Có một thế hệ trẻ lớn lên cùng Internet

Sau 20 năm xuất hiện tại Việt Nam, Internet đã thay đổi cách người trẻ nhìn nhận thế giới. Internet giúp một thế hệ giải quyết vấn đề, chứ không còn là chân trời cần khám phá.

Vài năm trước, đoạn video trên YouTube chiếu cảnh đứa bé 2 tuổi không hề tỏ ra bối rối khi điền chính xác mật mã của chiếc iPhone, lướt web thành thạo, thậm chí bàn tay nhỏ xíu làm nhiều thao tác khác nhau như ấn đúp, zoom... đã tạo ra cơn sốt với hàng triệu lượt xem.

Khi đó, thật khó để tưởng tượng một người có thể kiếm tiền bằng cách tự quay vlog, video review, hát nhép, hoặc đơn giản là đưa một tấm ảnh lên Facebook hoặc Instagram.

Có một thế hệ trẻ lớn lên cùng Internet-1

Năm 2017, mỗi người trẻ đều cố gắng xây dựng và lan truyền một một thương hiệu cá nhân nhờ Internet, mạng xã hội, YouTube, các kênh livestream... với giá trị được đo bằng thông số tương tác tỉ mỉ như lượt like, share, comment. Họ hoàn toàn có thể kiếm lợi nhuận nhờ mạng ảo.

20 năm Internet xuất hiện tại Việt Nam, có một thế hệ người Việt trẻ được sinh ra và lớn lên trong môi trường thiết bị số, màn hình cảm ứng, kết nối không dây, mạng xã hội, những tấm ảnh selfie.

Họ chứng kiến những đổi thay quan trọng, từ Internet dial-up, sự xuất hiện của iPods, MySpace, Facebook, YouTube, smartphone, tablet, cho tới công nghệ FaceID, Internet 4G, tiền ảo, hay trí thông minh AI.

Họ có những tính cách mới, ưa thích sự nhanh gọn, thông tin nóng hổi từ mỗi cú lướt chuột hay bấm đầu ngón tay. Thế giới của thế hệ này không tồn tại đường biên giới. Họ có bạn bè ở khắp nơi, đôi khi mạng lưới online còn vững chắc hơn cả những mối quan hệ thực sự.

Từ năm 1997, khi Internet còn chập chững và sơ khai tại Việt Nam, cho tới năm 2017, công nghệ thông tin đã thay đổi cách thức người trẻ nhìn nhận thế giới, cũng như cách thế giới định dạng hay gọi tên từng người.

Sau 20 năm xuất hiện và giúp Việt Nam kết nối với thế giới, giờ đây, Internet đã trở thành công cụ để một thế hệ giải quyết vấn đề, chứ không còn là chân trời mới lạ cần khám phá.

Có một thế hệ trẻ lớn lên cùng Internet-2


Phan Trọng Tân (19 tuổi, Hóc Môn, TP.HCM) nhớ cậu được tiếp xúc Internet bắt đầu vào những năm học THCS, chủ yếu tại quán "nét" gần nhà.

Những người trẻ hiện tại không thể biết được Internet bằng kết nối dial-up. Khi đó, "quán net" rất hiếm, nhà ai sở hữu dàn máy tính được xếp vào diện có điều kiện, và nếu được trang bị mạng thì đúng là có thể hãnh diện với cả phố.

Công đoạn quen thuộc để vào mạng là bật modem, nhập mật khẩu và chờ kết nối trong tiếng "tít tít, te te, rè rè" mà sau này được miêu tả "đầy thân thương những cũng rất bực mình".

Nếu ngày nay cước Internet dựa trên lưu lượng sử dụng, dial-up lại được tính theo thời gian vì dùng đường truyền điện thoại.

"Có rất nhiều công thức để tiết kiệm chi phí mạng. Dễ làm nhất là mở liên tiếp 10 trang, lưu lại, ngắt kết nối mạng rồi đọc. Hoặc, mỗi lần gửi email phải soạn sẵn trên Word, sao ra đĩa mềm, đem ra quán net để gửi. Giá vào quán mạng thời kỳ đầu là 10.000 đồng, rồi hạ xuống 5.000 đồng, cuối cùng là 'thời kỳ vàng' giá trần 3.000 đồng kéo dài vài năm", Trọng Tân nhớ lại.

