Tổng điểm 28,5 của ba môn (Văn: 9.25, Sử: 9.5, Địa: 9.75) là số điểm “không tưởng” Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh năm 1997, Lạng Sơn) đạt được trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016. Với điểm số “ngất ngưởng” này, Kim Ngân đã đạt danh hiệu thủ khoa khối C cả nước.

Kim Ngân - thủ khoa khối C toàn quốc năm 2016. 

“Đạt điểm cao khối C không khó”

Văn, Sử, Địa trước nay vẫn được xem là những môn khó đạt điểm cao. Thế nhưng, cô gái Lạng Sơn - Nguyễn Thị Kim Ngân đã phá vỡ quan niệm đó bằng số điểm chót vót, không kém sĩ tử của các khối thi khác. Được cộng thêm 1,5 điểm vùng, tổng số điểm Ngân có được trong kỳ thi đại học năm nay là tròn 30 điểm.

Ngày công bố điểm thi, Ngân đang lúi húi rửa bán thuê ở một quán phở gần nhà. Nghe nói đã có điểm, Ngân bỏ lại đống bát ngổn ngang, vội vã chạy về nhà kiểm tra lại số báo danh để dò điểm. Những con số 9.25, 9.5, 9.75 lần lượt hiện ra trước mắt khiến cô “đơ người”, phải đến vài phút sau mới có thể định thần và tin rằng đó là số điểm mình đạt được. Cô hét lên: “Mẹ ơi, đỗ rồi”, ngay lập tức, căn nhà “rung chuyển” bởi tiếng reo hò của tất cả các thành viên.

Kể đến đây, cô gái 19 tuổi bỗng bật cười: “Mẹ mình hôm đó ốm mà vẫn hét khỏe lắm. Khoảnh khắc ấy mình không bao giờ quên được, ai nấy đều vỡ òa hạnh phúc xem đó là thành công của cả nhà chứ chẳng phải riêng mình. Đến hôm sau biết mình là thủ khoa của cụm thi, rồi thủ khoa khối C cả nước… niềm vui càng nhân lên gấp bội. Nhưng hôm nay thì mình “hạ cánh” xuống đất rồi”.

Khi được hỏi về bí quyết học – thi tốt ba môn khối C, Ngân đáp gọn lỏn: “Nghĩ khó thành khó mà nghĩ dễ lại rất dễ”. Bí quyết của cô nàng chỉ nằm vỏn vẹn trong vài từ: “Học những gì thật sự thích”.


Cả ba môn khối C đều là những môn "thật sự yêu thích" của Kim Ngân.

Ngân thích môn Văn từ nhỏ, đây cũng là môn chuyên cô nàng theo ngay khi vào học cấp 3. Khác với hầu hết học sinh, Ngân không viết văn theo sự hướng dẫn cụ thể của giáo viên mà thường viết theo suy ngẫm, cảm nhận của riêng mình. Ngân cười bảo, may sao cô được trời phú cho tâm hồn bay bổng.

Nữ thủ khoa khối C thường coi những bài học lịch sử như câu chuyện dài của thời cha ông và mình là người kể lại. Việc duy nhất cô phải làm là nhớ chính xác các mốc thời gian và nắm rõ sự kiện chính.

Riêng môn Địa, Ngân xem đây là một “cuộc phiêu lưu”. Cô quan niệm, học Địa không chỉ để thi mà còn để hiểu biết bởi các kiến thức được học rất gần gũi như các hiện tượng tự nhiên, các vùng kinh tế - xã hội ở Việt Nam, trên thế giới. Bằng việc đơn giản hóa mọi thứ như thế, Ngân đã “ẵm” số điểm cao không tưởng

“Hoa nở muộn lại là bông hoa đẹp nhất”

Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 là lần thứ 2 Kim Ngân “vượt vũ môn”. Năm trước, cũng với 3 môn khối C, Ngân giành được 25,5 điểm, cộng thêm 1,5 điểm vùng và 1 điểm ưu tiên giải Khuyến khích HSG quốc gia môn Văn. Với tổng điểm 28, cô nàng vẫn không thể đỗ vào ngôi trường mơ ước – trường Học viện An ninh.


Kim Ngân (bên trái) và em gái ruột.

Trúng tuyển nguyện vọng 2 trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Ngân khăn gói xuống Thủ đô học tập nhưng vẫn không từ bỏ mơ trở thành nữ công an nhân dân.

Học hết kỳ 1, Ngân quyết định xin bảo lưu kết quả, về quê tập trung ôn thi ĐH lần 2. Nói là tập trung nhưng trong khoảng thời gian ít ỏi này, cô gái 19 tuổi vẫn đi làm thuê cho một quán phở gần nhà, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Công việc của cô là rửa bát, bưng bê, lau dọn quán, bắt đầu từ 5h30 sáng và kết thúc vào lúc 11 giờ trưa. Mỗi buổi như vậy, Ngân được trả 70.000 đồng. Thời gian còn lại, Ngân đến lớp ôn thi và học tại nhà.

Nhà Ngân có ba chị em, chị lớn nghỉ học từ năm lớp 9, còn Ngân và em gái năm nay cùng thi đại học. Bố mẹ cô sáng nào cũng dậy từ 3h sáng làm đậu phụ rồi đem ra chợ bán, tuy vất vả, cực nhọc nhưng cũng có đồng ra đồng vào. "

Bố mẹ không để mình phải thiếu thốn gì, cũng không túng bấn đến mức không lo được cho mình ôn thi đại học. Nhưng mình nghĩ, có ở nhà thì cũng không thể cắm đầu vào sách vở cả ngày được, chi bằng đi làm thêm gì đó cho khuây khỏa lại có tiền chi tiêu”, Ngân chia sẻ.


Vừa rửa bát thuê vừa ôn thi, cô gái Lạng Sơn vẫn đỗ thủ khoa khối C cả nước.

Công việc làm thêm chiếm khá nhiều thời gian nên Ngân thường tranh thủ ôn thi vào buổi tối. Có những hôm, dù thức học bài đến 12h đêm nhưng 5h sáng hôm sau, Ngân vẫn dậy, tỉnh táo đi làm.

Phải đến gần ngày thi, Ngân mới xin nghỉ để ôn nước rút. Vừa thi xong ít ngày, cô lại tiếp tục tìm đến quán lẩu gần nhà xin làm thêm vì không muốn… lãng phí thời gian. Hiện giờ, mỗi ngày cô làm việc hơn 10 tiếng từ 8h sáng đến 10h tối.

Từng trượt đại học nhưng Kim Ngân không hề buồn chán hay thất vọng. Ngân nói, vì đã cố gắng hết mình nên chuyện đỗ, trượt với cô chỉ còn là chuyện “học tài thi phận”.

Nữ thủ khoa khối C còn cảm ơn thất bại từ kỳ thi năm ngoái bởi một năm học lại đã cho cô quá nhiều cơ hội trải nghiệm và cố gắng vươn đến thành tích cao nhất. Cô có thêm thời gian đọc sách, có thêm thì giờ để suy nghĩ về hướng đi trong tương lai, rằng trường An ninh có phải là sự lựa chọn tốt nhất như cô và gia đình vẫn nghĩ.

“Có một người anh nói với mình: Những người chưa bao giờ thất bại sẽ không bao giờ hiểu được giá trị mà thất bại mang lại. Một năm qua cho mình nhiều thứ và biết đâu, bông hoa nở muộn lại là bông hoa đẹp nhất”, Ngân cười.

 

Theo Dân Việt