Từ năm 2015, kỳ thi đại học bị “xóa bỏ”. Thay vào đó, sĩ tử chỉ phải trải qua một kỳ thi tuyển sinh quốc gia, lấy căn cứ để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học theo nguyện vọng. Cảnh cửa đại học đã trở nên rộng mở, thậm chí rất mộng mở với tất cả học sinh.
Trong bối cảnh mới, những “lò” luyện thi đại học tại thành phố cũng không còn “quyền năng” và được ưa chuộng như trước. Sĩ tử tỉnh lẻ đã không còn “khăn gói quả mướp” lên thành phố ôn thi. Đồng nghĩa, không ít lò luyện đã phải đóng cửa hoặc “sống” trong cảnh lay lắt.
Thế nhưng, chỉ khoảng 10-20 năm trước, các trung tâm luyện thi đại học luôn chật cứng, đúng nghĩa “một cái lò”, cứ hè đến là đông đúc và nóng lực. Bên trong con cái chen chúc ngồi học, bên ngoài là những ông bố, bà mẹ từ nông thôn lên ngóng chờ với ánh mắt đầy hy vọng. Một thời, đại học là giấc mơ của biết bao gia đình.
Chuyện nhà Mộc của đạo diễn Trần Lực, phát sóng trên VTV vào năm 1998, cách đây tròn 20 năm là một bộ phim kể về một giấc mơ như thế, đầy hiện thực quặn lòng nhưng cũng không kém phần hài hước.
Đạo diễn - NSƯT Trần Lực. Ảnh: Quang Đức.
Phim truyền hình bi hài đầu tiên trên sóng VTV
Ngay tại thời điểm phát sóng, Chuyện nhà Mộc đã được đông đảo khán giả truyền hình yêu mến.
Câu chuyện về ông Mộc bán lợn, bán thóc để đưa con gái lên thành phố ôn thi với tâm sự giản dị “họ nhà ta chưa ai học hết phổ thông, con phải đỗ để thoát cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau” cũng là khát vọng của biết bao ông bố, bà mẹ một thời.
Chia sẻ với Zing sau đúng 20 năm, NSƯT Trần Lực - đạo diễn của Chuyện nhà Mộc cho biết bộ phim được thực hiện từ kịch bản của biên kịch Đỗ Chí Hùng.
Kịch bản phim vốn nặng về tính thời sự xã hội, giáo dục Việt Nam thời bấy giờ. Nhưng Trần Lực đã quyết định sẽ biến kịch bản đó thành một bộ phim bi-hài.
Theo đạo diễn Trần Lực, nếu làm một bộ phim chính luận thì khó có thể hay hơn phóng sự của truyền hình, của báo chí. Nhưng nếu làm một bộ phim bi hài, hiện thực qua góc nhìn hài hước, khán giả chắc chắn sẽ đón nhận ở một khía cạnh khác.
“Chuyện nhà Mộc đã trở thành phim hài đầu tiên ở trên truyền hình, trước đó chủ yếu là phim tình cảm, xã hội. Làm bi hài, tôi tin là sẽ mạnh hơn phóng sự. Một vấn đề nghiêm túc qua sự hài hước, sự dễ thương và hồn nhiên của các nhân vật, tôi đã tin người xem sẽ ấn tượng”, NSƯT nhấn mạnh.
Sự hồn nhiên của các nhân vật cũng chính là một trong những thương hiệu của Chuyện nhà Mộc.
Trong phim, có cảnh một bà mẹ từ nông thôn đưa con gái lên luyện thi ngồi tâm sự với những phụ huynh cùng nhà trọ “Tôi lo lắm”. Một người hỏi lại “Thế bà lo cái gì”, người phụ nữ đáp “Tôi mà biết lo cái gì thì đã đỡ lo”, tất cả phụ huynh được trận cười sảng khoái.
Lần khác, cũng lại mấy ông bố bà mẹ ngồi nói chuyện với nhau. Một bà khoe về việc để con gái có sức học tập, ngày nào bà cũng phải cho con ăn tỏi. “Khiếp, mà ăn tỏi thì hôi lắm”, một người than. Người phụ nữ đáp lại “Kể ăn tỏi cũng có mùi thật nhưng tỏi là vị thuốc rất tốt đấy”.
Ông Mộc ngồi bên cạnh nêu quan điểm “Cần gì phải tỏi, cứ cho nó ăn đủ chất là được”. “Nhưng vẫn cần phải có tỏi”, người phụ nữ khăng khăng bảo vệ lập trường. Ông Mộc tiếp tục “Con tôi có ăn tỏi đâu mà nó vẫn khỏe đây này”. "Nhưng không thể khỏe bằng con tôi vì con tôi ăn tỏi”, người phụ nữ chân chất kết luận.
