Chuyện về thuốc lắc 'đời cũ' và thuốc lắc hiện đại

Viên thuốc lắc cũ, cổ điển (thường chứa MDMA và các dẫn xuất cùng nhóm ATS - gọi tắt là MDMA) được tổng hợp vào năm 1912 tại Đức

Đầu thập niên 80, khi phát hiện tính chất gây hưng phấn của MDMA trong thưởng thức nhạc tại các lễ hội với âm thanh cường độ lớn, nó đã lan tràn rất nhanh tại Mỹ và sau đó là tại châu Âu. MDMA còn được gọi là viên thuốc của hội hè (recreational tablet).

Sau đó, lần lượt các dẫn xuất của MDMA ra đời như MDEA, MMDA, MDA… và có thể được tích hợp trong một viên thuốc lắc. Có thể nói không viên thuốc lắc nào giống viên nào, tùy thuộc cách pha trộn của “chủ lò” và tùy thuộc vào thị hiếu của thị trường. Đơn cử như MDEA với tên lóng là EVA, trong khi MDMA tên lóng là ADAM được cho là giúp phụ nữ hưng phấn trong tình dục.

Chuyện về thuốc lắc đời cũ và thuốc lắc hiện đại-1
Những viên thuốc lắc mới (bìa trái) và thuốc lắc cũ. Ảnh: FB HTH

Khởi đầu, các viên thuốc lắc khá tinh khiết. Khi ấy các tiền chất của nó như ephedrine, pseudo-ephedrine và phenylpropanolamine chưa bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Nhưng sau khi Công ước quốc tế về quản lý các chất gây nghiện và các tiền chất ra đời vào năm 1988, việc sản xuất viên thuốc lắc trở nên khó khăn hơn.

Khi đó, các "bố già" của thế giới ngầm đã nhìn ra một kẽ hở, đó chính là những viên thuốc cảm phối hợp ba chất gồm paracetamol 500 mg cộng với chlorpheniramine 25 mg và ephedrine hoặc pseudroephedrine hoặc phenylpropanolamine 25-30 mg. Họ đã bắt tay vào việc thu gom các viên thuốc cảm để sản xuất các viên thuốc lắc. Tuy nhiên, những năm gần đây các viên thuốc cảm có chứa các tiền chất này đã không còn được sản xuất nữa.

Các vụ ngộ độc lẻ tẻ vẫn xảy ra khi người uống viên thuốc lắc đang sử dụng một thuốc chống trầm cảm. Cách nay vài tháng, Công an TP Hải Phòng đã bắt được một vụ vận chuyển chất gây nghiện (chưa gọi là ma túy vì không có trong danh mục cấm) là những viên thuốc trong đó có chứa N-Ethylpentylone mà tài liệu cho thấy hoạt lực gấp ba lần MDMA (100mg MDMA#30mg N-Ethylpentylone).

Ngoài ra, do không có hóa chất nền tinh khiết nên viên thuốc lắc khi được “bào chế” có thể lẫn nhiều tạp chất. Trong đó, một tạp chất rất nguy hiểm là Para-methoxyamphetamine (PMA) - một chất gây ảo giác rất mạnh và rất độc trên hệ thần kinh, làm thân nhiệt tăng rất cao và làm tăng nhịp tim chỉ với một liều rất thấp. Đây là một phụ phẩm ngoài ý muốn trong quá trình sản xuất viên thuốc lắc.

Từ những vụ ngộ độc gây tử vong có thể nhận định những người này đã mua nhầm viên thuốc lắc chứa tạp chất hay viên thuốc “lắc mới” chứa N-Ethylpentylone có hoạt lực mạnh hơn dễ dẫn đến quá liều. Nếu được sử dụng chung với rượu có thể gây tử vong.

Trên đây chỉ là phỏng đoán, dĩ nhiên nguyên nhân chính xác còn phải chờ kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng.

Theo Pháp luật TPHCM


chất gây nghiện thuốc lắc tử vong

Tin tức mới nhất