Đúng là giai đoạn chuẩn bị cho việc kết hôn, cô dâu chú rể dễ xảy ra mâu thuẫn nhất. Đơn giản bởi tình yêu là chuyện của hai người, có gì cũng dễ dàng thỏa thuận dễ dàng giải quyết. Kết hôn lại là việc mà hai dòng họ phải can thiệp, tham dự.
Nếu nhà trai và nhà gái ở cùng một địa phương thì những phong tục có thể giống nhau, việc bàn bạc cũng nhanh chóng. Thế nhưng họ ở khác nơi thì còn hàng loạt điều cần phải đi đến thống nhất.
Bởi vậy mới nói, đôi khi cưới xin, làm lễ còn không mệt mỏi và gây mâu thuẫn như việc bàn nhau để di đến sự thống nhất cuối cùng.
Mới đây, một cô gái đăng tải bài viết tâm sự về những chuyện xảy đến trước đám cưới. Đối diện với thái độ của nhà trai mà cô chán nản, chỉ muốn chấm dứt. Chuyện như sau:
“Sắp đến ngày cưới rồi mà em khóc cạn nước mắt mọi người ạ !
Em với anh yêu nhau được 2 năm, giờ em lỡ có bầu, giờ bàn đến chuyện cưới xin thì như này đây các chị ạ. Nhà anh bảo cho cưới là may lắm rồi, là đẹp mặt bố mẹ em lắm rồi, là rộng lượng và cứu vớt em lắm rồi, mà gia đình em còn đòi 3 triệu tiền phong bì dẫn lễ.
Nhưng nhà em có đòi đâu, đấy là thủ tục của quê em, ở quê em người ta toàn thách 10 triệu, 20 triệu, nhà em vì thương con nên chỉ bảo 3 triệu thôi, nhưng nhà trai trở mặt ngay.
Bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội.
Họ còn nói tiền lễ cũng phải chia đôi, đặt 5 lễ hết 6 triệu, nhà em phải chịu 3 triệu, vì nhà em hưởng hết, họ đang còn chịu lỗ 3 triệu.
Rồi tiền chụp ảnh cưới, thuê xe đón dâu, nhà em cũng phải chịu 1 nửa, họ còn nhấn mạnh là ‘cho đám cưới là may lắm rồi, còn đòi hỏi, đáng ra nhà em phải biết ơn và cảm ơn nhà trai đã cứu vớt danh dự nhà em’.
Em buồn quá cứ khóc suốt, ngày nào cũng nằm trong phòng khóc, vừa thương bố mẹ, vừa thấy ngu nhục, giờ em chẳng còn muốn cưới xin gì nữa, chỉ muốn bỏ đi thật xa, các chị cho em lời khuyên với ạ”.
Đây là câu chuyện được đăng tải. Chỉ đọc thôi người ta cũng thấy bức xúc thay. Thế nhưng đó chưa phải tất cả. Dòng tin nhắn mà người chồng gửi đến càng khiến mọi người thấy bức xúc.
“Anh nói cho em biết, nhà em đừng có được đằng chân lân đằng đầu. Đã có bầu trước còn đòi hỏi gì nữa. Em còn muốn cưới nữa không?
Nhà anh rất tử tế khi đồng ý đám cưới rồi nhé. Em còn đòi phong bì dẫn lễ, cần gì phải phong bì. Bán con à mà cần phong bì? Lại đòi những 3 triệu, khôn như nhà em quê anh đầy.
Tóm lại giờ như này, tiền lễ cưới nhà anh thuê người ta làm 5 lễ hết 6 triệu, nhà em 3 triệu, nhà anh 3 triệu. Thế là nhà em quá lời rồi vì nhà em hưởng cả 5 lễ chứ nhà anh có được hưởng cái nào đâu.
Phong bì dẫn lễ hay quỹ đen gì đó thì không có đâu. Ok thì cưới không thì tự đẻ con một mình mà nuôi. Đừng trách bố nó cạn tình cạn nghĩa”.
Tin nhắn chú rể gửi cô dâu.
Đây rõ ràng đâu phải những lời mà một chú rể, một người chồng nên nói với cô vợ đang mang thai của mình. Anh ta làm như chuyện mang thai là do một mình cô gái, mình chẳng cần phải chịu trách nhiệm hay phụ trách gì hết.
Giọng điệu không có chút tôn trọng gia đình bên ngoại, không tôn trọng cô dâu như thế thì cưới về chắc chắn người vợ sẽ chẳng thể nào hạnh phúc nổi. Anh ta coi việc tổ chức đám cưới là chuyện để nhà cô dâu được "đẹp mặt" chứ hoàn toàn chẳng dính dáng gì đến mình.
Ai mà chẳng biết rằng, khi tình yêu đủ sâu đậm, hai bên sẽ tổ chức hôn lễ. Nó sẽ là cách để một gia đình mới được xây dựng. Hai người cùng bên nhau sinh con, xây dựng tổ ấm. Nếu như cưới xin là chuyện miễn cưỡng, sự tôn trọng dành cho nhau chẳng còn thì cố gắng cưới để làm gì.
Dân mạng đều cho rằng cô dâu nên suy nghĩ thật kỹ lưỡng chuyện có nên lên xe hoa để về làm dâu gia đình đó hay không. Bình thường, nếu nhà chồng khắc nghiệt thì còn có chồng gánh đỡ, bảo vệ. Ở đây, sự khó khăn và coi thường xuất phát thẳng từ nhân vật người chồng, có cố gắng đến với nhau thì cũng chỉ khổ đau mà thôi.
Theo Pháp luật và Bạn đọc