Mạng xã hội phát triển, chưa bao giờ việc dạy và học trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Hiện tại, chỉ cần một thiết bị điện tử có kết nối mạng là các bạn học sinh có thể học bất kỳ thứ gì.
Tuy nhiên, như một đồng xu hai mặt, chính sự phát triển này cũng đem lại không ít phiền toái cho một bộ phận những nhà sáng tạo nội dung làm về chủ đề giáo dục.
Cô N.T.T là một giáo viên Ngữ văn đã về hưu, nhưng với niềm đam mê với dạy học và văn chương, nên cô đã quyết định mở một kênh TikTok chuyên chia sẻ kiến thức văn học đến các em học sinh.
Phong cách dạy văn của cô được đánh giá là khá gần gũi, thực tế, mộc mạc và cô đã giúp nhiều học sinh yêu môn Văn hơn.
Dù đã về hưu nhưng cô giáo này vẫn cống hiến những bài giảng của mình lên TikTok để lan tỏa nguồn cảm hứng học văn cho mọi người
Với xuất phát điểm hết sức nhân văn là lan tỏa niềm đam mê văn chương đến mọi người, tuy nhiên những ngày gần đây, bên dưới video giảng bài do cô đăng tải xuất hiện khá nhiều comment khiếm nhã đến từ một bộ phận học sinh khiến ai đọc xong cũng "lắc đầu ngao ngán": “Em không thấm nổi cô ơi”, “Nghỉ hưu rồi, nghỉ thôi cô, dạy dỗ gì nữa”, “Cô mà dạy văn cho lớp em thì 10 tiết em ngủ cả 10”, “Thôi cô dạy làm gì nữa, tuổi này nghỉ ngơi đi”...
Một số bình luận bên dưới video của cô giáo về hưu
Hành động của một bộ phận học sinh này khiến mọi người vô cùng bức xúc. Thứ nhất, cô giáo N.T.T ở độ tuổi ông, bà của họ, nên quy tắc tối thiểu là phải “kính trên nhường dưới”. Việc những học sinh kia có ngôn từ thiếu lễ phép, thậm chí bất kính với người lớn tuổi là không thể chấp nhận được.
Đó còn chưa kể đến việc, cô N.T.T còn là một giáo viên kỳ cựu nhiều năm cống hiến cho giáo dục. Dù nay đã về hưu, vượt qua khoảng cách thế hệ, cô vẫn tập tành chơi TikTok và đăng tải những video giảng bài tâm huyết.
Từ xưa đến nay, tinh thần “tôn sư trọng đạo” là giá trị mà bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng hướng đến.
Dù đó không phải cô giáo từng dạy bạn, dù có thể là giáo viên mà bạn chưa từng gặp trước đó, nhưng việc thể hiện sự tôn trọng với họ là quy tắc ứng xử cơ bản mà bất kì học sinh nào đã, đang và sẽ ngồi trên ghế nhà trường đều phải biết.
Ở một diễn biến khác, có thể phong cách dạy văn của cô N.T.T không hợp với tất cả mọi người, nhưng vẫn có không ít bạn trẻ cảm thấy những kiến thức cô truyền tải mang lại giá trị cho họ, giúp họ cải thiện điểm số trong các kỳ thi cùng với đó là xây dựng niềm yêu văn chương trong họ.
Nếu bạn không thích, thì có thể chọn lướt qua, chứ đừng bình luận kém văn minh cho một người đáng tuổi ông bà mình.
Cuối cùng, những bạn trẻ này cũng cần chỉnh đốn lại cách sử dụng mạng xã hội của mình. Mạng xã hội không phải là nơi nằm ngoài rìa pháp luật và đừng nghĩ đứng sau màn hình muốn gõ gì thì gõ, muốn xúc phạm ai thì xúc phạm.
Những hành vi độc hại trên không gian mạng cần được ngăn chặn để tránh những hậu quả đáng tiếc về sau.
Theo Người Đưa Tin