Vậy là con sói hoang lủi thủi cô đơn là tôi đã đi qua những năm tháng ấu thơ đầy tự kỷ với tình thương, sự cưu mang của một ông giáo già... 

Và sau này, trong suốt quá trình trưởng thành của mình, không biết bao nhiêu lần tự lục vấn lương tâm mình rằng nếu tôi không gặp ông giáo già làm bảo vệ ở trường tiểu học, nếu không có tình yêu thương, sự cưu mang và chở che của ông ấy, liệu tôi có học được qua bậc tiểu học không hay sớm trở thành đứa trẻ bỏ nhà đi lang thang và cũng nghiện ma túy như bố và bản năng như mẹ. 

Trong rất nhiều những cuộc lục vấn lương tâm đau khổ ấy, tôi đã không thể trả lời được câu hỏi, nếu không có sự quan tâm của ông giáo già đối với tôi, thì cuộc đời tôi sẽ trôi dạt đến đâu, tôi sẽ trở thành ai trong cõi hỗn độn này. 

Nhưng nếu không gặp ông giáo, nếu số phận tôi không va vào số phận ông như một duyên nợ tiền kiếp thì tôi, một đứa trẻ bơ vơ nhiều tổn thương liệu có thể lớn lên như một cái cây xanh trổ lá đâm bông mạnh khỏe dưới ánh sáng rực rỡ của mặt trời... 

Chuyện khó tin nhưng có thật: Những vết sẹo được ký thác (Kỳ 2)-1

Nhưng nếu nói như vậy thì ai, ai là người đã ký thác những vết sẹo lên tâm hồn tôi? Những vết sẹo vĩnh viễn không liền da? Bố tôi, mẹ tôi? Hay ông giáo già đáng kính?

Tôi xin được kể tiếp cuộc đời mình và tự các anh chị hay độc giả sẽ có câu trả lời hộ tôi. Năm năm học tiểu học, tôi có thêm mái nhà thứ hai để trú ngụ. Đó là căn phòng bảo vệ tập thể tồi tàn của ông giáo già. Nơi đó, bằng tất cả những yêu thương lạ lùng, ông giáo già đã dồn đắp cho tôi để tôi có một tuổi thơ lành lặn hơn. 

Và trong mái nhà thứ hai ấy, hai ông cháu tôi sống chan hòa đầy tình thương, đầy ắp tiếng cười của tôi mỗi lần đùa nghịch hay chơi cờ với ông giáo già... Sống cùng với ông giáo tôi hoàn thiện hơn mỗi ngày, biết điều hay lẽ phải, và quan trọng là tôi được sống trong tình yêu thương ý nghĩa.

Lên cấp hai, tôi chuyển sang một ngôi trường mới. Thời gian này phần lớn bố tôi ở trong trại cai nghiện. Mẹ tôi sinh thêm em bé, cuộc sống vất vả nhọc nhằn hơn... Bố cai nghiện rồi về nhà, rồi lại đi cai nghiện như cơm bữa. 

Trong một lần sốc thuốc, bố mất. Mẹ tôi lúc ấy cũng không còn trẻ nữa, giai đoạn sau này, những cơn rồ dại thân xác của mẹ rồi cũng nhạt đi, qua đi vì bố nghiện ma túy thân tàn ma dại không còn sức lực đâu mà mua vui cho mẹ. Bố mất tôi thấy mẹ thở ra như hắt đi được một gánh nặng quá sức.

Cuộc sống gia đình từ ngày bố mất vẫn buồn bã như cũ. Bố mất nhưng không có nghĩa mẹ dành mối bận tâm trước đây bị bố lấy mất và mang về chia đều cho anh em tôi. Mẹ có em bé nhỏ, còn tôi thì đã lên 11 tuổi, mẹ mặc nhiên coi như tôi đã lớn, đâu cần tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc của mẹ. 

Với mẹ, em nhỏ mới là mối bận tâm. Thế nên tôi luôn luôn là đứa con phải tự lớn một mình, tự giải quyết những rắc rối, những vướng mắc tinh thần một mình. Tôi vẫn là con sói hoang cô độc, lang thang...

