Cú "bẻ lái" thành công
Từ khi vào học ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), Nguyễn Quang Thanh đã đặt mục tiêu cho mình đó là "săn" học bổng để đi du học. Để làm được điều này trước tiên phải có bộ hồ sơ đẹp và Thanh đặt mục tiêu cho mình phải có giải quốc gia.
Khi bắt đầu xây dựng mục tiêu, Thanh cũng nhận ra những khó khăn của mình và tự em biết dù xuất phát điểm là "dân" chuyên Toán – Tin nhưng em không thực sự đam mê những môn có quá nhiều "tính toán, nhiều luật lệ".
Nguyễn Quang Thanh hiện là học sinh lớp 11A2 - chuyên Tin học - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
"Em có năng khiếu tiếng Anh từ bé, nhưng lúc đó em chỉ quan niệm ngoại ngữ chỉ là một công cụ để giao tiếp, để áp dụng vào trong các ngành học khác.
Sau này, em thi vào chuyên Tin vì muốn khám phá thêm khả năng của mình bởi đây là một ngành học mới, có tính sáng tạo cao", Quang Thanh cho biết.
Thời điểm Nguyễn Quang Thanh quyết tâm theo đuổi môn tiếng Anh, em đang học lớp 10. Nền tảng ban đầu Thanh khá tự tin ở mình đó là em có vốn tiếng Anh khá dày, đã được tích lũy được từ những năm phổ thông.
Bên cạnh đó, em cũng đã tham gia thi SAT với điểm đọc và điểm viết tiếng Anh khá cao.
Nói về cú "bẻ lái" ngoạn mục này của Quang Thanh, cô Đặng Thị Kim Oanh - giáo viên trường chuyên Phan Bội Châu chia sẻ: "Quá trình dạy, tôi biết Thanh có năng lực. Tuy nhiên khi nghe em đưa ra đề xuất của mình, ban đầu tôi rất bất ngờ bởi hiếm có học sinh nào rẽ ngang như vậy.
Thanh có tố chất của một học sinh học tự nhiên nên khi sang học tiếng Anh em có nhiều lợi thế và có sự bứt phá…".
Nguyễn Quang Thanh là học sinh hiếm hoi được chọn vào đội tuyển quốc gia môn tiếng Anh dù em đang học chuyên Tin.
Nhìn lại hành trình hơn 1 năm theo đuổi đội tuyển, Quang Thanh thốt lên rằng "ôi thực vất vả". Lý do bởi khi mới gia nhập, phần lớn lớp chuyên Anh với 35 thành viên đều đang đặt mục tiêu theo đuổi đội tuyển.
Thế nhưng, chỉ tiêu dành cho học sinh lớp 11 chỉ có 4 người. Chưa kể, nếu như cách học của các bạn nặng về kiến thức thì Thanh lại học một cách khá bản năng qua phim, qua nhạc…
Nói về sự khác biệt về cách học tiếng Anh, Nguyễn Quang Thanh chia sẻ về khái niệm học tiếng Anh mà một người thầy của em từng nói.
Theo đó, tiếng Anh có thể học với 4 cấp độ, trong đó cấp độ 1 là học để xã giao, cấp độ 2 là sử dụng trong ngôn ngữ học thuật, cấp độ 3 là để hiểu được sự hài hước của người nước ngoài và cấp độ 4 đó là phải hiểu tầng sâu nhất của tiếng Anh, đó là thơ và tiểu thuyết.
Nguyễn Quang Thanh học tiếng Anh bằng cách sử dụng như ngôn ngữ hàng ngày.
Thanh cũng nói rằng, ban đầu vì yêu thích tiếng Anh, xem môn học này là một công cụ nên việc học tiếng Anh của Thanh chủ yếu để "ứng dụng". Trong khi đó, để tham gia các kỳ thi thì các kỹ năng ở mức độ 1 và mức độ 2 lại hết sức quan trọng.
