Lễ cưới của cô dâu Minh Hoa và chú rể Nguyễn Lộc diễn ra vào sáng 28/10 trong hoàn cảnh nhiều xã ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) ngập sâu trong nước.

Nhà chú rể ở xã Thanh Mỹ, còn cô dâu ở xã Thanh Hương, cách nhau khoảng 18 km. Hai gia đình đã ấn định ngày tổ chức đại sự nên không thể trì hoãn. Vào giờ đẹp sáng 28/10, 7 mâm lễ khẩn trương được đưa xuống thuyền dù ngoài trời mưa như trút nước.

Chia sẻ với Zing, cô dâu Minh Hoa cho biết không ngờ đến ngày đám cưới lại lũ to như thế, hai nhà không kịp trở tay. Mấy năm trước cũng có lũ, nhưng không đến mức tràn và ngập vào tận nhà như vậy.

Ngày hạnh phúc diễn ra trong cảnh lụt lội, lượng khách đến dự cũng ít đi, các nghi thức đều phải cắt bớt, nhà trai cũng hủy đãi tiệc, chỉ đón dâu về bái tổ tiên.

“Khu vực mình sống thường ngập sâu mỗi khi mưa lũ nên nhà nào cũng xây nền cao. Phía trong không bị ngập nước nên các thủ tục của lễ cưới vẫn diễn ra bình thường. Chúng mình may mắn hơn rất nhiều gia đình khác”, cô dâu cho biết.

Cô dâu chú rể hoãn cưới vì lũ, cỗ được hàng xóm mua ủng hộ-1
Một đám cưới được tổ chức trong mùa mưa lũ.

Hoãn ngày vui vì mưa lũ

Trong khi đó, trên trang cá nhân, cô dâu Nguyễn Hà (Can Lộc, Hà Tĩnh) thông báo hoãn tiệc mừng do lũ lụt. Theo đó, gia đình chú rể đi từ Quảng Trị vào đang bị kẹt vì giao thông bị chia cắt.

“Tôi thay mặt cho gia đình gửi tới cô, dì, chú, bác, anh, chị em, bạn bè thông báo hoãn đám cưới vào ngày 1/11 như ghi trên giấy mời. Thời điểm tổ chức chúng tôi sẽ có giấy mời sau. Do thiên tai bất ngờ, mong mọi người thông cảm, bỏ qua cho gia đình chúng tôi”, đoạn thông báo viết.

Kể với Zing, Hà cho biết sáng 29/10, nước lũ vẫn tiếp tục tràn vào nhà cô. Mực nước đã cao hơn 1m. Bà con đang lo chạy lũ, thức trắng đêm. Đoạn đường liên huyện cũng chìm trong nước, không ai còn bụng dạ dự tiệc.

“Hoãn cưới là chuyện không ai mong muốn, rất hy vọng mọi người thông cảm. Qua trận lũ này, gia đình chúng tôi sẽ thông báo lại ngày giờ tổ chức hôn lễ", cô dâu chia sẻ.

Cô dâu chú rể hoãn cưới vì lũ, cỗ được hàng xóm mua ủng hộ-2
Nhà cô dâu Thái Linh ở Nghệ An rạp vừa dựng đã bị đổ vì mưa lớn.

Không nằm trong vùng bị ngập sâu, nhưng cô dâu Thái Linh (sinh năm 1994, trú tại xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) tỏ ra lo lắng khi hôn lễ được ấn định vào ngày 1/11 tới.

Linh tâm sự đoàn nhà trai ở Khánh Hòa. Hai nhà đã đặt hết vé máy bay về Nghệ An để đón dâu. Gia đình nhà gái đã đặt cỗ, thiệp mời cũng gửi tới hơn 400 khách, nên việc hoãn cưới là rất khó.

“Thôn mình may mắn không bị ngập sâu nhưng các xã xung quanh nước ngập tới mái nhà, bị cô lập hoàn toàn. Trời đang mưa lớn, rạp cưới vừa dựng lên thì bị kéo gãy. Thời tiết cứ kéo dài thế này, đám cưới sẽ không được trọn vẹn".

Linh chỉ hy vọng trời ngớt mưa, nước rút dần để người dân miền Trung đỡ khổ, sớm trở lại cuộc sống bình thường.

"Khi lên kế hoạch, hai nhà đã xem ngày đẹp. Ấy vậy mà đúng lúc này, thiên tai lại ập xuống", cô dâu nói.

Hàng xóm chia nhau mua lại cỗ

Mặc mưa bão, Tuấn Anh (27 tuổi, Quảng Nam) vẫn cố gắng đội mưa về quê dự đám cưới con trai cậu ruột ở Duy Xuyên, Quảng Nam.

"Nhà cậu tôi sợ lũ lớn không có người tham dự đám cưới, nhưng lỡ nghe thầy phán là phải tổ chức đúng 'ngày lành, tháng tốt', 'mưa thuận gió hòa'. Hơn nữa, gia đình đã gửi thiệp mời đến tận tay bà con, họ hàng gần xa, cỗ cưới đã chốt", Tuấn Anh cho biết.

Tiệc cưới mời khách lúc 10h với 40 mâm cỗ, tương ứng với gần 300 khách, nhưng đến 12h chỉ có anh, chị em và bà con, hàng xóm thân thuộc, còn khách thì vắng hoe.

Nhà hàng nấu tiệc cưới là người ở xã Duy Trinh, khi nhận cỗ đã chuẩn bị thực phẩm đủ 40 mâm, giá 1,1 triệu đồng/mâm. Cũng vì mưa lũ, sáng sớm, mọi người đã phải thuê thuyền vận chuyển cỗ về nhà chú rể.

Thấy vắng khách, phía nấu tiệc cũng lo gia chủ không "giải phóng" được số thức ăn.

Sau khi hội ý với người nhà, gần cuối bữa tiệc, MC đám cưới xin phép bày tỏ sự hối tiếc của hai họ vì điều kiện mưa lũ không đón được quan khách tham dự. Người này cũng chia sẻ mong muốn bà con xa gần "giải cứu" số mâm cỗ còn lại sau tiệc.

Ngay lập tức, nhiều khách đã ủng hộ gia chủ. Ngoài tiền mừng tân hôn trước đó, mỗi người đăng ký gửi thêm tiền để nhận các món cỗ, có nhà 1 mâm, nhà 2 mâm, nhằm giảm bớt khó khăn về tài chính cho cô dâu, chú rể, đồng thời không bỏ phí đồ ăn trong những ngày mưa bão.

"Nhiều cô chú còn đùa là mưa lớn cũng không sợ vì đã có đồ ăn dự trữ rồi. Quyết định dừng ngày vui khiến hai nhà rất buồn, nhưng hành động ấm lòng của hàng xóm lại giúp mọi chuyện được giải quyết nhanh hơn, đỡ lãng phí hơn", Tuấn Anh kể.

Theo Zing