Bố mất được ít lâu, tôi thấy mẹ dẫn người đàn ông khác về nhà... Tôi nhận ra mẹ tôi là một người đàn bà không thể thiếu được đàn ông. Mẹ tôi quá mạnh về bản năng, và thân xác luôn là thứ che lấp và phủ mờ lí trí của bà. Bởi có những lần đi học về, tôi thấy em tôi chơi tha thẩn trước cửa nhà với mấy cái kẹo mút lem luốc trên tay. Chiếc ri đô trong nhà kéo kín mít. Mẹ tôi có lẽ đang rên lên với những cơn đực cái ngập ngụa.

Tôi đã cắp cặp đi thẳng ra phòng bảo vệ của ngôi trường cũ. Tôi vừa đi vừa khóc, không phải tôi khóc vì tủi thân mà khóc vì thương em tôi, khóc vì một nỗi ê chề đến tận cổ. Khóc vì bao nhiêu thất vọng bẽ bàng. Tôi ước gì mẹ tôi chết đi như bố và tất cả chúng tôi, tôi và em tôi có thể biến mất tăm tích trong đời sống này. Tôi đã vừa đi vừa khóc. Tôi để mặc cho nước mắt trườn như rắn nước bò trên gương mặt chẳng buồn xấu hổ. Có lẽ đấy là lần đầu tiên trong đời tôi khóc vì gia đình mình. 

Có lẽ bởi vì cái hy vọng về một không gian an lành, ấm áp sẽ làm thay đổi cuộc sống của mẹ con tôi, của gia đình tôi, của bản thân tôi sau khi bố chết nó lớn quá, lớn đến nỗi tôi cũng như mẹ chỉ thở hắt ra cả một cơn nặng lòng trong đám tang của bố mà không có nổi lấy giọt nước mắt khóc bố, dù là giọt nước mắt mệt mỏi nhất. 

Thế nên, khi chứng kiến cảnh đứa em nhỏ tha thủi chơi trước nhà, mẹ có một người đàn ông mới đem về nhà hú hí, tôi đã thất vọng, nói đúng hơn là tuyệt vọng đến nỗi không còn chút sĩ diện với ai nữa; cứ thế để cho nước mắt giàn giụa chảy ra.

Ông giáo già lại mở cửa cho tôi vào, giặt khăn lau nước mắt cho tôi. Ông không bao giờ hỏi tôi mỗi khi tôi tìm đến ông, ngay cả khi lần đầu tiên ông nhìn thấy tôi với gương mặt nhòa nước mắt như lúc này. Kể cả ngày ông đón tôi khi tôi ngồi bệt ngoài cửa nhà, bố mẹ khóa cửa im ỉm tối mịt vẫn không về thì lúc ấy gương mặt tôi vẫn ráo hoảnh, không khóc. Nhưng lần này tôi khóc như nát tan, ông cũng chẳng lấy đó làm lạ để hỏi tôi dù chỉ một câu, vì sao tôi khóc.

Đêm đó, tôi ở lại với ông già. Và từ đó bắt đầu quãng thời gian tôi bỏ nhà ra đi... Mái nhà của ông giáo là nơi tá túc thứ hai của tôi. Và cũng may có mái nhà thứ hai, có tấm lòng của ông giáo mà tôi đã không bê tha việc học hành. Bởi ông giáo không cho phép tôi bỏ học, hay lười biếng trong việc học.

Chuyện khó tin nhưng có thật: Những vết sẹo được ký thác (Kỳ 2)-2

Ông nguyên là giáo viên dạy Toán đã nghỉ hưu, nên ông dạy tôi, giúp tôi củng cố kiến thức cơ bản, chữa bài tập và đốc thúc tôi việc học hành... Ông vừa là người cha, vừa là người thầy ở bên tôi, cứu vớt cuộc đời tôi. Nếu không có ông chắc tôi không thể kiên trì đi theo con đường học hành để có được một tương lai như hôm nay, đó là một điều chắc chắn. 

