Trên SCTV9 từng chiếu một bộ phim Hồng Công tên là Câu chuyện của ngày xưa. Chuyện phim kể về một người phụ nữ bị tai nạn, nằm hôn mê trong 16 năm. Rồi bà tỉnh dậy, và phát hiện ra rằng chồng mình đã đem lòng yêu cô thư ký của ông.
Người phụ nữ ấy đã mất hầu hết sinh lực và cả kỹ năng sống sau 16 năm ấy, không oán trách chồng. Bà cặm cụi tìm lại tình yêu, đi học cả máy tính để không bị lạc hậu so với cô thư ký. Nhưng rồi điều gì phải đến cũng đến, họ phải ly dị. Người chồng để lại cho bà toàn bộ gia sản để đi theo tình nhân.
Cái chi tiết để lại toàn bộ gia sản để đi hơi lạ so với phim truyền hình. Nó nói rằng cuộc ngoại tình ấy là một tình yêu chân thật.
Nếu trong một bộ phim khác, của Hàn Quốc hay của Việt Nam, nhân vật đã được hình tượng hóa tối đa: Cô thư ký sẽ là một con người thủ đoạn, tìm cách chia rẽ thêm tình cảm của gia đình ông giám đốc và tìm cách chiếm đoạt tài sản. Ông chồng sẽ là một người nhu nhược và nghe theo, dẫn đến một bộ kịch bản chất đầy oán thán, như là phim Sự quyến rũ của người vợ ngày xưa chiếu trên VTV.
Nhưng em bảo vợ: “Như thế mới là cuộc đời em ạ”. Chuyện tình yêu trong đời, nhiều khi không đi theo những motive lối mòn kiểu thiện-ác, có hung thủ và nạn nhân như trên phim đâu.
Chuyện thay lòng đổi dạ trong tình yêu và trong hôn nhân, em luôn nghĩ rằng là bài toán khó nhất của loài người. Phải làm gì khi ấy? Phải phản ứng như thế nào? Đúng hay sai? Chuyện thường tình hay tội lỗi?
Người ta hay dùng từ “phản bội” cho những người bỏ đi. Nhưng có ai muốn thế? Người ta đã yêu, họ có thể hết yêu, có thể bắt đầu một tình yêu mới. Em không nghĩ là nếu một ai đó tự lừa dối chính mình, triệt tiêu đi cái tình yêu mới nảy sinh trong họ để miễn cưỡng sống tiếp cuộc đời cũ, lại đáng được tuyên dương.
Thế là tội của người thứ ba chăng? Trên phim ảnh thì người thứ ba hay được xây dựng thành một kẻ phá hoại. Nhưng đấy là phim, mà thường là phim Hàn Quốc. Như phim Hồng Công kia, người thứ ba là cái cô thư ký ấy cũng ngồi trong góc tối khóc một mình.
Người thứ ba ở ngoài đời hay thế, hay khóc một mình, cũng không hay chèo kéo và khích bác để phá hoại đâu. Họ yêu, và hầu như chấp nhận việc phải đi nhặt nhạnh những mẩu thời gian và tình cảm sót lại từ đời sống gia đình của tình nhân.
Người “bị phản bội” trong câu chuyện này tất nhiên cũng không có lỗi gì. Thế thì đâu là đen đâu là trắng?
Chính bởi vì chuyện tình yêu không có trắng và đen, nên nó là bài toán khó. Không ai về nhà, ăn cơm tối xong, ngồi xỉa răng uống nước rồi bảo vợ/chồng mình: “Tôi yêu người khác rồi. Tôi nghĩ mình nên ly dị”.
Kể cả có nói thế, rồi cũng là chì chiết, cũng là níu kéo, trách móc, rồi lấy trách nhiệm với con cái ra dằn vặt nhau, không làm sao ổn thỏa được.
Một vài người chọn bắt cá hai tay, nhưng không phải ai cũng sung sướng khi làm cái việc ấy, không phải con chim nào có hai tổ cũng vì thỏa mãn dục vọng. Sống trong sợ hãi, trong lừa dối, lừa người khác và lừa bản thân, nhiều khi cũng khổ lắm.
Em biết ở ngoài đời đã có những người sẵn sàng để lại hết gia sản mà đi. Như một lời xin lỗi, hoặc là một lời khẳng định rằng tôi yêu thật thà, tôi đau đớn vì tình yêu lắm và tôi chẳng cần gì nữa, xin hãy hiểu cho.
Em biết có những người thứ ba xin một đứa con rồi xác định nuôi nó cả đời trong định kiến.
Em biết có những người thứ nhất đã chấp nhận cảnh sống ba người, một chim hai tổ.
Tất cả đều đau khổ. Bài toán khó mãi mãi là bài toán khó. Em chẳng mong giải quyết được bài toán ấy. Em chỉ mong người ta đừng tin motive kẻ thứ ba độc ác của phim truyền hình, đừng giận dữ, đừng cuống quýt, mà nghĩ cho nhau.
Có thể là nếu nghĩ được cho nhau, sẽ có một trong ba người phũ phàng được với chính bản thân mình. Rồi hy sinh vì người họ yêu. Người thứ nhất hoặc thứ ba có thể buông tay, hoặc người ở giữa có thể nhận ra mình yêu nhất, là đứa con.
Theo Đại Đoàn Kết