Trong kho tàng văn hóa dân gian Bali, truyền thuyết về vua Jayapangus và vợ của ngài, Kang Cing Wie là một trong những chuyện tình lãng mạn và có ý nghĩa chính trị lớn nhất.

Cuộc tình không trọn vẹn

Theo các bia ký, nhà vua say mê người đẹp Trung Quốc sau khi cô đến hòn đảo Indonesia trên con tàu buôn của người cha vào thế kỷ 12.

Bất chấp sự phản đối của thầy tế lễ, những người duy trì truyền thống và cảnh báo mối quan hệ không mang lại điềm lành cho vương triều, nhà vua vẫn quyết định kết hôn với Kang Cing Wie.

Để đánh dấu cuộc hôn phối của hai vương triều châu Á vĩ đại, Jayapangus đã di dời cung điện của ông đến một ngôi làng ở rìa tây nam của núi lửa Batur, phía đông Bali và đổi tên thành Balingkang.

Chuyện tình sau ngôi đền thiêng ở Bali-1
Những con rối đại diện cho vua Jayapagus và Kang Cing Wie. Ảnh: nowbali.

Nhưng lời tiên tri của thầy tế lễ đã trở thành sự thật: Kang Cing Wie không thể mang thai và Jayapangus có nguy cơ bị truất phế khỏi ngai vàng.

Nhà vua cảm thấy chán nản nên ngài đã hành hương đến bờ hồ Batur của hòn đảo để cầu nguyện thần linh. Tại đây, vua Jayapangus gặp Dewi Danu, nữ thần của hồ. Cuộc hôn phối này đã sinh ra hoàng tử Mayadenawa.

Khi Kang Cing Wie đến tìm chồng, nữ thần Dewi Danu biết được chuyện tình của hai người liền nổi cơn thịnh nộ và biến họ thành đá.

Đây chỉ là câu chuyện tình yêu được lưu truyền trong văn hóa dân gian Bali. Dù vậy, các nhà nhân chủng học ở Indonesia cho rằng chuyện tình này có thật khi đánh dấu thời kỳ ảnh hưởng Phật giáo và văn hóa Trung Quốc đến Ấn Độ giáo Bali, dẫn đến nhiều sự khác biệt với đạo Hindu chính thống ở Ấn Độ.

Chuyện tình sau ngôi đền thiêng ở Bali-2
Chuyện tình nổi tiếng đánh dấu giai đoạn du nhập văn hóa Trung Quốc vào Bali. Ảnh: visitbali.

Sự giao thoa văn hóa Bali - Trung Quốc

Ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc có thể nhận thấy rõ nét ở Pura Ulun Danu Batur tại ngôi làng Kintamani (Bali).

Ulun Danu Batur là khu phức hợp gồm chín đền thờ, nổi bật với những cánh cổng bằng đá cao chót vót và các ngọn tháp sừng sững. Từ đó du khách có thể ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên núi Batur.

Ngôi đền được xây dựng để thờ thần Vishnu và nữ thần hồ Dewi Danu. Đây là ngôi đền quan trọng thứ hai ở Bali và một trong chín ngôi đền (Pura Kahyangan Jagat) mà người theo Ấn Độ giáo phải đến thăm một lần trong đời.

Chuyện tình sau ngôi đền thiêng ở Bali-3
Đền thờ Kang Cing Wie tại Pura Ulun Danu Batur. Ảnh: South China Morning Post.

Trong đó, đền thờ dành cho Kang Cing Wie là một công trình lợp mái tranh và có hai ngọn tháp bằng đá.

Khác với những ngôi đền trong Ulun Danu Batur, đền thờ Kang Cing Wie được trang trí bởi các đồ vật, tạo tác của Phật giáo và văn hóa Trung Quốc, bao gồm lư hương, nến đã nung chảy, hộp đựng kinh sách, đèn lồng đỏ treo cao, biểu tượng âm dương và một bức tượng nhỏ.

Tại vùng Kintamani còn có một công trình Phật giáo nổi tiếng là Pura Penataran Agung Dalem Balingkang, được đặt theo tên của Kang Cing Wie. Các lễ hội tại ngôi đền này thường diễn ra trong khoảng 9-11 ngày vào tuần trăng tròn của Kelima (tháng 11) theo Âm lịch Bali.

Ngày nay, du khách có thể nhìn thấy bản sao khuôn mặt của vua Jayapangus và Kang Cing Wie trên những con rối khổng lồ được diễu hành dịp Galungan và Kuningan, hai lễ hội quan trọng nhất ở Bali.

Ngoài ra, việc sử dụng đồng xu của Trung Quốc làm đồ cúng trong các nghi lễ tôn giáo có liên quan đến việc Kang Cing Wie được xem là nữ thần của sự thịnh vượng tại hòn đảo du lịch nổi tiếng của Indonesia.

Theo Zing