Cũng vào thời điểm ấy, nhiều người trẻ từng thức thâu đêm suốt sáng cùng Yahoo, những dòng chat, emoticons. Những nick Yahoo "cool ngầu", tiếng Buzz! gọi nhau, chat webcam, những buổi trò chuyện thâu đêm, những màn tỏ tình qua mạng, các tựa game như MU, Võ Lâm Truyền Kỳ, Audition... chính là một "trời thương nhớ" của cả một thế hệ.

Mạng xã hội phổ biến ngày ấy của 8X-9X đời đầu là Yahoo! Blog 360. Không quy chuẩn như Facebook, Blog 360 cho phép người dùng tùy chọn giao diện thỏa thích, tự thể hiện cá tính. Cũng vào thời điểm này, các ký tự teen code, những bức hình "tự sướng" đời đầu, cụm từ "sống ảo", "yêu qua mạng"... đã ra đời.

Hoạt động chính của mọi người trên Internet thời kỳ đầu là tải nhạc, tra lời bài hát, đọc báo, tham gia diễn đàn. Khi đó, các admin, mod được coi như thần tượng của giới trẻ.

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ, dial-up với tốc độ rùa bò bị “khai tử”, chuyển sang Internet băng rộng (ADSL) với giá thành phù hợp so với mức thu nhập của người dân (khoảng 200.000 đồng/tháng). Internet bắt đầu được phủ sóng, len lỏi vào từng góc phố, gia đình.

Chẳng bao lâu sau, sự bùng nổ của 3G, Wimax, tiếp tới là 4G đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với 58 triệu người dùng.
 

Có một thế hệ trẻ lớn lên cùng Internet-3


Những người thuộc thế hệ Internet, sinh từ năm 1980 đến 2000, nằm trong phổ tuổi 17-37, chiếm hơn 30% dân số của Việt Nam, tương đương khoảng 30 triệu người, hoặc trưởng thành, hoặc chào đời trong thời đại công nghệ.

Không quá để nói rằng Internet đã trở thành bầu khí quyển thứ hai của họ khi mọi cách thức liên lạc, giao tiếp, thể hiện bản thân thường được thông qua không gian này. Ngược lại, Internet cũng tác động đến mọi khía cạnh cuộc sống, hình thành tính cách, phẩm chất đặc trưng của thế hệ trẻ tại Việt Nam.

Cùng với đó, sự xuất hiện của smartphone đã biến việc sử dụng mạng xã hội thành thời kỳ vàng dành cho người trẻ. Internet những năm 20XX đã trở thành công cụ xây dựng thương hiệu cá nhân của mỗi chàng trai, cô gái.

Chắc khó ai có thể quên "bộ ba sát thủ" Quỳnh Anh Shyn - An Japan - Mẫn Tiên, ba hiện tượng mạng thuở sơ khai của mạng xã hội Việt Nam. Từ ba cô gái được tìm kiếm, săn đón vì có vẻ ngoài xinh xắn, đáng yêu, giờ đây, họ đã trở thành những cái tên quen thuộc, có sức ảnh hưởng và độ phủ sóng lớn trong giới trẻ.

Những cái tên như Chi Pu, Salim, Huyme, Phở Đặc Biệt... với hình ảnh hiện đại, trẻ trung, năng động và cuộc sống cá nhân được đăng công khai, cập nhật từng phút trên mạng xã hội luôn là chủ đề nóng trong các cuộc trò chuyện của người trẻ. Việc họ mặc quần áo gì, đánh son gì, check-in ở đâu, đang quan tâm tới gì, yêu ai... được hàng nghìn người quan tâm.

Những hot boy, hot girl, influencer, KOL có hàng triệu người theo dõi trên Facebook, Instagram lần lượt xuất hiện dù hoàn toàn không hoạt động nghệ thuật. Phạm vi giao tiếp của họ không giới hạn bởi khoảng cách địa lý, lĩnh vực, chức vụ.

