Những năm gần đây, nhiều hành vi khoe của ở Trung Quốc vấp phải nhiều phản ứng trái chiều.
Su Mang, nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực thời trang ở Trung Quốc, từng phát biểu trong một chương trình cho rằng tiền ăn hàng ngày 650 NDT (khoảng 2 triệu đồng) là quá nhỏ, khiến mạng xã hội nảy ra cuộc tranh cãi gay gắt.
Không những vậy, Su Mang còn đặc biệt nhấn mạnh: "Tôi không thể ăn một bữa ăn tồi tệ như vậy". Phát ngôn ấy đã khiến không ít người bất bình.
Mặc dù sau đó cô lên tiếng giải thích rằng bản thân không có ý ám chỉ những người khác nhưng cư dân mạng không chấp nhận.
Truyền thông nhận định, "văn hoá" công khai khoe của cải ở Trung Quốc không còn được săn đón như trước, thay vào đó, nó đang dần bị công chúng ghét bỏ.
Các chuyên gia truyền thông kỹ thuật số thuộc viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne ở Trung Quốc chỉ ra một phần nguyên nhân. Đó là do những người nổi tiếng, đặc biệt là thế hệ giàu có, nhìn bề ngoài đang làm những công việc nhẹ nhàng nhưng mức thu nhập vượt xa nhiều lao động phổ thông.
Ngoài ra, John Osburg, tác giả cuốn "Sự giàu có đáng lo ngại: Tiền bạc và đạo đức của những người giàu mới ở Trung Quốc", cũng chỉ ra rằng khi tầng lớp trung lưu tăng lên, nhiều người có học thức cao coi việc khoe khoang sự giàu có là một hành vi thiếu chuẩn mực. Điều này đã dần dần dẫn đến sự phân hóa trong xã hội.
Kỷ nguyên "khoe của" toàn dân
Sự khác biệt giàu nghèo đã có từ hàng nghìn năm nay. Song ngày nay, với sự phát triển của mạng xã hội, hình ảnh người giàu đã trở thành rõ nét thông qua các bức ảnh và video trên internet.
Các chương trình truyền hình thực tế coi việc phô trương sự giàu có là một công việc kinh doanh và chia sẻ về cuộc sống của giới nhà giàu vì thu hút sự quan tâm của nhiều người xem.
Từ xa xưa, người Trung Quốc có thói quen tiết kiệm và lối sống kín tiếng. Tuy nhiên, theo thời gian, con người thay đổi tiêu chuẩn, theo đó những người càng kiếm được nhiều tiền thì càng thành công.
Dưới sự dẫn dắt của một môi trường xã hội như vậy, chủ nghĩa tiêu dùng đã chiếm ưu thế và xu hướng phô trương sự giàu có bắt đầu.
Đi ăn ở nhà hàng cao cấp thì phải chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội, nếu không thì coi như bạn chưa từng đến. Đi du lịch, ở trong khách sạn năm sao phải nhanh chóng cập nhật với những người bạn của mình.
Ngay cả khi không đủ tiền mua một chiếc xe hơi nổi tiếng, bạn vẫn có thể mua một chiếc túi xách hàng hiệu đã qua sử dụng và một vài thỏi son hàng hiệu để tạo thêm sự tự tin cho bản thân.
Chỉ xét riêng về tiêu dùng và lối sống, ngày càng có nhiều người có khả năng mua "biểu tượng của sự giàu có", và ranh giới ai là người giàu đã dần bị xóa nhòa.
Ngày nay, khi tìm kiếm "khoe khoang sự giàu có" trên Douyin có thể dễ dàng thấy những video có hàng triệu lượt xem. Học sinh tiểu học cũng học cách khoe chiếc hộp đựng bút chì trị giá 2.000 USD...
Hình minh họa (Nguồn: Brightwater)
Đỉnh cao của "khoe" nằm ở ba điểm này
Thứ nhất, khoe hiểu biết
Đọc sách là một cách để nâng cao nhận thức và là cầu nối với thế giới tri thức. Đọc nhiều sách không chỉ giúp tăng khả năng diễn đạt của bản thân mà còn tăng chiều sâu tư duy và tầm nhìn xa hơn của con người.
Thứ hai, một thái độ sống tốt
Con người, không chỉ cần vẻ ngoài thanh tú mà còn cần cả sự trưởng thành bên trong, đây chính là cốt cách khắc sâu trong xương.
Và một người có thái độ sống tốt thực sự đáng để khoe khoang, bởi vì đó là giá trị quý báu cần được lan tỏa.
Thứ ba, lòng tốt xuất phát từ trái tim
Bacon nói: "Những người khoe mẽ bị những người khôn ngoan khinh thường, những kẻ ngu si ngưỡng mộ, những kẻ xu nịnh nịnh hót, đồng thời họ cũng là nô lệ cho những lời họ khoe khoang".
Sự phô trương thực sự không nằm ở số tiền hay địa vị, mà nằm ở trái tim của một người có nhân ái, rộng mở và tràn đầy sức mạnh tích cực hay không.
Theo Nhịp Sống Kinh tế