"19 nhân dân tệ", chủ cửa hàng măng tây nói.

"Anh có thể cho tôi thêm một chiếc túi đựng không? Tôi sẽ trả thêm tiền", khách hàng đáp lại. Trên tay người này đã cầm sẵn 3 chiếc túi với những màu sắc khác nhau.

Đó là cảnh tượng quen thuộc khi khu chợ truyền thống Wuzhong ở trung tâm thành phố Thượng Hải tổ chức tiếp thị cùng với thương hiệu thời trang Prada vào cuối tháng 9, theo Global Times.

Giá rau quả ở chợ vẫn giữ nguyên. Nhưng khách hàng mua sắm với hóa đơn trên 20 nhân dân tệ sẽ nhận được túi đựng của Prada. Các loại thực phẩm ở đây cũng được gói trong bọc giấy do thương hiệu sản xuất.

Cô gái vứt rau để lấy túi giấy Prada gây tranh cãi ở Trung Quốc-1
Chợ truyền thống ở Thượng Hải thu hút sự chú ý khi kết hợp với Prada. 

"Chợ rau Prada" nhanh chóng thu hút đông đảo người trẻ, trong đó có nhiều blogger, tới chụp ảnh, check-in. Tuy nhiên, thay vì mua sắm hàng hóa, không ít người thừa nhận họ chỉ đến đây tham quan hoặc cố gắng kiếm lấy một chiếc túi đựng của thương hiệu thời trang cao cấp.

"Đó là sản phẩm Prada duy nhất mà tôi có thể mua được. Bạn không thể mua những chiếc túi này với giá 50 nhân dân tệ ở chỗ khác", một người bình luận.

Vứt rau để lấy túi đựng

Khách hàng tràn vào chợ, trong những đôi giày cao gót, quần áo cầu kỳ, lớp trang điểm đậm. Họ chọn nho, dứa, gừng và thậm chí cả trứng được bọc trong nhãn hiệu Prada chỉ để chụp ảnh.

Nhiều người vẫn cho những món đồ họ mua vào những chiếc túi nhựa do chủ quầy cung cấp để chiếc túi có logo Prada không bị hư hỏng.

Chiến dịch tiếp thị này đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh cho khu chợ.

"Chợ đông khách hơn bao giờ hết. Trước đây, người bán còn nhiều hơn người mua. Nhưng hiện tại có rất nhiều khách trẻ tuổi", một người dân địa phương họ Liu nói.

"Tôi rất vui khi thấy rằng chiến dịch đã biến khu chợ thành một phòng trưng bày nghệ thuật, khiến việc mua sắm hàng hóa trở thành thú vui tinh thần. Bạn sẽ thấy măng tây và cần tây trong những bao bì đẹp mắt. Chúng giống như những tác phẩm nghệ thuật vậy", Liu nói thêm.

Cô gái vứt rau để lấy túi giấy Prada gây tranh cãi ở Trung Quốc-2
Cô gái ném rau cần tây vào thùng rác để lấy túi đựng Prada

Tuy nhiên không phải ai cũng hài lòng về sự thay đổi này, nhất là khi văn hóa người có ảnh hưởng đang chiếm lĩnh thị trường.

"Tôi hy vọng nó có thể kết thúc sớm hơn", một người bán rau phàn nàn. "Doanh số bán hàng không tăng nhiều. Khách chủ yếu đến xem nhưng không mua gì".

Cuộc tranh luận trở nên ồn ào hơn khi bức ảnh một cô gái thẳng tay ném bó cần tây vừa mua vào thùng rác, chỉ để lấy túi đựng của Prada được chụp tại khu chợ và lan truyền trên mạng xã hội.

Trong một phóng sự hôm 11/10, đài truyền hình CCTV đã lên tiếng chỉ trích hành động lãng phí này.

"Có vẻ nhiều người đang bị mờ mắt trước ánh đèn flash và sự hào nhoáng của những món đồ xa xỉ. Trong mắt một số người, giá trị của một bó cần tây không bằng một chiếc túi giấy Prada".

Cơn khát hàng xa xỉ tại Trung Quốc

Bất chấp ý kiến ủng hộ hay phản đối, "chợ rau Prada" vẫn nổi tiếng với giới trẻ và phổ biến trong các bức ảnh check-in trên mạng xã hội.

Điều đó phần nào phản ánh cơn khát của người Trung Quốc đối với hàng xa xỉ, theo Global Times.

Cô gái vứt rau để lấy túi giấy Prada gây tranh cãi ở Trung Quốc-3
Phương thức tiếp thị của Prada gây tranh cãi về hiệu quả và sự lãng phí.

Trong năm qua, thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc đồng loạt bùng nổ, tăng gần 50%, đạt giá trị hơn 50 tỷ USD. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự thu hẹp của thị trường toàn cầu, đặc biệt tại khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và thị trường Nhật Bản.

So với nửa đầu năm 2019, doanh số bán hàng của Prada tại Trung Quốc đã tăng trưởng 77% trong năm nay, theo kết quả tài chính của tập đoàn vào cuối tháng 6.

Ở quốc gia tỷ dân, người tiêu dùng thuộc gen Z chiếm tỷ lệ 10-15%, cao nhất trên thế giới và gần gấp đôi ở châu Âu và Bắc Mỹ. Gen Z Trung Quốc cũng là nhóm người tiêu dùng lạc quan nhất.

Sau các đợt phong tỏa hồi đầu năm 2020, nhóm khách hàng trẻ có xu hướng "mua sắm trả thù" (revenge spending).

Không còn cơ hội đi du lịch, những người này tiêu tiền vào các mặt hàng xa xỉ bán trong nước: đồ da, đồ thời trang, trang sức... mà lẽ ra họ sẽ chi khi đi chơi ở châu Âu, các khu vực khác của châu Á hoặc Mỹ.

Theo Zing