Clip chế dừng đèn đỏ sau vụ tai nạn ở Long An bị 'ném đá' Sau vụ tai nạn ở Long An, mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh chế việc dừng đèn đỏ. Hành động này bị lên án vì sự thờ ơ, vô cảm.

Chiều 2/1, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên quốc lộ 1, xã Nhật Chánh, huyện Bến Lức, Long An. Xe đầu kéo container lưu thông hướng Tiền Giang đi TP.HCM tông vào 25 xe máy đang dừng đèn đỏ khiến 4 người tử vong, 18 người bị thương. Con số thương vong lớn khiến nhiều người xót xa.

Sau vụ tai nạn, mạng xã hội mới đây xuất hiện nhiều clip, ảnh chế về việc dừng đèn đỏ khi đang lưu thông trên đường. Bên cạnh hình ảnh thể hiện sự lo lắng hay để cảnh báo người tham gia giao thông, một số clip khiến người xem khó chịu khi trêu đùa, gây cười xung quanh vụ việc thương tâm.

Lấy tai nạn đáng tiếc ra làm trò đùa

Tối 2/1, tài khoản N.T.K. đăng clip quay cảnh nhóm thanh niên bỏ lại hàng loạt xe máy, rồi chạy lên vỉa hè khi gặp đèn đỏ trên đường. Đoạn video có thể được những người này tự dàn dựng và chia sẻ lên mạng.

Với dòng chú thích "Thà của đi thay người", sau khoảng một giờ đăng tải, clip dài chưa đầy một phút này thu hút hơn một triệu lượt xem, gần 15.000 like (thích), 14.000 bình luận và 45.000 chia sẻ trên Facebook.

Không ít người thể hiện sự thích thú với nội dung clip bằng cách thả các biểu tượng cảm xúc mặt cười hay để lại bình luận hưởng ứng như "Trend mới nhất 2019", "Phong trào quá nhanh, quá nguy hiểm", "Xem mà không nhịn được cười"… Thậm chí, một số người còn rủ bạn bè thực hiện lại.

Clip chế vụ tai nạn ở Long An: Đừng đùa trên nỗi đau của người khác-1

Clip chế vụ tai nạn ở Long An: Đừng đùa trên nỗi đau của người khác-2
Mạng xã hội xuất hiện nhiều clip chế việc dừng đèn đỏ sau tai nạn ở Long An. Ảnh chụp màn hình.

Ngoài clip của N.T.K., sau vụ tai nạn tại Long An, trên mạng xuất hiện nhiều hình ảnh chế về việc dừng đèn đỏ khi đi xe máy trên đường. "Sự sáng tạo" này nhanh chóng gây chú ý, nhận được hàng nghìn lượt thích và chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải hình ảnh nào cũng có giá trị nhắc nhở hay cảnh báo an toàn cho mọi người. Một số chỉ có tính chất đùa vui. Đặc biệt, thái độ cười cợt, chế nhạo của những người thực hiện và một bộ phận dân mạng hưởng ứng theo phong trào này nhận nhiều chỉ trích.

"Tôi không thấy gì vui ở những clip thế này", "Đừng đùa trên nỗi đau của người khác. Thử đặt mình vào vị trí gia đình của người gặp nạn mà suy nghĩ đi"… là những bình luận lên án clip chế.

Clip chế vụ tai nạn ở Long An: Đừng đùa trên nỗi đau của người khác-3
Các clip chế bị nhiều người chỉ trích vì vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau của người gặp nạn. Ảnh chụp màn hình.

Thói'câu like' và sự vô cảm của dân mạng

Nguyễn Thủy Tiên - sinh viên năm 3, ĐH Tài chính - Marketing - cho rằng mục đích chính của những người chia sẻ hình ảnh chế sau vụ tai nạn chủ yếu là để "câu view", "câu like".

"Lấy tai nạn thương tâm ra làm clip câu like, để được mọi người chú ý trên mạng xã hội là hành động đáng bị lên án. Những cái like hay bình luận hưởng ứng thể hiện sự thờ ơ của một bộ phận cộng đồng mạng", nữ sinh bày tỏ.

Clip chế vụ tai nạn ở Long An: Đừng đùa trên nỗi đau của người khác-4

Clip chế vụ tai nạn ở Long An: Đừng đùa trên nỗi đau của người khác-5
Nhiều người để lại bình luận hưởng ứng các clip, hình ảnh chế. Ảnh chụp màn hình.

Còn theo Trần Hải Yến (23 tuổi, TP.HCM), những nút like, chia sẻ vô trách nhiệm của một số người đang góp phần cổ súy cho trò đùa phản cảm lan nhanh trên mạng xã hội.

"Không chỉ kẻ đăng clip, những người vui vẻ hưởng ứng trò đùa cũng đáng bị chỉ trích. Vì người ta quá thờ ơ với nỗi đau của người khác, dễ dàng cười cợt, nhấn like nên mới có các cá nhân lợi dụng điều đó làm ra những thứ câu like rẻ tiền", 9X nhận xét.

Trước đó, nhóm học sinh trường THPT Hai Bà Trưng (Huế) từng bị cộng đồng mạng "ném đá" khi dàn dựng cảnh tượng tai nạn giao thông. Trên fanpage của trường này đăng tải bức ảnh chế kèm nội dung: "Học sinh trường Hai Bà Trưng đâu hết rồi! Like nào".

Clip chế vụ tai nạn ở Long An: Đừng đùa trên nỗi đau của người khác-6
Bức ảnh dàn dựng cảnh tượng tai nạn giao thông của học sinh trường THPT Hai Bà Trưng (Huế) từng bị chỉ trích. Ảnh: Fanpage trường THPT Hai Bà Trưng, Huế.

Ngay sau đó, nhóm học sinh đã bị dân mạng chỉ trích vì cho rằng bức ảnh quá phản cảm và chỉ có mục đích "câu like".

Không thể phủ nhận mạng xã hội mang đến cho con người nhiều tiện ích và vẫn đang ngày một lớn mạnh. Tuy nhiên, để không "biến chất" chỉ vì những cái like ảo, mỗi người dùng cần tỉnh táo và sử dụng nó theo cách văn minh.

Theo Zing.vn