầm cảm hay lo âu, thạc sĩ - chuyên gia tâm lý Lê Thế Hanh (Viện Tâm lý - Giáo dục BrainCare) cho biết đây là điều không còn quá xa lạ với đại đa số mọi người nhưng nếu phải sống chung với họ thì có lẽ sẽ là một trải nghiệm đầy thử thách về tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương và tấm lòng trắc ẩn.

Theo thạc sĩ Thế Hanh, những vấn đề mà người rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu khi bộc lộ ra không nằm trong khả năng kiểm soát của họ, có những cơn buồn chán quá mức dẫn đến mất năng lượng trong cơ thể hoặc những cơn sợ hãi quá mức dẫn đến những cơn đau trên cơ thể mà bệnh nhân không thể kiềm chế và cần phải có sự hỗ trợ của người thân xung quanh. Nếu như người chăm sóc không được chuẩn bị sẵn sàng về tinh thần cũng như kiến thức về sức khỏe tâm thần thì họ sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều trong cuộc sống hàng ngày.

3 dấu hiệu phổ biến của trầm cảm:

Khí sắc trầm buồn: Gương mặt thường xuyên xuất hiện nét mặt buồn chán, không có nụ cười, ánh mắt thẫn thờ,… 

Mất động lực sống: Không còn hứng thú với những sở thích trước đây, cảm thấy mình mất đi mục tiêu trong cuộc sống. 

Mất năng lượng cơ thể: Năng lượng bị kiệt quệ, chỉ muốn nằm một chỗ, không muốn vận động.

Ngoài ra, nếu bệnh nhân mắc rối loạn hỗn hợp trầm cảm lo âu, sẽ xuất hiện các cơn kịch phát về cảm xúc hoảng sợ, và suy nghĩ quá mức về những sự kiện trong cuộc sống cùng với những biểu hiện cơ thể như tay run, tim đập nhanh, cơ thể vã mồ hôi, đi vệ sinh nhiều lần…

Từng thành viên trong gia đình cần sự hiểu biết về trầm cảm

Gia đình được coi là điểm tựa tinh thần cho bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần. Không ai muốn mình bị mắc các chứng tâm thần. Tuy nhiên cuộc sống có nhiều biến cố gây ảnh hưởng đến khả năng chống chịu căng thẳng. Vậy nên sẽ không thể khẳng định rằng mỗi người luôn khỏe mạnh về mặt tâm trí. Chẳng hạn như việc sinh em bé cũng khiến cho cơ thể người mẹ bị ảnh hưởng và khiến người mẹ mắc các chứng rối loạn tâm thần sau sinh và phải trải qua những giai đoạn như vậy mới có thể thấu hiểu và đồng cảm. 

Chuyên gia tâm lý: Một người vợ trầm cảm cần rất nhiều sự nhẫn nại của chồng-2
Thạc sĩ - chuyên gia tâm lý Lê Thế Hanh

Những lúc như vậy, người vợ cần sự quan tâm chăm sóc và sự nhẫn nại của người chồng rất nhiều. Ngược lại, chồng cũng có những áp lực về tài chính, công việc và đôi khi cũng cần sự san sẻ của người vợ. 

Như vậy, nếu như trong gia đình không may có một người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, từng thành viên trong gia đình cần có sự hiểu biết về vấn đề này để nâng cao sự thấu hiểu, quan tâm lẫn nhau để người bệnh có thể vượt qua những giai đoạn khó khăn ban đầu khi tiến hành điều trị.

5 hiện tượng cần tự đánh giá để đi điều trị tâm lý

- Thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và những người khác, hoặc suy nghĩ quá mức về một vấn đề mà dẫn đến sự bế tắc. 

- Có những suy nghĩ về cái chết, sự trả thù hay tự làm đau bản thân.

- Cảm xúc cực đoan buồn quá mức hoặc vui quá mức mà không thể kiểm soát, cảm xúc tức giận cực phát mà không thể tự điều tiết được bản thân.

- Có những suy nghĩ người khác đang hãm hại mình và bị hoảng sợ quá mức về những yếu tố tiêu cực trong cuộc sống. 

- Có những hành vi làm tổn thương bản thân hoặc người khác cũng như những hành động khi bình tĩnh lại cảm thấy tội lỗi.

Còn rất nhiều biểu hiện cảm xúc, hành vi và suy nghĩ không phù hợp của cho thấy chúng ta đang cần được sự hỗ trợ tâm lý. Những khía cạnh này tựu chung là các cảm giác khó chịu, không được tự do, thoải mái, bí bách và cảm thấy mình bị cùn mòn những hứng thú trong cuộc sống. Nếu gặp những vấn đề tâm lý thì mỗi người nên mạnh mẽ tìm kiếm sự trợ giúp phù hợp.

Người thân trong gia đình có người mắc rối loạn trầm cảm và lo âu thường gặp tình trạng nào?

Theo một số quan sát và nghiên cứu trong quá trình thực hành tham vấn và trị liệu tâm lý cho những bệnh nhân, thạc sĩ Lê Thế Hanh cho biết 4 hiện tượng tâm lý mà người thân gia đình có người mắc rối loạn trầm cảm và lo âu thường mắc phải là:

- Sức khỏe thể chất bị kiệt quệ, có những bệnh nhân phát cơn hoảng loạn vào buổi tối hoặc rạng sáng với tần suất dày đặc khiến cho người chăm sóc cũng phải thức để hỗ trợ dẫn đến rối loạn giấc ngủ và cảm thấy cơ thể cũng dần mệt mỏi. 

- Sức khỏe tinh thần bị bào mòn, có nhiều người vợ hoặc người chồng chia sẻ rằng họ không phải sinh ra để phải chăm sóc một người bệnh tâm thần như vậy và qua nhiều năm tháng họ không còn muốn ở bên cạnh đối phương nữa, nhưng vì trách nhiệm và còn tình cảm nên họ vẫn muốn cố gắng.

- Phải hy sinh các mối quan hệ, bố mẹ có con bị rối loạn trầm cảm đối khi không dám rời con một bước vì sợ con sẽ tự kết thúc cuộc sống của mình, muốn đi đám cưới hoặc gặp mặt họ hàng cũng phải nhanh chóng để về ở với con của mình.

- Hiệu suất công việc bị suy giảm, có con cái của người mắc rối loạn trầm cảm chia sẻ rằng họ phải chọn những công việc tại nhà hoặc partime để có nhiều thời gian chăm sóc bố mẹ nhưng cũng không thể toàn tâm toàn ý trong công việc được.

Không ai muốn mình bị mắc các vấn đề bệnh lý liên quan đến sức khỏe tâm thần nhưng nếu như được sự hỗ trợ là điểm tựa tinh thần từ gia đình, cũng như tuân thủ phác đồ và được điều trị sớm thì các vấn đề sẽ được thuyên giảm và người bệnh có thể phục hồi các chức năng để tái hòa nhập với các hoạt động trong cuộc sống.

Có nhiều người mắc rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu đã được chữa khỏi và họ có khả năng dự phòng tái phát bệnh trong tương lai vậy nên chỉ cần người thân và bệnh nhân có niềm tin vào một cuộc sống bình yên, hạnh phúc sẽ được tạo ra ở tương lai, khi mà các thành viên trong gia đình cùng nhau cố gắng, cùng nhau làm điểm tựa tinh thần cho nhau để vượt qua những căng thẳng, thử thách sắp tới trong cuộc sống.

Theo Phụ Nữ Việt Nam