Clip: Đa số dân Việt Nam cứ hồn nhiên rọi thẳng đèn pha vào mặt người khác

Chúng tôi đã thực hiện một cuộc phỏng vấn ngắn với nhiều người tham gia giao thông trên đường phố Hà Nội và hầu hết đều tỏ ra ngơ ngác về việc dùng đèn pha xe thế nào thì đúng.

Văn hoá dùng đèn pha xe khi tham gia giao thông

Phương tiện giao thông đều phải được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng, trong đó bao gồm 2 loại: đèn pha (đèn chiếu xa) và đèn cốt (đèn chiếu gần). Tuy nhiên, nhiều người hiện nay vẫn thường sử dụng lẫn lộn giữa hai loại đèn. Đặc biệt, việc sử dụng đèn pha không đúng cách sẽ gây cản trở tầm nhìn của những lái xe đi ngược chiều hoặc ngay cả những lái xe đi cùng chiều ở phía trước. Trong một vài tình huống, đèn pha có thể là nguyên nhân gây tai nạn bởi lái xe đối diện không thể quan sát tình hình giao thông để phản xạ kịp thời.

Khi thực hiện cuộc phỏng vấn ngắn với nhiều người, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, hầu hết mọi người đều không biết cách sử dụng đèn pha, đèn cốt. Một biểu hiện đơn giản là khi bật đèn pha, biểu tượng đèn màu xanh dương ở trên bảng điều khiển sẽ sáng lên. Thế nhưng, rất nhiều người vẫn không hề biết điều này. Những câu như: "Mình không biết", "Tôi không hiểu lắm về đèn pha" là những câu trả lời mà chúng tôi thường nhận được.

 Clip nhiều người đi đường ở Hà Nội không biết cách sử dụng đèn pha.

Thanh Thủy (sinh viên Học viện Nông nghiệp) cho biết: "Mình cũng không để ý lắm về đèn pha và cốt. Có những khi đi từ quê ra vẫn bật duy nhất một loại đèn và cũng không nghĩ đèn pha gây nguy hiểm gì cả".

Trong khi đó, ông Minh (64 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại tỏ ra khá bức xúc: "Nhiều người, nhất là người trẻ thường bật đèn pha khi đi trong nội đô dù đèn đường vốn đã sáng choang, khiến những người cao tuổi như tôi cảm thấy rất khó chịu. Xe máy đã đành nhưng đáng ngại nhất là các loại xe lớn có tầm quét đèn pha cao và rộng. Các loại xe này nhiều khi đi ngược chiều với mình cũng không trở về đèn cốt mà cứ vô tư tra tấn tài xế xe nhỏ bằng đèn pha sáng đến nhức cả mắt".

Clip: Đa số dân Việt Nam cứ hồn nhiên rọi thẳng đèn pha vào mặt người khác - Ảnh 2.
Dù di chuyển trong nội thành nhưng nhiều người vẫn vô tư bật đèn pha sáng chói mắt.

Rõ ràng, việc sử dụng đèn pha, đèn cốt đúng cách, đúng luật không phải là điều quá khó. Vấn đề quan trọng nằm ở nhận thức và ý thức của mỗi người. Chúng ta chỉ cần chú ý hơn một chút, với một thao tác đơn giản chuyển đèn pha, cốt đúng nơi, đúng lúc, biết đâu sẽ giảm đi sự khó chịu cho bao nhiêu người cùng đi đường và góp phần nâng cao tính an toàn khi tham gia giao thông cho mình, cho người.

Sử dụng đèn pha/cốt như thế nào thì đúng?

Clip: Đa số dân Việt Nam cứ hồn nhiên rọi thẳng đèn pha vào mặt người khác - Ảnh 3.

 Đèn pha sẽ chiếu thẳng, tầm ánh sáng cao hơn đèn cốt (biểu tượng đèn có phần gạch hướng thẳng ở bên phải ảnh). Đèn cốt vùng ánh sáng quét tầm thấp và thường chúc xuống mặt đường (biểu tượng đèn có phần gạch hướng xuống dưới ở bên trái ảnh). Khi bật đèn mà thấy biểu tượng đèn màu xanh trên đồng hồ xe sáng lên thì đó là đang bật đèn pha.

Đèn pha chỉ nên sử dụng khi đi đường trường hoặc trên đường cao tốc có dải phân cách cao quá tầm đèn của ô tô để có tầm quan sát tốt hơn.

Trong trường hợp dải phân cách thấp hoặc phân cách bằng vạch kẻ đường, bạn phải sử dụng đèn cốt để tránh làm loá mắt các phương tiện ngược chiều. Khi đường vắng có thể sử dụng đèn pha, nhưng khi thấy đèn của xe ngược chiều thì phải chuyển về cốt ngay lập tức.

Sử dụng đèn pha/cốt để xin vượt thay còi

Đèn pha cũng có thể sử dụng để xin vượt thay còi.

Thay vì bấm còi, hãy nháy đèn như một cách ra tín hiệu. Ánh sáng từ đèn pha sẽ phản chiếu vào gương chiếu hậu, khiến người đi trước biết để nhường đường.

Theo Tri Thức Trẻ


Tin tức mới nhất