Gây ảnh hưởng tới xã hội giờ đây không còn chỉ là những người có học vị, uy tín chuyên môn, mà là từng cá nhân. Có thể là một bác sĩ, phượt thủ, cô gái thích trang điểm, chàng trai giỏi nấu ăn. Không khó để tìm kiếm một người trẻ vô danh sử dụng kỹ năng biểu diễn, ăn nói, hội họa, ngoại ngữ... để kiếm tiền bằng Internet.

Điều khác biệt lớn nhất của thế hệ Internet là tư duy. Nếu cha mẹ của những người trẻ hoài nghi và cẩn trọng, thế hệ Internet lại dễ dàng tiếp nhận, tự do trong suy nghĩ, không tự đặt vào khuôn mẫu, khát khao được khám phá và tìm hiểu thế giới bên ngoài.

"Thế giới phẳng" trở thành khái niệm đương nhiên, người ta không còn nhắc đến nó như một biểu tượng của thời đại mới. Internet khiến mọi thông tin đến gần như cùng lúc, trên toàn cầu, ở mọi nơi, một cách đầy đủ và không phân biệt.

Một minh chứng rõ ràng nhất cho tư duy này là việc tìm kiếm cơ hội học tập và làm việc. Vài năm trước, cụm từ "freelancer" trong mắt nhiều người đồng nghĩa với thất nghiệp, chưa tìm được việc làm, lười biếng, lúc nào cũng rảnh rỗi.

Năm 2017, công việc công sở bắt đầu lúc 8h, về nhà lúc 17h không còn là sự lựa chọn của nhiều người. Những bạn trẻ làm tự do trong ngành công nghệ thông tin, viết lách, đồ họa... có thể cung cấp phần lớn dịch vụ, cũng như yêu cầu khó tính nhất theo kiểu "thuận mua - vừa bán".
 

Có một thế hệ trẻ lớn lên cùng Internet-4


Nguyễn Ý Ly (27 tuổi) là điển hình của người làm freelance. Cô là một wedding planner - chuyên viên tổ chức đám cưới. Theo Ly, người làm tự do có thể lựa chọn đối tác hoặc khách hàng mà mình thích, tự chọn nội dung công việc, tự quyết định mức lương xứng đáng được hưởng.

Trần Linh Trang (26 tuổi) là kiến trúc sư, từng làm 3 năm cố định cho một công ty có tiếng. Cách đây một năm, cô nghỉ việc, làm tự do để tìm tòi những thứ mới lạ hơn và trau dồi thêm kiến thức. Cô di chuyển liên tục giữa các thành phố lớn nhỏ tại Việt Nam như Sài Gòn, Hà Nội, Hà Giang, Phan Thiết, Cần Thơ, Đà Lạt, nhưng luôn đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng, nhờ Internet.

Theo Huỳnh Đình Cát Linh (28 tuổi), designer, địa điểm làm việc của anh rất linh động: Tại nhà, quán cà phê, hay bất cứ nơi đâu mà anh cảm thấy thích hợp và tạo ra tâm lý thoải mái để làm việc, miễn là có Internet.

Vài năm trước, cộng đồng mạng có dịp xôn xao về tuyên bố của một vài sinh viên Ngoại thương về mức lương “dưới 1.000 USD không làm”. Đến nay, nhiều người thấy rằng mức lương này… cũng có thể đạt được.

Sự lựa chọn công việc của người trẻ, nhờ có Internet, không bó buộc trong phạm vi tỉnh, thành phố, mà ra cả các nước láng giềng hay các quốc gia trong và ngoài khu vực.

Không chỉ có yêu cầu cao về đãi ngộ, thế hệ trẻ ngày nay còn đòi hỏi về môi trường làm việc, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, hay công việc gắn với sở thích, đam mê.

Theo một phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, 49% người trẻ ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp có đóng góp cho xã hội và tạo điều kiện cho họ tham gia trực tiếp vào những công việc có ý nghĩa với cộng đồng.

Còn nhớ Nguyễn Đức Bình (26 tuổi) sẵn sàng từ bỏ mức lương USD 60.000/năm ở công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers để theo đuổi ước mơ Yoga. Hoặc Phạm Minh Nhật (27 tuổi), yêu thích nghề giáo viên văn học, nhưng không thi tuyển vào biên chế trường nào mà tự mở lớp học tư nhân.

