Ngày 26/2, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh nữ quản lý khách sạn buồn bã thông báo cho nhân viên nghỉ về quê 4 tháng vì dịch corona.
Theo đó, nhân viên của khách sạn này được cho về quê nghỉ 4 tháng vì không có khách để phục vụ. Nữ quản lý buồn bã chia sẻ: "Ở đây cũng buồn vì chúng ta chẳng có khách hàng mà phục vụ. Các bạn có thể về quê ‘tạm lánh', trong thời gian tạm thời là 4 tháng".
Được biết, đoạn clip trên ghi lại hình ảnh của một khách sạn sang trọng ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Kể từ khi dịch corona bùng phát, tình hình kinh doanh của khách sạn này rất ảm đạm.
Đặc biệt, khi bệnh dịch bùng phát ở nhiều quốc gia khác ngoài Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, tình hình kinh doanh của khách sạn lại càng trở nên khó khăn. Trước đó khách sạn đã phải chống chọi hai tháng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Nữ quản lý khách sạn tâm sự trong nỗi thống khổ: "Dịch SARS ngày trước thì Hà Nội không như bây giờ mà chỉ có 10 cái khách sạn, khách sạn lớn nhất cũng chỉ có khoảng 15 nhân viên. Khi dịch tới, 10 trong số 15 nhân viên đó bị cho nghỉ việc và không có lương, 5 người còn lại đi làm và hưởng 20% lương. Thời điểm đó giá phòng rất rẻ, chỉ khoảng 5 đô thậm chí 2 đô nhưng vẫn không có khách trong 9 tháng trời.
Dịch Covid-19 lần này khủng khiếp hơn rất nhiều so với SARS vì sự lây lan quá khủng khiếp. Trên các phương tiện truyền thông, hàng ngày người ta liên tục cập nhật các trường hợp tử vong vì dịch bệnh. Trong vòng một thời gian ngắn ngủi mà có người mất cả tính mạng. Do vậy thời điểm này, người ta bắt đầu thấy sợ hãi cái chết. Nhất là các chị, các cô ở đây đã có gia đình, lo lắm.
Gần 3 tháng nay, công ty tổn thất hơn 20 tỷ, đây là con số mà cả cuộc đời mình tích góp.
Không giống các ngành nghề khác như quần áo... thời điểm này người ta có thể đem cất vào trong kho chờ hết dịch rồi bán. Chúng ta khác, sản phẩm chúng ta bán khác. Một ngày mở mắt ra, phòng nào không được bán, phòng đó vẫn có các loại phí phải chi trả".
Nữ quản lý khách sạn đưa ra 2 hình thức hỗ trợ cho nhân viên kể từ ngày 1/3. Thứ nhất, với những nhân viên về quê cam kết quay trở lại sẽ được công ty hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số tiền này chỉ được hỗ trợ khi quay trở lại làm việc vào tháng 8: "Những bạn quyết định về quê rồi quay trở lại làm việc sẽ được công ty hỗ trợ một khoản gọi là lương thất nghiệp 1,5 triệu đồng/ tháng. Nếu tình hình này kéo dài trong 4 tháng, các bạn sẽ được nhận 6 triệu đồng vào kỳ lương tháng 8 (m5/8, ngay sau khi đi làm trở lại).
Tại sao lại đến thời điểm đó mới trả? Vì thực sự vào thời điểm này, công ty không có tiền để trả lương. Vì 10 ngày hôm nay, gom tiền trả tiền điện thôi cũng đã rất khó khăn rồi. Mỗi một ngày khách sạn thu được 1-3 triệu mà tiền điện cho toàn công ty cũng lên tới 3-400 rồi. 20 năm trong nghề, đây là chuyện chưa từng có.
Cái mức chi trả của công ty thực sự không có gì lớn lao mà thực sự rất nhỏ bé. Nhưng trong những ngày tháng này, chúng ta chỉ còn những đồng tiền lẻ. Mong rằng tất cả các anh chị em trong công ty hãy cố gắng. Hãy chi tiêu 1 cách dè xẻn để cùng nhau vượt qua những ngày tháng khó khăn này".
Còn những người muốn ở lại làm việc, công ty sẽ trả 4 triệu đồng/tháng. Số tiền này đảm bảo các sinh hoạt tối thiểu: "Giờ phút này không còn phân biệt chức vụ hay cấp bậc nữa, đây là lúc chúng ta sống như nhau và được đối xử như nhau. Anh bếp trưởng bình thường 20 triệu giờ cũng 4 triệu, nhân viên bellman lương 4 triệu rưỡi giờ cũng nhận 4 triệu. Đây là mức công ty đã cân đối, đủ để cho mọi người ăn, để sống qua ngày.
Đây là lúc mình cần sự chia sẻ, chia sẻ với những người khó khăn hơn mình. Chính sách của công ty sẽ được áp dụng ngay từ 1/3".
Sự bùng phát nhanh chóng của dịch do virus corona gây ra khiến cho ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề. Theo Tổng cục du lịch, trong ba tháng tới, ước tính thiệt hại của ngành sẽ rơi vào khoảng từ 5,9 đến 7 tỷ USD.
Việt Nam hiện cũng đang đứng trước nguy cơ mất đi nhiều du khách tiềm năng từ các nơi khác trên thế giới, những người đang quan tâm đến việc du lịch ở khu vực Châu Á. Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, hoạt động trong nước cũng đang bị hạn chế khá lớn do những chính sách được ban hành để phòng ngừa dịch lây lan.
MT (Tổng hợp)
Theo Vietnamnet