Chuyện thật như đùa: Mẹ chồng nài nỉ con dâu mang thai hộ cho... em chồng

Vợ chồng khỏe mạnh nhưng không có con; người tàn tật có thể có con nhưng lại không thể xây dựng gia đình, chị dâu mang thai hộ cho em chồng... mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện.

LTS: Hợp pháp hóa mang thai hộ đã mở ra nhiều hi vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn được hưởng niềm hạnh phúc có con. Luật đã có nhiều quy định để ngăn chặn việc mua bán khi mang thai hộ. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện mang thai hộ còn rất nhiều góc khuất mà khi đi thực tế chúng tôi mới thấu hiểu được, đó là nỗi bĩ cực của những người "cầu con" bằng con đường này cũng như "thị trường", "dịch vụ" mang thai hộ, và xót xa hơn cả là nỗi niềm những người đẻ thuê: rứt ruột sinh con nhưng không được nhận con.

Người đàn ông khuyết tật và áp lực có con nối dõi tông đường

Một người đàn ông khuyết tật, không thể lập gia đình nhưng luôn mang nỗi khát khao được ẵm bồng đứa con bé bỏng của chính mình. Hơn nữa, chính anh cũng chịu áp lực có người nối dõi tông đường khi là con trai duy nhất trong gia đình. Và điều kì diệu đã đến khi anh được một người phụ nữ đồng ý mang thai hộ. Đó là một trong những câu chuyện mà Tiến sỹ, Bác sỹ Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Trung tâm Nam học và hiếm muộn Hà Nội trong quá trình làm nghề ấn tượng và xúc động.

Anh N.Đ.H. (hơn 40 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) sinh ra trong gia đình có 3 chị em, điều kiện kinh tế khá giả. Nhưng sự đời trớ trêu, từ nhỏ anh bị khuyết tật, cả cơ thể lúc nào cũng co dúm. Cuộc sống của anh gắn liền với chiếc xe lăn và sự trợ giúp của gia đình. Anh H. có hai người chị gái nhưng đều vẫn chưa xây dựng gia đình dù đã cao tuổi.

Ước muốn của gia đình anh H. là luôn muốn có tiếng trẻ thơ trong nhà và có người nối dõi tông đường. Và chính anh H. cũng khát khao có được đứa con của mình để bầu bạn, thương yêu. Sau nhiều năm trăn trở, cuối cùng gia đình đưa anh đi khám nam học và tình cờ gặp bác sĩ Vệ.

“Bị khuyết tật từ nhỏ nên cơ thể anh H. là 1 khối “dúm dó” nhìn rất đáng thương. nhưng lúc đó, tôi vẫn chắc chắn người đàn ông đó có thể làm bố. Sau khi thăm khám kĩ, kết quả anh có thể có con nhưng vấn đề là người cho trứng và mang thai hộ thì chưa có phương án giải quyết." BS Vệ cho hay.

Sau khi biết mình hoàn toàn có thể đủ điều kiện để có con. Sau nhiều lần bàn bạc, cuối cùng anh H. đã lựa chọn con đường có được đứa trẻ nối dõi nhờ qua dịch vụ mang thai hộ.

Tiến sĩ Lê Vương Văn Vệ.

Sau nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng một người phụ nữ quê Nghệ An gần 40 tuổi cũng đồng ý mang thai giúp anh H. Gia đình anh H. biết rõ về người phụ nữ này nhưng cô thì tuyệt nhiên không biết gì về gia đình anh. Kể cả việc anh H. bị khuyết tật, người phụ nữ mang thai hộ cũng không có thông tin. Sau khi mang thai bằng phương pháp chuyển phôi, người phụ nữ được bố trí ăn ở và chăm sóc rất chu đáo. Lúc sinh con xong, cô này cũng về quê và giao lại con cho phía gia đình anh H và không vương vấn gì. Anh H. vui như bắt được vàng vì trải qua một thời gian dài trông ngóng, nay anh đã có đứa con để ẵm bồng...

Mang thai giùm... em chồng

Đó là câu chuyện của vợ chồng anh Trần Văn Thiên và chị Vân Anh (quê Phú Thọ).

Anh Thiên và chị Vân Anh cho biết, hai vợ chồng đã có 3 đứa con, 1 trai, 2 gái. Đời anh chị không bao giờ nghĩ là mình sẽ phải nghĩ về ba từ "mang thai hộ". Nhưng hoàn cảnh đẩy đưa khiến anh chị cũng có mặt tại Hà Nội để tìm hiểu về phương pháp này. Nguyên do em gái của chồng chị Vân rất giàu có nhưng vợ chồng lấy nhau hơn 5 năm mà chưa một lần đậu thai. Ngặt nỗi, người chồng lại là con trai trưởng, áp lực có con nối dõi rất lớn, điều kiện lại khá giả nhưng vẫn "bó tay". Bác sĩ kết luận do tử cung của cô em chồng rất yếu, nên trứng không thể làm tổ được.

