Khi đến chung vui cùng cô dâu, chú rể thì những vị khách mời luôn đem theo những chiếc phong bì mừng cưới để chúc mừng hạnh phúc. Tùy theo điều kiện kinh tế, mỗi người sẽ dành ra một khoản tiền khác nhau để gửi đến cặp vợ chồng son.
Ngoài những khách mời đến dự hôn lễ thì vẫn có nhiều người chọn cách gửi phong bì vì không thể tham dự. Tuy nhiên, không phải ai cũng như cô gái dưới đây, dù không biết mặt cô dâu chú rể mà vẫn "nhắm mắt" gửi 500 nghìn mừng cưới vì tục lệ ở quê phải vậy.
Đi đám cưới mừng bao nhiêu cho hợp lý là điều mà nhiều khách được mời cân nhắc. (Ảnh minh họa: docbao)
Câu chuyện đã được chia sẻ mới đây nhận được sự quan tâm của nhiều người. Cụ thể, chị Ngân Hà (28 tuổi), đang là nhân viên văn phòng tại Hà Nội đã giật mình khi kiểm kê lại chi tiêu của mình trong tháng vừa qua.
Theo đó, chị đã chi gần 3/4 số lương của mình cho việc đi ăn cưới. Chị Ngân Hà nói: “Mình thường mừng mức chung là 500.000 đồng, còn bạn thân hay họ hàng 1 triệu đồng.
Mình bỏ phong bì dựa theo mối quan hệ, còn cỗ bàn mời ở khách sạn hay tại gia không quá ảnh hưởng. Mỗi tháng chỉ cần có 4-5 đám là thấy đau đầu”.
Tùy theo điều kiện kinh tế cũng như địa điểm tổ chức tiệc cưới mà khách mời sẽ quyết định đi phong bì bao nhiêu. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Chị Hà cho biết, không phải đám cưới nào được mời là chị cũng đều đến dự. Với những bạn bè cũ, cả năm không nói chuyện bỗng dưng nhắn tin gọi điện để gửi thiệp mời thì chị cũng sẽ cân nhắc.
Tuy nhiên, có những đám cưới không thể từ chối được. Dù không biết mặt cô dâu chú rể nhưng mẹ chị ở quê vẫn gọi điện lên nhắc con gái mừng 500.000 đồng kể cả không về ăn cỗ.
Ngoài lời chúc thì khách mời cũng sẽ gửi phong bì để mừng hạnh phúc cô dâu, chú rể. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Chị Hà chia sẻ thêm: “Hôm trước anh họ ở quê lấy vợ, mẹ bắt mình mừng 500.000 đồng dù không về ăn cỗ. Mình thậm chí không nhớ mặt người họ hàng này.
Nhiều khi đó là phong tục ở quê, không đi không được. Với bạn bè không thân hay quen biết xã giao, mình không dự cũng không gửi phong bì vì nghĩ khi cưới sẽ không mời đến”.
Cô dâu chú rể luôn muốn lễ cưới có sự góp mặt của đầy đủ người thân, bạn bè. (Ảnh minh họa: J.W)
Đi phong bì đám cưới sao cho bản thân dễ chịu, cô dâu chú rể vui mừng là điều khiến nhiều người cân nhắc. (Ảnh minh họa: J.W)
Trên thực tế, việc đi phong bì bao nhiêu thường dựa vào mối quan hệ giữa khách mời và cô dâu, chú rể. Bên cạnh đó, tiệc đã và tình hình tài chính cá nhân cũng là yếu tố gây ảnh hưởng ít nhiều.
Và khi nhận được thiệp những người chỉ quen chứ không thân, nhiều khách mời đã cân nhắc khá nhiều mới có thể quyết định được đi phong bì mừng bao nhiêu. Trước đó, một bạn trẻ cũng từng chia sẻ bí quyết đi phong bì sao cho bản thân cảm thấy dễ chịu, cô dâu chú rể vui mừng.
Nhiều người cho rằng, nếu là xã giao thì có thể đi phong bì ít hơn so với người thân. (Ảnh minh họa: Beatvn)
Người này chia sẻ trên báo chí rằng việc đầu tiên là khách mời phải xác định độ thân thiết với cô dâu chú rể. Thân thì đi ít khoảng 1 triệu đồng còn nếu không có kinh nghiệm thì đi 500 nghìn đồng là đủ.
Với bạn xã giao thì có thể chỉ cần mừng khoảng 300 - 500 nghìn đồng. Trong trường hợp cô dâu chú rể tổ chức tiệc trong nhà hàng thì đi 300 nghìn đồng cũng rất kì nên hãy tham khảo giá cả để gửi phong bì sao cho hợp lý.
Đi ăn cỗ gửi phong bì chúc phúc cho câu dâu chú rể cũng là một phép lịch sự. (Ảnh minh họa: Beatvn)
Dù quen biết hay thân thiết với cô dâu chú rể thì việc đi phong bì cũng nên xuất phát từ tình cảm chân thành. (Ảnh minh họa: Beatvn)
Bên cạnh đó, mọi người cũng cần xác định đám cưới được mời là ở quê hay ở thành phố. Nếu ở thành phố giá cả đắt đỏ hơn thì chúng ta có thể đi mừng cưới nhiều hơn một chút.
Còn ở quê chỉ cần dao động khoảng 200 - 500 nghìn những mối quan hệ xã giao, không thân thiết. Và cuối cùng, trước khi bỏ phong bì thì bạn có thể tham khảo đồng nghiệp để không bị lạc lõng, đi quá ít hoặc quá nhiều khiến bản thân cảm thấy khó xử.
Theo Thể Thao & Văn Hóa