Thông minh nhưng kén chọn, lý tưởng nhưng bất cần, khác biệt tới mức nổi loạn, Minh Nhật khẳng định mình có ý thức và lý tưởng rất rõ ràng về đóng góp cho xã hội và cộng đồng, ngoài ra “lương bổng không còn là yếu tố quan trọng nhất trong việc lựa chọn nghề nghiệp”.

Công nghệ đã thay đổi cách thế hệ Internet tiếp nhận và nhận thức về thế giới: Dù có hàng nghìn người bạn ảo trên mạng xã hội, giới trẻ cũng đánh giá sâu sắc các giá trị gia đình. Dù bị "chụp mũ" là tự cao, họ vẫn khao khát học hỏi và cống hiến.

Dù mong muốn kiếm thật nhiều tiền, họ không quên làm từ thiện. Dù sẵn sàng trả giá cao cho một thương hiệu, việc nhận thức được giá trị thật của hàng hóa vẫn được đảm bảo. Dù phải chứng kiến nhiều sự biến động trong văn hóa - kinh tế  - xã hội, bạn trẻ vẫn cởi mở trước bất cứ thay đổi nào, từ bình đẳng giới, LGBT cho tới bảo vệ môi trường, chăm sóc động vật, vấn đề bản quyền...

Họ thích chia sẻ thích lên tiếng và mong muốn được lắng nghe. Thế hệ này khát khao mãnh liệt được thể hiện cái tôi thẳng thắn, không ngần ngại khi thể hiện chính kiến riêng, ngay cả khi nó đi ngược ý kiến của thế hệ trước, thậm chí tách biệt suy nghĩ số đông.

Sự phát triển của mạng xã hội cùng các tính năng ngày càng mạnh mẽ của nó, đã hình thành một thế hệ Internet cởi mở, mạnh dạn, có ý thức cộng đồng, quan tâm tới những vấn đề toàn cầu và địa phương với tâm thế chủ động, chững chạc, tự tin.

Thế hệ Internet tại Việt Nam, dù bằng cách này hay cách khác, có ý thức hay để mình tự đi theo dòng chảy, đều đã, đang và sẽ trở thành một phần của thế giới.
Co mot the he tre lon len cung Internet hinh anh 8

Nhưng cũng từ chính thế hệ Internet, cụm từ "cư dân mạng", "cộng đồng mạng", các tin sốc, sex, sến cũng ra đời như là mảng tối của sự bùng nổ của mạng xã hội.

Tại Việt Nam, trào lưu tiêu cực "Nói là làm"; nạn livestream lén phim tại rạp; thói quen "ném đá tập thể" trên mạng xã hội; bịa đặt thông tin sai lệch để câu like... là một trong số những mặt xấu xí có thể nhìn thấy của Internet.

Có một thế hệ trẻ lớn lên cùng Internet-5

 

Nói về thế hệ Internet, Frank Yu, nhà phân tích xã hội đã viết: Họ không có ký ức về những năm tháng gian khổ và đầy biến động mà các thế hệ trước phải trải qua. Họ hiếu thắng và nhìn ra thế giới với một sự tự tin ghê gớm.

Theo ông, khi rời khỏi Internet, không có chiếc dây cáp mạng hay hệ thống Wi-Fi và nhìn vào cuộc sống thực, thế hệ này bỗng cảm thấy mất hết sức mạnh, trở nên tự ti vì không có một kết nối nào.

"Ở Internet, chúng có cơ hội là những cá nhân thực thụ, sống độc lập, được chỉ trích bất cứ ai, không bị nhận phán xét hay trừng phạt trực tiếp. Chính vì vậy thế hệ này được thể hiện bản thân một cách gần như tối đa và gặp rất ít sự cản trở. Nhưng chính việc thích lên tiếng, nhưng ngại ra mặt đó khiến họ yếu ớt", Zakfa Zhang, chuyên gia của Viện nghiên cứu thanh niên tại Trung Quốc, nói.

