Kỷ niệm với Dao Ánh giản đơn nhưng vẫn đủ sức hằn in ấn tượng sâu đậm trong trí nhớ của của Trịnh Vĩnh Trinh khi chỉ là cô bé.

“Tình yêu sâu sắc nhất của anh Trịnh Công Sơn là với chị Dao Ánh. Lúc tôi còn bé, nhà chị Dao Ánh có cây nhãn rất ngon, mỗi lần chị Ánh nhà đều bỏ nhãn vào túi xách màu tím cho tôi.

Chị là người đẹp, quý phái, nhẹ nhàng, nói rất nhỏ và rất chậm. Đôi khi chậm đến độ thời xưa thấy bình thường, nhưng thời nay nghe hơi sốt ruột”, bà Trinh kể lại.

Chuyện tình day dứt của Dao Ánh và Trịnh Công Sơn-1
Trịnh Công Sơn và em gái Trịnh Vĩnh Trinh. Ảnh: MXH.

Ban đầu, nhạc sĩ để ý Ngô Vũ Bích Diễm – chị gái của Dao Ánh – nhưng tình cảm đơn phương không được đáp lại. Thời đó, bố mẹ Bích Diễm không muốn con gái yêu nghệ sĩ vì sợ cuộc sống bấp bênh. Sau này, Bích Diễm có cơ hội vào Sài Gòn học, hai người xa mặt cách lòng, mối tình ấy vậy cũng chẳng nên.

Chứng kiến tình cảm của “anh Sơn” không được chị gái đáp lại, Dao Ánh đã san sẻ nỗi buồn với nhạc sĩ họ Trịnh qua những bức thư tay. “Chị Dao Ánh trẻ lắm, khoảng 16 tuổi. Chắc chị cũng có cảm tình, yêu thầm và gửi thư an ủi anh Sơn, từ đó phát triển tình cảm”, em gái Trịnh Công Sơn kể.

Những năm tháng sau này, cả hai tiếp tục thư từ qua lại, ngay cả thời gian nhạc sĩ lên B'lao - Lâm Đồng dạy học. Sự xuất hiện của Dao Ánh khiến lòng ông nảy nở, thể hiện trái tim yêu nồng nàn qua Mưa hồng, Còn tuổi nào cho em, Ru em từng ngón xuân nồng, Lời buồn thánh…

Bức thư tình đầu tiên Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh đề ngày 2/9/1964 bắt đầu bằng những dòng chữ chân thật, lãng mạn mà không hề suồng sã.

"Dao Ánh thân mến,

Cơn mơ kéo anh trở dậy vào lúc 3 giờ sáng.

Bây giờ núi đồi B’lao còn đêm mù sương và im lìm ngủ. Anh thắp nến trắng viết thư cho Ánh và trùm chăn quanh mình. Mình cao nguyên này lạnh suốt ngày… Ánh ơi...".

Hai năm sau, những dòng thư ấy ngày càng thắm thiết, chín chắn hơn… Khi Dao Ánh bước sang tuổi 18, Trịnh Công Sơn 27 tuổi, ông mới thổ lộ lời yêu.

“Anh yêu Ánh. Chỉ có đơn giản thế thôi mà phải dè dặt, phải cân nhắc, phải chạy thoát ra ngoài cái tỉnh. Điều đó đáng lẽ không nên nói mà có phải bổn phận nhìn thấy phải cảm thông, nhưng cũng nói bởi vì nó là chóp đỉnh của tình cảm. Nói ra thì tình yêu đã biến thành tĩnh vật, đã đông đặc lại như một khối thủy tinh.

Cũng là lần đầu tiên anh phải tự thú điều đó ra trước. Như thế phải tự thú điều đó ra trước. Như thế đã phải tự coi là thất bại trong cuộc tình chung này. Nhưng mà đã sao. Đáng lý thì chúng mình cũng phải thú nhận điều đó một lần. Nhưng thôi có ích gì.

Đây cũng là khởi điểm. Từ đó anh sẽ còn yêu Ánh dài lâu hơn hay sẽ mất Ánh chưa biết chừng. Anh đã chọn vào lúc mà cảm thấy Ánh đủ khôn ngoan để nói. Những điều buồn bã của năm qua anh đã quên và khởi mới lại cái nhìn cái nghĩ của anh từ đây.

Đó, như thế là Ánh đã được đặt trước một cái gì đó rõ ràng hơn cũ. Hãy nhìn và lựa chọn. Nếu điều đó không làm Ánh phiền lòng thì hãy đến với anh bằng một dáng dấp khác, bằng một thời khắc và bằng một vẻ và nồng nàn mà anh vẫn hằng mong” – (Tháng 8 năm 1966 – Trích Thư tình gửi một người, Trịnh Công Sơn, Nhà xuất bản Trẻ 2011).

Chuyện tình day dứt của Dao Ánh và Trịnh Công Sơn-2
Suốt 37 năm đằng đẵng, Trịnh Công Sơn đã viết hơn 300 lá thư cho Dao Ánh và được in thành sách Thư tình gửi một người.

