Vợ chồng anh David Fernie (sinh năm 1960, quốc tịch Anh) và chị Quỳnh Thư (sinh năm 1977, từng là giáo viên dạy ngoại ngữ)
Chị Quỳnh Thư quen anh David ở Thái Lan trong một chuyến du lịch. Về nước, anh chị chat qua lại bằng skype. Sau nhiều lần trò chuyện, chị Thư phát hiện giữa hai người có rất nhiều điểm tương đồng, nói chuyện với nhau cũng khá hợp. Anh David tính tình hài hước, vừa biết chơi đàn lại vừa biết chơi thể thao, chính xác là kiểu người chị thích.
Thời điểm hai người quen nhau, chị Thư 37 tuổi. Là người phụ nữ từng trải qua vài ba mối tình "dở hơi", chị chọn cho mình cuộc sống độc thân. Chị tự nhận mình khá kỹ tính trong chuyện hôn nhân, chẳng thà ở một mình chứ không muốn gắn bó với người mình không thích.
Vậy nên mới có chuyện bất kỳ ai gặp chị Thư đều bị chị "quét ra-đa" một lượt từ đầu tới chân và anh David cũng không ngoại lệ. Chỉ có điều, anh David lại khiến chị hài lòng bởi cử chỉ quan tâm chu đáo cũng như cách cư xử chừng mực với mọi người xung quanh. Chưa hết, anh còn cho chị cảm giác yên tâm tuyệt đối, khiến chị muốn có con cùng anh - điều mà từ trước tới nay chưa có người đàn ông nào làm được.
Yêu nhau được khoảng 1 năm, tình cảm giữa chị Thư và anh David cực kỳ tốt. Dù yêu xa do chị ở Việt Nam, anh làm việc ở Bahrain nhưng cứ 3 tháng anh chị lại gặp nhau, cùng đi du lịch. Chị Thư cũng đã đưa anh về nhà chơi. Hai người không cần nói nhiều cũng hiểu tình cảm và tầm quan trọng của mình với đối phương. "Hãy để anh chăm sóc cho em", đó là câu nói từ anh David mà chị Thư nhớ mãi.
Mọi chuyện đang êm đềm như nước thì đùng một cái, David nói hai người nên chia tay. "Mình như người vừa rớt xuống vực, chẳng hiểu chuyện gì. Trước đó 1 tuần mình còn làm visa đi Hong Kong du lịch với anh. Anh còn dự định về Việt Nam chơi, ngày trước đó còn nhắn nói nhớ và thương mình", chị Thư kể lại.
Lí do anh David đưa ra sau đó được gửi đến chị Thư qua một email: anh không thể yêu mà không cưới, mà hiện giờ anh làm việc ở nước thứ 3 ở khu vực Trung Đông - nơi chưa có đại sứ quán Việt Nam và cũng chưa cấp visa du lịch cho người Việt. David cũng lo rằng anh không thể đảm bảo cuộc sống cho vợ con, bởi thời điểm đó giá dầu rớt giá nghiêm trọng và anh có thể mất việc bất cứ lúc nào. Chị Thư đưa ra giải pháp là cả hai cùng sống và làm việc ở Việt Nam nhưng David chỉ im lặng. 1 tuần, 2 tuần rồi 3 tuần, chị Thư quyết định từ bỏ dù lòng vẫn day dứt. Chị ước giá mà anh nói lí do là anh không còn yêu chị nữa, đằng này...
Chia tay trong khi tình cảm vẫn còn cực kỳ sâu đậm, chị Thư và David sau đó đã không kìm được lòng mà gặp nhau ở Thái Lan. Rồi anh lại đưa chị sang Anh thăm gia đình. Càng ở bên David, chị Thư càng cảm nhận rõ mong muốn được có con với anh, được cùng anh xây dựng tổ ấm đầy ắp hạnh phúc và tiếng cười.
Câu chuyện tình yêu giữa chị Thư và anh David có lẽ ngay từ đầu đã được định sẵn là sóng gió. Sau hàng loạt rào cản nêu trên, một ngày nọ, chị lại bất ngờ nhận được điện thoại người mình yêu thông báo anh bị ung thư trực tràng giai đoạn đầu. Anh David khi đó sắp sửa trải qua một cuộc phẫu thuật và muốn có chị ở bên.
Chị Thư lập tức xin visa bay sang Bahrain mà không chần chừ thêm một phút giây nào. Đối với chị, ngày anh vào phòng mổ cũng chính là ngày kinh hoàng và dài nhất cuộc đời. Chị từng viết trên trang cá nhân những dòng nhật ký kể về ngay hai người cùng giành giật mạng sống với Tử thần:
"7h30' a.m: Đưa anh vào phòng mổ, mình như ngồi trên lò than, cầm dây chuỗi đi lại trước phòng mổ rồi cầu nguyện.
11h30' a.m: Một y tá tới bên cạnh mình khuyên mình ăn chút gì và trấn an. Mình về phòng bệnh nhân nằm chờ, chẳng có tâm trí nào để ăn.