Có một thế hệ trẻ lớn lên cùng Internet-6

Với sự xuất hiện của Internet, sự tồn tại và hiện diện của mỗi cá thể được định nghĩa lại bằng tài khoản Facebook, Instagram hoặc Twitter. Nhiều người trẻ tiếp xúc trên mạng nhiều hơn thế giới thật, dành thời gian cho smartphone và mạng xã hội hơn là chuyện trò trực tiếp.

Khoảng cách giữa người với người giờ đây không còn tính bằng km, mà là bởi những chiếc điện thoại thông minh, laptop, máy nghe nhạc.

Vốn đã là những cá thể độc lập, thế hệ Internet ngày càng khó giao tiếp, dễ trở nên lạc lõng, cô đơn sau những giây phút hết mình trên mạng xã hội. Một nghiên cứu của AsapScience chỉ ra sự thật rằng 30% cuộc nói chuyện trực tiếp có sự trao đổi thông tin trong khi 80% cuộc nói chuyện online là tự nói về bản thân mình.

Phần não điều khiển sự hài lòng, động lực, tình cảm chịu ảnh hưởng của việc sử dụng mạng xã hội, nhất là khi biết có người theo dõi (follow) mình. Đây chính là lý do trực tiếp gây ra tình trạng "sống ảo", thích "trú ẩn" trên mạng nhiều hơn, và khi phải "mặt đối mặt" lại trở nên rụt rè, nhút nhát.

Hiệp hội Y tế Cộng đồng của Hoàng gia Anh đã thực hiện cuộc khảo sát với gần 1.500 thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 14 - 24, và nhận thấy Internet mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho giới trẻ như chứng lo âu, trầm cảm, ít giao tiếp, mất ngủ, cảm thấy cô đơn...

Cũng từ đó, danh xưng "thế hệ cúi đầu" đã ra đời, bởi phần lớn thời gian của họ dành để cắm cúi nhìn vào chiếc smartphone, luẩn quẩn quanh ổ điện hay chiếc sạc dự phòng.

Những người bạn gặp mặt không ai thiết nhìn mặt nhau. Một buổi hẹn hò không cần nói chuyện. Một gia đình mà cả cha mẹ, con cái đều im lặng cúi đầu vào điện thoại, Internet cho mỗi người một thế giới độc lập. Món quà đi kèm là thói vô cảm, quan tâm những giá trị ảo hơn các mối quan hệ thật sự.

Có một thế hệ trẻ lớn lên cùng Internet-7

The Atlantic dẫn lời của Clay Shirky, chuyên gia về tác động kinh tế - xã hội của Internet tại Đại học Yale, Mỹ, thế giới ngày nay mà không có Internet chẳng khác nào London những năm 1840 không có động cơ hơi nước, New York những năm 1930 không thang máy và Los Angeles những năm 1970 chẳng xe hơi.

“Internet gắn kết đời sống cũng giống như những dây nho đã dính chặt vào giàn, ta không thể tách lìa chúng. Viễn tưởng về thế giới hậu Internet thường là sự sụp đổ của nền văn minh với các thảm họa zombie, dịch bệnh, hạt nhân. Điều này ngụ ý không còn Internet thì không còn văn minh và có nghĩa Internet đã là văn minh của chúng ta”, trích The Atlantic.

Thật khó để tưởng tượng ra một ngày không còn Internet. Chưa nói đến những tổn hại về kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, việc không còn nơi để người trẻ chia sẻ hình ảnh, bày tỏ quan điểm, thể hiện cái tôi hay show-off cuộc sống riêng cũng thật khó khăn.

Nhiều người khẳng định nếu không có Internet, tôi không biết làm gì, chơi gì, hoặc thậm chí, mình sẽ trở thành gì. Không email, Facebook, Instagram; không mua sắm, giao dịch trực tuyến; không xem phim, không nghe nhạc online hay cập nhật thông tin.

Nếu coi Internet là một con người, đứa trẻ được sinh ra vào năm 1997 tại Việt Nam, vừa tròn 20 tuổi này, đã trở thành bạn thân không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người.

Xin chúc mừng sinh nhật tuổi 20 "anh bạn đặc biệt" của một thế hệ người Việt, và thật tâm mong rằng trong tương lai, chúng ta có thể cùng nhau đi thật xa!

Theo Zing


Facebook tin tức Mạng xã hội

Tin tức mới nhất