Dòng chữ đặc biệt của bố
Ngày 23/11, Nguyễn Thành Nam (25 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đăng lên một hội nhóm đông thành viên bức ảnh chụp lại dòng trạng thái trên mạng xã hội của người cha quá cố.
"Thế nào là những dòng chữ tuyệt vời?", anh tự hỏi.
Trong ảnh, ông Nguyễn Xuân Thanh (SN 1962) "khoe" cùng vợ hạnh phúc tham dự lễ tốt nghiệp của con trai út vào ngày 18/11/2021. Ông viết một dòng chữ không rõ nghĩa, được Nam "phiên dịch": "Nguyễn Xuân Thanh và Lê Thanh Mỹ đang ở Đại học Dược Hà Nội".
"Đó là dòng chữ của một người nông dân đến dự lễ tốt nghiệp đại học của con trai", Nam nhớ lại.
Bức ảnh và dòng chữ đặc biệt bày tỏ nỗi niềm tự hào của người cha (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Do ngày tốt nghiệp chính thức trùng thời điểm đoàn sinh viên vào miền Nam chống dịch Covid-19, Nam và 6 người khác được Đại học Dược Hà Nội tổ chức buổi lễ tốt nghiệp riêng sau đó.
Anh đã mời bố mẹ đến tham dự như một niềm động viên, cũng là khoảnh khắc chứng minh bản thân đã trưởng thành.
Về sau, thấy bố đăng ảnh lên mạng xã hội với dòng chữ không trọn vẹn, Nam cảm thấy bất ngờ và xúc động. "Bố chỉ là một người nông dân, điện thoại hay công nghệ đều mới mẻ", anh nói.
Hai vợ chồng ông Thanh tự mày mò lập tài khoản mạng xã hội vào năm 2020, vừa xem các con sống và học tập như thế nào, vừa tiện trao đổi và chia sẻ thông tin. Dần dần, ông bà tập tành đăng hình ảnh cập nhật cuộc sống để các con yên tâm.
Một năm sau ngày tốt nghiệp của Nam, ông Thanh qua đời do ung thư gan giai đoạn cuối. Từ lúc phát hiện bệnh và điều trị chỉ vỏn vẹn một tháng. Sự ra đi đột ngột của người chồng, người cha khiến bà Mỹ (58 tuổi) và bốn người con đến nay chưa thể nguôi ngoai.
Với riêng Nam, niềm tự hào của bố trong ngày anh tốt nghiệp đã trở thành những dòng chữ tuyệt vời nhất: không hoa mỹ, không nắn nót, đơn giản là những từ cộc lốc, sai sót và ngắn gọn.
"Trong một cuộc sống ngắn ngủi, đọc lại những dòng kỷ niệm, tôi cảm thấy được an ủi vì đã làm cho bố cảm thấy tự hào. Đôi khi chúng ta không biết rằng mình đang sống trong khoảng thời gian tốt đẹp nhất cho đến khi nó qua đi", anh tâm sự.
Chàng trai hy vọng mọi người luôn trân trọng từng phút giây bên gia đình, một khoảnh khắc mong manh có thể trở thành một điều ước với nhiều người.
Bức ảnh vợ chồng ông Thanh bên bốn người con (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Câu chuyện của Nam nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. Có người động viên và an ủi anh, cũng có người xúc động chia sẻ kỷ niệm riêng về bố mẹ.
"May mắn trong ngày tốt nghiệp sắp tới, bố mẹ sẽ chứng kiến tôi nhận bằng. Tôi luôn tin tuổi trẻ vẫn còn nhiều thời gian, nhưng bố mẹ thì không như vậy.
Mỗi ngày trôi qua tôi đều cố gắng sống trọn vẹn, trân trọng từng giây phút vẫn còn được gọi bố mẹ trên đời", tài khoản Mai Thùy bình luận.
"Tôi thấy được sự tự hào và tình thương hai bác dành cho bạn. Tôi mong rằng bạn sẽ tiếp nối một cuộc sống tuyệt vời như vậy thay bố", bạn Thanh Hương viết.
Tự hào người bố nông dân
"Bố bạn làm nghề gì?" là đề văn Nam nhận được hồi lớp ba. Cậu bé 8 tuổi khi đó mường tượng hình ảnh người đàn ông cao, gầy, đứng nấu rượu gạo. Khi đứa trẻ miêu tả nghề nghiệp của bố là "nấu rượu", cả nhà đã phá lên cười, bảo cậu sửa thành "nông dân".
Lớn lên, chứng kiến bố làm nhiều nghề để nuôi sống cả gia đình, Nam càng thêm trân trọng công việc nông dân của bố.
Dù chỉ học hết lớp 10, ông Thanh rất coi trọng việc học của bốn đứa con (ba gái và một trai). Ông làm trên dưới 10 nghề từ cấy ruộng, đi xây, nấu rượu gạo, chăn lợn… để chăm lo các con ăn học đầy đủ. Cả bốn người con sau này đều tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định.
"Bố mẹ luôn quan tâm chuyện học tập của chúng tôi, từ việc chọn trường, phấn đấu ra sao, không bao giờ để các con thiếu thốn dù phải vay mượn đóng học phí", Nam kể bốn chị em hiểu chuyện đã tự bảo nhau học thật giỏi để sau này cải thiện cuộc sống.
"Sự trưởng thành của các con chính là niềm tự hào lớn nhất của hai vợ chồng tôi", bà Mỹ tâm sự.
Nam nói thứ vĩ đại nhất trên cuộc đời là tấm lưng của bố (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Giữa những kỷ niệm về bố, chàng trai nhớ mãi giây phút cuối đời ông nằm trên giường bệnh, đối diện với căn bệnh "tử thần". Ông Thanh không khóc, mà quay sang động viên vợ và các con cố gắng.
"Bố sẽ luôn cố gắng, nên các con cũng phải mạnh mẽ đồng hành cùng bố", Nam nhớ lại lời bố và quãng thời gian ngắn ngủi cả gia đình đã cùng ông chiến đấu với ung thư.
Ngày cuối cùng, trước khi bước vào căn phòng cấp cứu và mãi mãi không trở ra, người đàn ông trấn an gia đình: "Yên tâm đi, bố sẽ ổn thôi".
Khoảnh khắc cuối đời, ông vẫn dành trọn vẹn tình thương cho vợ và các con.
Một năm kể từ ngày chồng ra đi, bà Mỹ chưa thể quên hình ảnh người chồng đã gắn bó hàng chục năm.
"Hai vợ chồng đã cùng nhau vượt qua những tháng ngày khổ cực nhất, đến khi các con thành đạt, chỉ còn mỗi mình tôi", bà tâm sự.
Bà sống tại quê nhà Phú Xuyên (Hà Nội), còn Nam làm trình dược viên ở thành phố. Mỗi cuối tuần, anh về nhà, dành thời gian cho mẹ và gia đình.
Là người thường xuyên chụp ảnh, ghi lại và chia sẻ câu chuyện của gia đình lên mạng xã hội, Nam cảm thấy may mắn khi nhớ về bố không chỉ qua một bức ảnh mà là cả ký ức của ngày hôm đó.
"Nếu bây giờ được làm lại đề văn năm lớp ba, tôi sẽ viết: "Bố không làm nông, mà bố làm được tất cả để bốn đứa con ăn học. Đi khắp miền ngang dọc, sau cùng thứ vĩ đại nhất vẫn là tấm lưng của bố. Con tự hào về bố'", anh nói.
Theo Dân trí