“Tôi chủ ý cho khán giả cười nhưng cười đấy để rồi cảm nhận được sự lo lắng của các phụ huynh trong phim. Tôi không cần kể sự khổ sở của họ nhưng vẫn giúp người xem cảm nhận được sự chân thực, đó là ngôn ngữ của phim”, đạo diễn Trần Lực cho hay.
Ông Mộc và con gái tên Mai trong phim Chuyện nhà Mộc.
Nhớ lại thời điểm phát sóng cách đây 20 năm, NSƯT Trần Lực cho biết khán giả nào xem cũng cười. Phim được phát sóng lần đầu vào năm 1998, đúng mùa World Cup, và được phát vào giữa hai trận đấu.
“Phim chỉ có hai tập và phát đi phát lại vào nửa đêm vì giữa hai trận đấu. Nhà tôi ở khu tập thể văn nghệ sĩ trên phố Giang Văn Minh, cứ đến lúc phim phát là thấy mọi người cười dầm cả lên. Phim được phát đi phát lại nhiều lần mà khán giả vẫn xem và vẫn cười. Thời gian đầu chỉ có cánh đàn ông xem nhưng về sau nhiều bà vợ cũng thức để xem phim, thành ra phim như được phát sóng vào giờ vàng. Giờ nhớ lại đúng là kỷ niệm thật đẹp”, nam đạo diễn kể.
"Yêu cầu đối với tất cả diễn viên là... sự hồn nhiên"
Khác với một số phim có câu chuyện liên quan đến học sinh - sinh viên, Chuyện nhà Mộc có sự tham gia của dàn diễn viên chuyên nghiệp.
Các diễn viên trong phim chủ yếu đều là diễn viên sân khấu có nhiều năm kinh nghiệm hoặc những bạn trẻ vừa tốt nghiệp những trường đào tạo về diễn xuất.
Vai ông Mộc được giao cho NSƯT Hải Điệp là một gương mặt chèo. Trần Lực tiết lộ rằng anh mất nhiều thời gian mới tìm ra nghệ sĩ Hải Điệp.
Đã casting nhiều nghệ sĩ gạo cội cho vai ông Mộc nhưng đạo diễn vẫn không thể tìm được một gương mặt “hồn nhiên”. Cuối cùng, chính bố của Trần Lực - NSND Trần Bảng đã “mách” con trai tìm đến nghệ sĩ Hải Điệp.
Với những vai trẻ như Mai (Như Trang), Cường (Xuân Bắc), Dũng (Chí Nghĩa) hay những người bạn cùng trọ, cùng ôn thị với Mai, Trần Lực casting bằng phương pháp “nhân vật thế nào thì tìm diễn viên như thế”.
Như Trang, Xuân Bắc, Chí Nghĩa hay các bạn trẻ khác được chọn vì có cùng tầm tuổi với nhân vật và vẫn giữ được tư duy hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng.
Một cảnh phim mô tả lò luyện thi trong phim.
“Yêu cầu đối với tất cả diễn viên là diễn hồn nhiên vì chỉ có sự hồn nhiên mới mô tả được việc những người nông dân cố gắng đưa con họ ra thành phố chỉ với mong muốn con họ được tiếp xúc với nền văn minh. Đó là câu chuyện của một thời khi cả phụ huynh và học sinh đều rất khổ. Đầu vào đại học khi đó quả là quá khó”, Trần Lực nhớ lại.
Sau 20 năm, mỗi diễn viên trong phim có những ngã rẽ riêng nhưng điều đáng mừng là nhiều gương mặt trong phim vẫn bền bỉ với nghiệp diễn, với nghệ thuật như NSƯT Hải Điệp, Xuân Bắc, Quốc Tuấn, Thanh Ngoan.
“Chúng tôi cũng ít có cơ hội gặp lại vì giờ mỗi người một nơi, mỗi người một công việc. Nghệ sĩ Hải Điệp, thi thoảng tôi vẫn tạt vào uống nước với ông. Quốc Tuấn là bạn, hai anh em vẫn đi đánh tenis với nhau. Xuân Bắc giờ rất bận nên cũng ít gặp, Như Trang cũng vậy”, đạo diễn Trần Lực nói.
Kết thúc cuộc trò chuyện, Trần Lực bảo: “Nhanh thật, tôi cũng không nghĩ là phim đã phát được hai mươi năm. Xã hội đã thay đổi, cách thi cử cũng đã thay đổi nhưng giờ nhớ lại Chuyện nhà Mộc vẫn là những kỷ niệm, những câu chuyện cười ra nước mắt. Và đúng là thời nào, cha mẹ cũng vì con cái, cá chuối đắm đuối vì con”.
Theo Zing