Dù trong tôi có đổ vỡ, có mất mát, có những vết thương khó chữa lành trong tâm hồn mình thì tôi cũng không thể phủ nhận công lao của ông giáo già đã dày công dạy dỗ, vun xới cho tôi.

Mẹ tôi có đi tìm tôi khi tôi bỏ ra khỏi nhà. Mẹ biết tôi có một chỗ để đến, đấy là phòng bảo vệ của ông giáo. Mẹ đến nhìn thấy tôi, mẹ thở phào buông một câu nhẹ tênh: "Thôi bác cho cháu ở đây với bác cho vui, bác kèm cháu học hành giúp em ạ. Hàng tháng em gửi bác tiền ăn cho cháu". 

Trao tôi cho ông giáo già, mẹ nhẹ thêm gánh nợ để rảnh rang cặp bồ. Còn tôi, sau nhiều những cuộc lục vấn lương tâm đau khổ, tôi đã không thể không thừa nhận những công ơn sâu nặng mà ông giáo già đã dành cho tôi... Nếu không có ông giáo, tôi sẽ đi đâu, và giờ tôi đã thành ai rồi.

Thưa các anh các chị!

Tôi chuyển đến ở hẳn trong căn phòng tập thể của ông giáo già. Cuộc sống của hai ông cháu đạm bạc nhưng đầm ấm hạnh phúc. Mẹ thỉnh thoảng có chạy qua dúi cho tôi ít tiền để đỡ đần tiền ăn cho ông giáo. 

Tối tối, hai ông cháu cùng học bài bên chiếc bàn nhỏ. Tôi làm bài tập, ông đọc sách. Ông hay kể chuyện cổ, chuyện thần thoại cho tôi nghe. Ông có cả một kho tàng những câu chuyện cổ hấp dẫn tôi đến mức tôi chỉ muốn học cho nhanh xong chui vào lòng ông và há mồm nghe ông kể chuyện.

Không khi nào ông chịu ngủ trước tôi dù những mùa ôn thi tôi học rất khuya. Khi nào tôi lên giường ngủ rồi ông mới đi ngủ. Và trong những giấc mơ mộng mị, trực giác của tôi đã phát hiện ra những khác lạ trong đêm khi tôi ngủ trên giường cạnh ông.

Nhưng cũng phải mãi sau này, khi đã lớn hẳn lên vào cấp 3 rồi, khi xâu chuỗi lại tất cả những sự kiện thì tôi mới lờ mờ hình dung được đó là những biểu hiện khác lạ. Chứ lúc đó, đêm nào tôi cũng cuộn tròn trong lòng ông để ngủ say sau khi đắm chìm vào những câu chuyện cổ tích của ông.

Đó là thỉnh thoảng, tôi lơ mơ ngủ và phát hiện ra ông giáo không ngủ, ông gỡ tay tôi đang ôm riết lấy ông ra. Ông ngồi rất lâu trên giường im lìm như cái bóng và lặng lẽ ngắm tôi ngủ. 

Nhiều lần tôi lơ mơ tỉnh giấc nhìn thấy như thế nhưng bản tính trẻ con vô tư lự ngốc nghếch, tôi lại lăn ra ngủ, mặc kệ ông cứ việc ngắm tôi. Tôi chỉ nghĩ đơn giản ông giáo già không có vợ, không có con, nên có lẽ ông khao khát có một đứa con như tôi chăng nên mới chăm bẵm tôi, yêu thương tôi thế. Và nghĩ vậy nên tôi lại ngủ thiếp đi, chả quan tâm.

Chuyện khó tin nhưng có thật: Những vết sẹo được ký thác (Kỳ 2)-3

Nhưng rồi những lần tôi giật mình tỉnh giấc vì nhìn thấy gương mặt ông già cúi xuống tôi rất gần. Tôi choàng dậy hỏi: "Bác làm sao thế ạ". Ông già chậm rãi: "Bác ngắm con ngủ. Gương mặt con đẹp quá, như một thiên thần". 