3h30' p.m mình gọi đồ ăn nhưng không nuốt nổi. Lúc đó mình nghe tiếng cãi nhau và tiếng khóc, loáng thoáng còn có người nhắc đến "David". Mình sợ muốn lịm đi. Anh vốn mắc chứng máu khó đông. Ca phẫu thuật có quá nhiều rủi ro... Lấy lại bình tĩnh, tự trấn an bản thân, mình chạy lên phòng mổ. Thấy đèn báo vẫn sáng, mình hỏi y tá, họ bảo vẫn còn đang mổ.
5h00' p.m: Vẫn ko thấy tin tức gì từ y tá.
5.30pm: Mình bắt đầu thấy không ổn, mình gọi cho vợ của bạn anh ấy. Mình sợ ở đất nước xa xôi này, nếu nhận tin dữ chắc mình sẽ chết mất thôi. Chị bạn nhận được tin và lập tức đến.
6h00 p.m: Y tá đến gõ cửa, mình theo chị đến văn phòng, mỗi bước đi như có gai châm. Mình đã nghĩ rằng ca mổ không thành công.
Bước vào phòng, mình run rẩy mở cửa. Anh nằm đó, bất động, với dây thở oxy, ống dẫn khắp người. Y tá kêu mình đến gần, cô ấy đánh thức anh dậy, mình cầm tay anh. Anh mở mắt nhìn mình, ko nói gì được vì ống thở oxy, anh bóp nhẹ tay mình.
- I am here, do you hear me?
Anh chớp mắt, gật nhẹ đầu, rồi thiếp vào giấc ngủ".
Ca mổ thành công, chị Thư không tin vào điều đang diễn ra trước mắt mình. Quá vui mừng và hạnh phúc, chị rối rít cảm ơn bác sĩ và báo tin cho người nhà anh ở Anh. Xong xuôi tất cả, chị mới khóc như một đứa trẻ.
Có nhiều người hẳn sẽ thắc mắc rằng chị Thư khi đó đối với anh chỉ là một người phụ nữ không danh phận, tương lai hai người bấp bênh chẳng kém, vậy tại sao vẫn lập tức bay đến bên anh? Câu trả lời của chị Thư là: "Mình không mấy quan tâm chuyện danh phận. Tình cảm giữa mình và anh là thật và mối quan hệ cũng đường hoàng chính chính, không tranh vợ cướp chồng ai. Nghe tin dữ, mình đơn giản chỉ nghĩ sẽ cùng anh vượt qua ải này".
Sau cuộc phẫu thuật, anh David dần hồi phục và bắt đầu tập đi lại. Những ngày tháng đó, chị Thư ở bệnh viện cùng anh 24/24. Ngày anh ngồi dậy được, sau buổi tập đi, chị Thư giúp anh ngồi, lau người cho anh. Khi chị ngồi xuống phía đối diện và hỏi David cảm thấy trong người thế nào thì anh đột ngột nói: "Thư, will you marry me?".
Chị Thư giật mình, tưởng rằng David vẫn đang "xỉn thuốc mê". Anh lặp lại câu hỏi với chị: "Will you marry me?". Mất một lúc chị mới hiểu rằng có người đang cầu hôn mình. Trời xui đất khiến thế nào chị buột miệng nói "Yes". Anh ôm chị, mắt rưng rưng: "Anh muốn nhìn thấy em mỗi ngày, như anh nhìn thấy em mỗi khi anh thức dậy khi anh nằm ở đây".
1 tháng sau khi David ngỏ lời, chị Thư phát hiện mình mang bầu. Anh hạnh phúc lắm, cười suốt như một đứa trẻ. Những ngày chị Thư nghén ngẩm, David nhẫn nhịn bất kể vợ khó tính thế nào. Ngày vợ sinh, anh túc trực bên chị giống như chị từng làm khi anh rơi vào nguy hiểm. Khi bé con chào đời, bé khóc là anh rơi nước mắt theo bởi anh hiểu vợ đã phải chịu nhiều đau đớn.
Cùng dìu nhau qua "cửa tử", chị Thư và David hiểu rõ ý nghĩa của sự sống, của tình yêu và hạnh phúc hơn bất kỳ cặp đôi nào. Sau khi kết hôn, David tỏ rõ mình là một người chồng, người cha mẫu mực. Anh lúc nào cũng nghĩ đến vợ, thích trò chuyện với vợ, chuyện gì cũng kể với vợ đầu tiên. Dù đã là vợ chồng nhưng David không khi nào quên nói yêu chị Thư, bất ngờ ôm hôn chị, dành cho chị những điều ngọt ngào.
Kết hôn khá muộn ở độ tuổi mà người phụ nữ nào cũng đã chồng con đề huề, chị Thư cho rằng sự chờ đợi, "kén chọn" của chị là hoàn toàn xứng đáng. Nếu chỉ vì sợ "ế" mà vớ bừa một người đàn ông, ai dám chắc chị đã có được một người chồng biết đau nỗi đau của vợ và cuộc hạnh phúc viên mãn như bây giờ?
Theo Trí Thức Trẻ