Sau này, trong quá trình học và chọn đội sơ tuyển, đội tuyển chính thức, nhờ cách hướng dẫn, chỉ bảo của thầy cô và nhờ vào chính các bạn, Thanh đã thay đổi.
Nếu chỉ dựa vào năng khiếu sẽ không thành công
Về chặng đường theo đuổi đội tuyển quốc gia, cho đến khi có tên chính thức trong danh sách 10 học sinh xuất sắc nhất của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
Nguyễn Quang Thanh nói: "Chưa bao giờ em nản, đã đâm lao phải theo lao. Hơn nữa em cũng nghĩ rằng mình đã gần 18 tuổi, phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình và nếu một kỳ thi mà mình không cố gắng được thì sau này khó thành công".
Đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu năm nay có tỷ lệ đậu 100%. Ảnh: NTCC
Hành trình này, Thanh cũng xem là "sự đột phá bản thân", khiến em thay đổi rất nhiều. Thanh chia sẻ: "Cuộc thi học sinh giỏi quốc gia rất nặng học thuật. Vì vậy, chúng ta không nên làm theo những gì mà mình yêu thích.
Trước đây, em thích tiếng Anh nhưng em lại bài trừ học thuật, vì em không thích sự cứng nhắc. Nhưng sau này, em đã suy nghĩ lại, nếu mình muốn phát triển thì mình cần tôn trọng những "đường biên" đã vẽ ra…".
Song song với đó, em vẫn học Tiếng Anh bằng chính sự đam mê của mình. Việc tìm được sự cân bằng giữa học thuật và niềm yêu thích giúp em học tiếng Anh một cách hệ thống hơn, hiệu quả hơn.
Mặc dù có sự cố gắng vượt bậc nhưng tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và trở thành học sinh duy nhất của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu giành giải nhất môn tiếng Anh, Thanh vẫn thấy bất ngờ.
"Em nghĩ rằng ở đội tuyển ai cũng là ứng cử viên cho giải nhất bởi ngoài sự chăm chỉ, kiên trì, nỗ lực, mỗi người đều có thiên phú riêng và đều có tài năng.
Nhưng so với các bạn, có lẽ em đến với cuộc thi này gánh nặng tâm lý của em nhẹ nhàng hơn. Cuộc thi này với em chỉ là 'mở đường' cho tương lai và nếu chẳng may thất bại, em vẫn cố gắng bước vững lại để đi tiếp", Lê Quang Thanh chia sẻ thêm.
Quang Thanh dành một phần tiền khen thưởng để trao tặng quà cho Hội nạn nhân chất độc da cam của tỉnh Nghệ An nhân dịp Tết Giáp Thìn. Ảnh: NVCC
Với giải nhất học sinh giỏi tiếng Anh, Nguyễn Quang Thanh đã bước đầu chinh phục được mục tiêu của mình.
Trong 2 năm theo đuổi đội tuyển quốc gia, Thanh nói rằng em cảm thấy mình là kẻ "lạc loài" nhưng chính sự khác biệt lại giúp Thanh có thêm động lực để cố gắng, tự bứt phá bản thân.
Với quả ngọt này, Quang Thanh cũng đã làm dày thêm thành tích cho mình vào hồ sơ xét tuyển du học. Nam sinh này cũng tin rằng, từ nền tảng mà mình đã học được ở nhà trường, từ những trải nghiệm, những khó khăn, thử thách sẽ càng giúp em thêm tôi luyện và hoàn thiện bản thân trong tương lai…
"Ở đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, dù các em là học sinh lớp 11 hay 12 thì đều được đón nhận như nhau. Việc cùng hợp tác, chia sẻ, giúp đỡ nhau đã giúp cho đội tuyển tiếng Anh có một mùa thi thành công.
Với riêng Quang Thanh, em đã có một kỳ thi thật thăng hoa và em ấy phát huy được các lợi thế của mình để đạt điểm số cao nhất", cô Kim Oanh, giáo viên tiếng Anh trường THPT Phan Bội Châu chia sẻ.
Theo Sức Khỏe Đời Sống