Tôi làu bàu rồi đi ngủ tiếp.... Từ đó, tôi có cảm tưởng ông giáo già hằng đêm vẫn dành một khoảng thời gian lúc tôi ngủ sâu giấc nhất cứ thế ngồi dậy để lặng ngắm tôi. Ông ngắm tôi ngủ với một gương mặt chứa đầy sự hoan lạc, hạnh phúc. 

Nếu tôi có bất giác tỉnh dậy thì ông lại ôm lấy tôi gối đầu ngay ngắn cho tôi và bảo "con ngủ đi, bác thích ngắm con ngủ". Ánh mắt ông giáo già nhìn tôi lạ lắm, không như ngày thường, nó ánh lên nét si mê, thành kính và thiêng liêng.

Tôi trẻ con, không mấy bận tâm đến cử chỉ lạ thường của ông giáo già khi có sở thích đặc biệt ngắm tôi ngủ. Cứ thế tôi vô tư lớn lên. Mùa hè tôi cởi trần mặc chiếc quần đùi nằm ngủ. Nhiều khi tôi lơ mơ cảm nhận thấy bàn tay sần sùi chai sạn của ông lướt trên cơ thể tôi, mơn man nhẹ nhàng... Tôi mặc kệ những tình cảm hay đúng hơn là những cảm xúc của ông giáo dành cho tôi. 

Tuổi mới lớn tôi ngủ say như chết. Và trong cơn mê ngủ mộng mị ấy, mỗi ngày tôi có cảm giác ông giáo ngắm tôi nhiều hơn, và chỉ khi không kìm nổi cảm xúc, bàn tay ông mới chạm vào vầng ngực tôi, gương mặt tôi một cách lạ lùng, đủ cho tôi cảm nhận được yêu thương và trân trọng chứ không phải là một hành động gây xúc phạm.

Nhưng bất hạnh đã xảy ra trong một đêm mùa đông. Tôi cần bình tĩnh và tỉnh táo hơn để kể về những gì xảy ra trong đêm đông ấy và những gì sau đó.

Thưa các anh các chị.

Nhiều năm sau này khi tôi đã lớn, đã trưởng thành, tôi vẫn thường xuyên giằng xé việc phán xét tư cách cũng như tình cảm mà ông giáo đã đối với tôi. Tôi đã tự bào chữa cho việc ông giáo già đã lạm dụng tôi suốt tuổi ấu thơ. Nhưng để phân tích cho chính xác những hành động của ông giáo có phải là lạm dụng tôi không, nếu lạm dụng thì ông đã lạm dụng tôi cái gì, thì tôi không thể trả lời được một cách công bằng nhất, rành rẽ nhất. 

Bởi sau đêm mùa đông ấy tôi đã không bao giờ quay trở lại căn phòng bảo vệ của ông giáo già thêm một lần nào nữa để vén sâu màn bí mật giữa ông và tôi. Và tôi đã tha thứ đi, tha thứ lại cho ông ấy rất nhiều lần mà vẫn không thể đủ dũng cảm để một lần quay trở về tìm lại ân nhân của mình trong những năm tháng hoang mang và mất thăng bằng nhất.

Và điều cay đắng hơn cả, là trong một nỗi đau đớn khiếm khuyết và bệnh hoạn của mình, tôi đã rất nhớ ông giáo, tôi đã tự thú với trái tim mình rằng tôi đã không thể sống mà thiếu được những tình cảm của ông giáo. Vì quá nhớ ông, ám ảnh về ông mà sau này khi rời xa ông, tôi lao vào học như điên, học cật lực để làm một người thành đạt, một người tử tế như ông giáo già đã dạy tôi suốt tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.

Điều cay đắng hơn cả là tôi không có đủ năng lực để lí giải và phân biệt được ranh giới đúng sai giữa những tình cảm và những việc mà ông giáo già đã dành cho tôi. Duy nhất tôi. Bởi nó lạ lùng, nó khác với thông thường, nó là thứ gì đó mà tôi không rành mạch được, cũng giống như chính cuộc đời này đâu có phải lúc nào cũng rõ ràng trắng đen. Nếu rõ ràng trắng đen được thế thì dễ quá.

(Còn nữa)

Theo Công An Nhân Dân