Sau bữa tối vui vẻ cùng gia đình, cô gái họ Xu, 27 tuổi (ở Đài Loan, Trung Quốc) đột nhiên ngất xỉu. Ngay lập tức, người nhà gọi xe cấp cứu đưa cô tới bệnh viện.
Ảnh minh họa
Tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết bệnh nhân ở trong tình trạng hôn mê và mất nước nghiêm trọng. Chỉ số đường huyết cao tới mức nguy hiểm là 625 mg/dL, huyết sắc tố glycated là 18,8%. Trong khi chỉ số đường huyết khi đói của người bình thường từ 70 - 130 mg/dL còn huyết sắc tố là 4 - 5,7%. Kết luận bệnh nhân bị các biến chứng tiểu đường cấp tính dẫn tới hôn mê, suy thận và rối loạn hô hấp.
Bệnh nhân được lọc máu, đặt ống nội khí quản và hỗ trợ máy thở. May mắn là đến bệnh viện và cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm tính mạng. Bệnh nhân được chuyển sang phòng chăm sóc đặc biệt, điều trị tích cực trong hai ngày và hiện được chuyển sang phòng bệnh thường tiếp tục theo dõi.
Sở thích uống trà sữa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Ảnh minh họa
Qua cơn nguy kịch, cô gái vô cùng ngạc nhiên khi được thông báo mình mắc bệnh tiểu đường khi còn quá trẻ. Không những thế, cô cũng là người ít khi đau ốm và còn thường xuyên tập yoga, chạy bộ giữ dáng.
Tuy nhiên, chính lời thú nhận của cô đã khiến sự thật được phơi bày. Hóa ra, để đối phó với áp lực công việc, cô thường xuyên uống trà sữa, có ngày cô uống tới 2 - 3 cốc. Cũng vì vậy, cô sợ tăng cân nên bắt đầu tập luyện thể dục. Nhưng cô không ngờ mình lại mắc bệnh tiểu đường từ lâu.
Bác sĩ cho biết, rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi không hề hay biết mình mắc tiểu đường cho tới khi nhập viện bởi các biến chứng cấp tính, mạn tính mức độ nặng. Với trường hợp của nữ bệnh nhân này, cô vốn bị tiểu đường đã lâu, trước đó đã thường xuyên có các dấu hiệu như: khát nước, hay khô miệng, tiểu đêm, nhanh đói, ăn nhiều vẫn sụt cân nhưng lại chủ quan.
Ngày cô nhập viện, cô đã uống liền 3 cốc trà sữa, cộng với việc ăn nhiều các món dầu mỡ, bánh ngọt tráng miệng... khiến lượng đường đột ngột tăng cao. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến cơ thể quá tải, dẫn tới nhiễm toan ceton.
Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tiểu đường
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường giai đoạn đầu rất khó xác định do không điển hình và dễ nhầm lẫn với triệu chứng các bệnh khác. Tuy nhiên, bệnh tiểu đường cũng có những biểu hiện cụ thể sau:
Ảnh minh họa
Khát nước và uống nước nhiều
Triệu chứng đầu tiên khi mắc bệnh đái tháo đường, bạn sẽ cảm thấy khát hơn bình thường. Tuy nhiên, cần phân biệt với tình trạng khát nước uống nhiều nước do mất nước.
Ăn nhiều nhưng sụt cân
Glucose trong máu người bị đái tháo đường tăng cao, không thể sử dụng để chuyển hóa năng lượng được nên chất béo sẽ là nguồn thay thế để sử dụng tạo ra năng lượng cho cơ thể. Điều này dẫn đến sụt cân đột ngột. Người bệnh ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, mà lại gầy sút cân nhanh.
Đi tiểu nhiều lần và lượng nước tiểu tăng cao
Nếu bạn đi tiểu nhiều cùng với lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường, chất lượng nước tiểu bình thường, tiểu không gắt buốt… đó là dấu hiệu sớm nghĩ đến bệnh đái tháo đường.
Mệt mỏi thường xuyên
Trong giai đoạn mắc bệnh đái tháo đường, lượng glucose vẫn sẽ lưu thông trong cơ thể bạn. Nhưng do thiếu insulin, glucose sẽ không được chuyển hóa thành năng lượng nuôi dưỡng cơ thể. Mặt khác, do mất nhiều năng lượng do đào thải glucose qua đường tiểu nên dẫn đến sự mệt mỏi quá mức của cơ thể, suy nhược.
Xuất hiện nhiều vết thâm nám
Bệnh đái tháo đường đồng nghĩa với sức khỏe làn da bị ảnh hưởng, trên da sẽ xuất hiện nhiều vết thâm sẫm màu ở một số vùng, đặc biệt là ở những nơi có nếp nhăn hoặc nếp gấp da.
Vết thương lâu lành
Người bệnh đái tháo đường có hệ thống miễn dịch bị tổn thương, tổn thương lòng mạch, tắc mạch máu hoại tử cơ quan bộ phận, vì thế dẫn đến việc các vết thương ngoài da khó lành, đôi khi hoại tử nhiễm trùng.
Theo Sức Khỏe & Đới Sống