Với Trịnh Vĩnh Trinh, tình yêu của anh trai dành cho Dao Ánh đẹp, lãng mạn khiến nhạc sĩ nhiều hôm mất ngủ. “Anh thường thắp đèn cầy viết nhạc. Có lúc anh lấy đèn cầy nhỏ xuống tờ giấy chữ ‘Ánh’ từng giọt, từng giọt. Trong chuyến đi công tác, anh nhặt và ép lá khô để gửi tặng cho chị. Những điều đó có thể thấy tình yêu của anh Sơn dành cho chị sâu đậm đến mức nào” – bà Trinh chia sẻ trong một chương trình truyền hình.

Bà tiết lộ các chị em đều vô tư trở thành “bồ câu đưa thư” kết nối tình cảm cho Dao Ánh và anh trai thời gian ấy.

Song tình cảm ấy lỡ dở khi Trịnh quyết định nói lời chia tay nàng thơ. Nhạc sĩ viết trong bức thư gửi Dao Ánh năm 1967: “Một quyết định thật khó khăn và chẳng ai trong cuộc dám dứt khoát với chính mình. Quyết định nào cũng có sự khổ sở của nó. Anh cam đành là kẻ bội bạc để mở cho Ánh sự ngạt thở bấy lâu, trong đó người này hay kẻ kia đã cố gắng đóng cho trọn vai trò của mình. Anh xin cảm ơn 4 năm ròng rã nâng niu tình yêu đó, cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được...".

Cảm xúc về Dao Ánh vẫn dai dẳng trong tâm hồn ông. Một lần tới Đà Lạt, tình cờ gặp người cũ, ca khúc Có một dòng sông đã qua đời đã được viết nên.

Khi đó chị Dao Ánh đang đi với một người đàn ông, được biết đó chính là chồng của chị và hai người đang hưởng tuần trăng mật tại Đà Lạt. Anh Sơn rất buồn và kể lại cho các em gái nghe, trong lúc đó anh đi qua chiếc cầu, dưới cầu có con sông chảy qua. Anh Sơn nghĩ rằng người yêu của anh cũng như dòng sông đã đi qua cuộc đời anh vậy. Và thế là bài hát ra đời”, bà Trịnh Vĩnh Trinh kể.

Sau khi chia tay, Dao Ánh sang Mỹ lập gia đình và vẫn giữ liên lạc với Trịnh Công Sơn. 2 thập kỷ sau họ mới gặp lại nhau, lần tương ngộ này, nhạc sĩ viết tặng ca khúc Xin trả nợ người đầy day dứt: “Nỗi buồn xin lỗi bàn tay/Tấm thân hiu quạnh ngồi say một mình...”. Trở về Mỹ, Dao Ánh ly hôn.

Chuyện tình day dứt của Dao Ánh và Trịnh Công Sơn-3Chuyện tình day dứt của Dao Ánh và Trịnh Công Sơn-4Chuyện tình day dứt của Dao Ánh và Trịnh Công Sơn-5
Trịnh Công Sơn và Dao Ánh gặp lại sau 20 năm. Ảnh: MXH.

Những ngày tháng cuối đời, Trịnh Công Sơn lâm bệnh nặng. Nằm trên giường bệnh, Trịnh vẫn nhớ Ánh. Bức thư viết ngày 17/1/2001 do bạn của nhạc sĩ gõ lại là bức thư tình cuối cùng họ trao gửi cho nhau.

“Giai đoạn cuối đời của anh Sơn, tất cả các em ở Canada về hết, chị Dao Ánh ở Mỹ cũng về. Cả hai ít nói chuyện vì khi đó anh Sơn mệt rồi. Họ ngồi nhìn nhau, chị Ánh thỉnh thoảng nắm tay anh. Suốt tuần đó ngày nào chị cũng ngồi cạnh anh nhưng 8 ngày sau anh Sơn mất. Chị là người may mắn khi được nhìn anh Sơn, thăm anh Sơn ở những ngày cuối đời”, bà Trịnh Vĩnh Trinh kể Dao Ánh thường về Việt Nam chăm sóc người tình cũ.

Năm 2017, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức đêm nhạc Thư tình gửi một người. Từ nước Mỹ xa xôi, Dao Ánh gửi cho em gái cố nhạc sĩ bức thư kèm tấm hình thời trẻ của bà. "Nén hương thắp lên và ngụm rượu nhấp môi, Ánh ngày xưa cũng như Ánh hôm nay, nhớ anh hôm nay cũng như nhớ anh bao ngày, tháng, năm đã qua, những ngày tháng, năm sắp tới" – Dao Ánh viết trong thư.

Toàn bộ bản gốc với 300 bức thư Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh được bà nâng niu, lưu giữ và trao lại cho gia đình cố nhạc sĩ vào năm 2022 để mai đây bảo tàng về ông sẽ trưng bày những dòng hồi ức đẹp đẽ này.

Theo Tiền Phong