Trong một lần xem ti vi, mẹ chồng chị Vân Anh nghe đến việc mang thai hộ. Bà như mở cờ trong bụng. Bà nghĩ con dâu có thể mang thai hộ giùm con gái của mình. Nghĩ vậy, bà gọi hai vợ chồng chị lên để trình bày và bày tỏ mong muốn được giúp để cô con gái có thể có mụn con.

“Mẹ chồng tôi suốt ngày gợi ý về việc đẻ cho vợ chồng cô em gái của chồng một đứa con. Ban đầu, chúng tôi rất ngần ngại, không đồng ý. Nhưng nghĩ em cũng khổ và tìm hiểu kĩ về phương pháp này cộng với áp lực từ phía gia đình nên chúng tôi cũng gật đầu đồng ý….” - Chị Vân Anh nói.

Nhiều đứa trẻ sinh ra trong sự chờ đợi, nhưng không hẳn chúng đã được trọn vẹn niềm vui bởi sự trắc ẩn giữa "bên cho" và "bên nhận"

Nhờ người mang thai hộ, mỗi người một hoàn cảnh.

Để giúp vợ chồng cô em gái có con, hai vợ chồng chị Vân Anh lặn lội lên Hà Nội tìm hiểu phương pháp này và gặp bác sĩ để tư vấn. Mặc dù đã gật đầu đồng ý nhưng họ vẫn còn rất nhiều băn khoăn.

"Nghĩ đứa con từ bụng vợ mình mang, đẻ rồi lại giao cho người khác mình cũng không thoải mái lắm. Nhất là vợ mình, tâm lí dữ lắm. Dù không mang dòng máu của mình nhưng nếu mang 9 tháng 10 ngày trong bụng, không vương vấn sao được. Chỉ sợ sau này giao con cho vợ chồng cô em ở tận miền Nam xa xôi vậy vợ mình lại suy sụp tâm lý"- anh Thiện tâm sự.

Đẻ thuê nhưng rồi không nỡ dứt con...

Một mình chăm con trong ngôi nhà đi thuê ở TP. Vinh (Nghệ An), H. cô gái đã từng mang thai hộ cho một gia đình ở Hà Nội nghẹn ngào khi chúng tôi hỏi về đứa con mình đã từng “mang nặng đẻ đau” nhưng lại “trao tay” người khác khi chưa một lần được ẵm bồng hay ngậm bầu sữa mẹ.

Giọng chị nhiều lúc lạc đi trong tiếng nấc nghẹn: “Khi xác định nhận mang thai hộ, em nghĩ mình chỉ kiếm tiền chứ sẽ chẳng có tình cảm gì. Nhưng khi đứa trẻ quẫy đạp trong bụng em, lúc ấy bản năng của một người mẹ trong em đã trỗi dậy. Có lúc, em định bỏ trốn khỏi nơi mà em đang “an phận” trong sự chăm sóc của những “người dưng” kia khi tất cả cùng chờ một đứa trẻ ra đời. Em đã từng tâm niệm, mình mang nó trong cơ thể, nó là con của mình chứ không thể là một “người dưng”.

Cô kể, cô là mẹ đơn thân, ở quê làm ruộng, nuôi con nhỏ 3 tuổi, làm gì cũng không khá lên nổi. Bố em bé đã bỏ đi từ hồi cô mang thai. Nhờ có người "dắt mối", cô gửi con cho bà ngoại, lên Hà Nội gần 1 năm trời để "đẻ thuê", với thù lao đủ để cô về lại Vinh, mở tiệm buôn bán nhỏ, lo cho con ăn học. Nghĩ mình khoẻ mạnh, "mắn đẻ", cô nhận lời.

Dù đã cam kết sinh con xong thì sẽ phải về quê ngay, không được gần bé, ôm ấp hay cho bé bú vì sợ mẹ và con quấn nhau, không dứt ra được, nhưng cô cũng không ngờ sau khi sinh mổ, nước mắt cứ thế tuôn rơi mãi vì xót con và trách phận.

"Sinh con xong, khi vợ chồng họ bảo em phải về quê luôn, lúc ấy em đã bật khóc và xin họ được cho em bế con một lần, chỉ một lần. Nhưng em đã không bao giờ có được điều đó...

7 tháng đã trôi qua, thỉnh thoảng em vẫn hình dung ra gương mặt đứa con ấy. Chẳng biết, việc mang thai hộ để kiếm về hơn trăm triệu đồng ấy là đúng hay sai, là công việc hay là duyên nợ với một đứa trẻ. Liệu có khi nào đứa trẻ ấy sẽ quay lại gặp em và gọi em là mẹ không? Chắc không bao giờ rồi”, chị H. tự đặt ra câu hỏi rồi ngậm ngùi tự trả lời.

Chiều 19/6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi, chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Cụ thể, Luật quy định việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên, được lập thành văn bản có công chứng và không được trái với các quy định trong pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
 
Bên nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
 
Tương tự điều kiện với người được nhờ mang thai phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng; từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.

Nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường… Từ 1/1/2015, Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp mà chúng tôi tiếp xúc tìm hiểu trên đây đều vì nhiều lý do mà lách luật.

Theo Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao