“Chúng ta chỉ có mỗi việc "yêu nhau" thôi mà đôi khi cũng làm không được... Người ta vừa yêu, vừa đấu tranh, vừa tìm cách được sống cạnh nhau trong suốt 32 năm trời, hàng trăm lá thư, 5 ký mốt giấy tờ để chứng minh cho pháp luật... Và rồi tình yêu đã chiến thắng. 2 chị Châu và Mỹ đã chính thức có visa và được định cư cùng nhau tại Canada. Đây là một cái kết chương có hậu cho tình yêu chân thành và vĩ đại...” - Anh Huỳnh Minh Thảo, đại diện Tổ chức ICS (tổ chức thúc đẩy và bảo vệ quyền cho cộng đồng LGBT Việt Nam), đã thốt lên như vậy trên Facebook mình, về chuyện tình khó tin của cặp đôi Mỹ và Châu…

Tình yêu từ tuổi 14 và cuộc chia xa thế kỷ

Cách đây gần 50 năm. Trong một con hẻm nhỏ ở phường Cô Giang, Q.1, từng có hai cô bé quyến luyến nhau bằng một tình cảm đặc biệt. Mỹ, nhà có 12 anh chị em, ba mẹ bán cháo huyết. Châu, mẹ bán hủ tíu. Năm đó Mỹ 14 tuổi.

1984, Mỹ theo gia đình rời Sài Gòn, đi định cư tại Canada. Tình cảm này tưởng cũng bị lãng quên. Không ngờ, sự xa cách càng đốt lên tình cảm giữa hai cô gái mới lớn.

“Chúng tôi đều đã từng cố làm vui lòng cha mẹ bằng cách quen đàn ông. Lý trí mách bảo chúng tôi bắt đầu cuộc đời mới, nhưng con tim thì luôn thổn thức, khổ sở. Những lời nói yêu thương đều dẫn tới kỷ niệm… những cử chỉ thân mật, cái chạm nhẹ nhàng đều gợi nhớ về tình yêu hai đứa… Khi hai cuộc đời bị xẻ đôi, nỗi buồn càng khắc sâu hơn, cũng là lúc tôi và Châu nhận ra một điều, mỗi người đã là một phần của nhau, không thể thiếu nhau. Trái tim tôi thuộc về Châu, trái tim Châu thuộc về tôi, một lần, mãi mãi, từng ngày và từng giờ…”, Mỹ đã ghi lại những dòng da diết về tình yêu đầu đời.

Để giữ liên lạc, cặp đôi tìm mọi cách. Chị Mỹ rành mạch liệt kê:

Năm 1989 tới 1989, chúng tôi liên lạc với nhau qua thư viết tay.

Từ 1999 tới 2001, chúng tôi vẫn viết thư và điện thoại khoảng 24-60 lần mỗi năm. Mỗi lần nói chuyện 30-40 phút.

Từ 2002 tới 2004, chúng tôi gọi điện nhiều hơn, khoảng 104-156 lần mỗi năm. Mỗi lần nói từ 1 tiếng tới 1 tiếng rưỡi.

Số tiền để liên lạc cho nhau, tiết kiệm thêm chút là có thể mua được nhà và xe…

Rồi hai chị tìm được một cách thú vị, dùng máy ghi âm thu lại tâm sự hàng ngày của mình và gửi cho người kia. Ở Việt Nam, những cuốn băng ghi âm vượt đại dương như vậy theo Châu vào giấc ngủ mỗi đêm và cho cô thêm một chỗ dựa để đối diện một điều kinh khủng mà bao lâu cô phải chống chọi một mình ở quê nhà: Sự ghẻ lạnh của mẹ.

ghi âm
Những cuốn băng ghi âm chất chứa nỗi nhớ và tình yêu thương của chị Mỹ và chị Châu.


Khi con gái mẹ sắp hết chịu đựng nổi rồi…


Tình yêu của Mỹ, Châu không chỉ thử thách vì khoảng cách nửa vòng trái đất. Lưỡi dao lạnh nhất luôn muốn cắt lìa mối tình này, chính là sự kỳ thị của mọi người, ngay từ chính gia đình mình. Yêu nhau âm thầm hơn 20 năm, không chịu đựng nổi nữa sự xa cách và giấu giếm, chị Mỹ tha thiết muốn đưa chị Châu sang Canada để cả hai được bên nhau. Muốn vậy, hai chị phải thú nhận với gia đình. Sống ở Canada, chị Mỹ không quá khó khăn khi thú thật với mẹ về giới tính của mình. Còn ở Việt Nam, cuộc thừa nhận giới tính với chị Châu, là một trải nghiệm kinh hoàng.

Mẹ chị Châu sốc, giận dữ, tuyệt vọng. Bà tuyên bố rằng con mình “không phải con người, là lũ thần kinh, đồi bại, vô đạo đức”. Bà đóng sầm cửa, đạp đổ đồ ăn trên bàn, kéo lê đồ đạc… Bà nói nếu bà là Châu, bà sẽ chết ngay cho rồi.

Sống giữa chuỗi ngày khổ đau hành hạ cả hai mẹ con, chị Châu chỉ biết cầu trời khấn phật để mong mẹ dịu lòng. Chị gác lại khao khát sang Canada đoàn viên cùng người mình yêu, để ở lại phụng dưỡng mẹ già.

Nhưng đã nhiều lần chị như gục xuống bởi tuyệt vọng, trầm cảm, đó là năm 2008. Chị Châu muốn tự sát.

Chị Mỹ bất chấp, quyết định về Việt Nam gặp chị Châu. “Tôi nói với Châu, tôi không muốn chờ thêm nữa, xin hãy để tôi quay về gặp em (vì làm sao chúng tôi biết được đến khi nào mẹ em mới hết tức giận). Vừa gặp nhau, chúng tôi hôn nhau, trong lúc nước mắt cứ tuôn trên má. Nước mắt của chúng tôi là nước mắt của niềm vui, của hạnh phúc pha với đau khổ và nhớ nhung. Chúng tôi hôn lên nước mắt của nhau, ôm chặt lấy nhau rồi cùng òa lên khóc”.

Chị Mỹ tới nhà để gặp mẹ Châu, xin bà tha thứ và thuyết phục bà chấp nhận tình yêu của hai người. Bà mẹ tạm chấp nhận, nhưng những lần thấy đôi trẻ hạnh phúc, tự do, bà càng thêm đay nghiến. Năm 2010, chị Châu lại có ý định tự tử.

Nhưng rồi chị bình tĩnh lại và nói với mẹ: “Má, nếu việc con ở trong nhà này vẫn còn khiến má buồn bực và nhục nhã, ảnh hưởng đến sức khỏe của Má, nếu Má muốn con ra khỏi nhà để bớt tức giận và thấy thanh thản hơn, thì con sẽ chấp nhận ra khỏi nhà. Còn không, Má chỉ cần tha thứ cho con, chấp nhận con và đừng đối xử với con như vậy nữa, vì con sắp không thể chịu đựng nổi nữa rồi”.

Sau lần cương quyết đó, mẹ chị Châu có vẻ đã phần nào dịu lại cơn giận.

Nhưng mãi đến 2012, khi bà mẹ trút hơi thở cuối cùng vì tuổi già, chị Châu vẫn day dứt không biết liệu mẹ đã chấp nhận được tình yêu của mình hay chưa. Với chị, chị thừa nhận của mẹ chưa bao giờ hết quan trọng.

Cái kết kỳ diệu như mơ của tình yêu tuổi 50

băng 2
Cái kết ngọt ngào sau hơn 30 năm chờ đợi của cặp đôi đồng tính nữ.


Sau khi mẹ chị Châu mất, mối tình của họ được cởi trói. Vậy là, sau hàng chục năm, Châu và Mỹ đã có thể ở bên nhau. Chị Mỹ công khai với mọi người, bay về Việt Nam tổ chức đám cưới trong ngập tràn hạnh phúc.

“Ngày cưới, anh chị em của tôi từ khắp nơi trên thế giới bay về Việt Nam dự lễ cưới. Tôi thấy mình rất may mắn. Giờ đây, Châu và tôi đã sẵn sàng và tôi cần đưa em sang Canada để có cuộc sống gần bên nhau. Đây không chỉ là khởi đầu cuộc sống mới với Châu, mà còn với cả tôi. Một cuộc sống tự do và bình đẳng”, chị Mỹ không giấu nổi sự hồ hởi.

Còn chị Châu, người phụ nữ trung niên tưởng như đã tả tơi, rũ mòn sau bao nhiêu năm sống giữa định kiến khắc nghiệt, vẫn muốn bước ra, được là mình: “Tôi nhận ra mình sẽ giữ tình yêu này cả khi đi qua cái chết. Tôi đã chờ đợi quá lâu để bước ra ánh sáng. Cuộc đời của tôi chỉ toàn là khổ đau và buồn bã. Quyết định công khai đã mang tới nghị lực và tự hào cho tôi. Việc chia cách hai bờ đại dương trong hơn ba thập kỷ khiến tôi mỏi mòn và không thể chịu đựng thêm nữa. Tôi mong ước mơ của mình thành sự thật, xây dựng một mái ấm cùng người mình yêu, cùng già đi, cùng sống cuộc đời hạnh phúc mãi về sau”.

Sau một thời gian dài nỗ lực của hai người, Tòa án Canada đã phán quyết đồng thuận cho phép chị Mỹ bảo lãnh chị Châu sang Canada chung sống. Hôm qua, ngày 20/2/2016, hai người phụ nữ tuổi 50 đã bước lên chuyến bay đẹp nhất của cuộc đời mình. Chuyến bay bắt đầu hành trình hạnh phúc mới, của hai con người đã dành cả đời tranh đấu để được bên nhau.

Theo Afamily/ Tri Thức Trẻ