Sáng ngày 22/2, mạng xã hội Tiktok và Facebook xôn xao trước một đoạn clip ngắn. Nhân vật chính là một cậu bé ở khoảng độ tuổi mầm non. Theo nội dung trong clip thì có vẻ cậu bé đang được bà chích máu ở đầu ngón tay. Vì đau nên em không ngừng khóc nấc lên.
Tuy nhiên điều gây tranh cãi là em không ngừng... chửi bậy. Trong khi đó người lớn ngồi bên cạnh không hề nhắc nhở, trái lại còn phì cười trước hành động của đứa trẻ. Chính điều này khiến cư dân mạng không khỏi chê trách và yêu cầu gia đình nên uốn nắn, bảo ban lại đứa trẻ.
"Nếu là mình sẽ không để con nói những câu này. Nói lần thứ 2 cháu sẽ quen miệng, rồi dần dần thành thói quen và khó dạy dỗ. Cũng không hiểu sao ông bà và mẹ có thể bình tĩnh như vậy khi con chửi bậy", một bà mẹ để lại bình luận. "Dạy con từ tuổi còn thơ, gia đình nên xem lại" là ý kiến của một cư dân mạng khác.
Hiện tại đoạn clip trên vẫn được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt.
Lý do và cách xử lý khi con trẻ chửi bậy
Việc con trẻ chửi bậy có rất nhiều nguyên do. Trẻ chửi bậy nhằm thể hiện cảm xúc tiêu cực của bản thân, như đau đớn, bực bội, cũng có thể là để phù hợp với tập thể, môi trường xung quanh.
Nếu bạn học cùng lớp, hay những người bạn chơi cùng của trẻ chửi bậy, trẻ sẽ có xu hướng làm theo để được gia nhập nhóm. Trẻ có thể nói tục để gây sự chú ý với bạn bè, thể hiện cái tôi bản thân, hoặc đôi khi để khiến câu chuyện của mình hài hước hơn.
Ngoài ra, trẻ có thể nhiễm thói chửi bậy từ chính bố mẹ. Nếu bạn thường hay nói bậy ở nhà, về lâu dài, con sẽ bắt chước theo. Để giúp con bỏ thói quen xấu này, trước hết bố mẹ cần bình tĩnh khi nghe thấy con chửi bậy. Nếu bố mẹ "găng" lên thì mọi chuyện càng xấu hơn.
Hãy từ tốn giải thích cho con ý nghĩa của các từ chửi bậy, cho con biết những điều đó chẳng hay ho gì. Đồng thời dạy con cách thể hiện cảm xúc khác ngoài chửi bậy, cũng như cách gây ấn tượng với bạn bè bằng tính cách, tài năng thể thao hay thành tích học tập,...
Bên cạnh đó, bố mẹ cần kiểm soát môi trường xung quanh con, xem con có chơi với người bạn xấu nào không. Hình phạt cũng là điều cần thiết để con điều chỉnh lại hành vi của mình. Quan trọng nhất, bố mẹ phải là tấm gương cho con.
Nếu cấm con không được chửi bậy, mà chính bố mẹ lại hồn nhiên nói thì con sẽ không bao giờ sửa được hành vi.
Theo Pháp luật và Bạn đọc