Dứa là trái cây nhiệt đới, giàu vitamin, enzyme và chất chống oxy hóa. Dứa có thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, tác dụng của dứa còn hỗ trợ tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ điều trị chứng khó tiêu.

Dứa đặc biệt giàu vitamin C và mangan giúp nâng cao miễn dịch, duy trì quá trình trao đổi chất và chống oxy hóa. Vitamin C tốt cho da, tăng sức đề kháng. Vitamin C có thể bảo vệ da chống lại những tác động lão hóa từ ánh nắng mặt trời, có tác dụng làm giảm nếp nhăn.

Vitamin C và mangan cũng rất tốt cho xương nhất là phụ nữ hay gặp vấn đề loãng xương.

Dứa chỉ khuyến cáo không nên ăn khi bụng đói, vì thế hoàn toàn có thể dùng để làm trái cây tráng miệng sau bữa ăn. Vậy dứa có kỵ với thực phẩm nào, hay nói cách khác là dứa có thể gây độc khi ăn chung với thực phẩm nào?

Thực chất trong đông y có chia ra một số thực phẩm có tính, vị kỵ nhau nhưng với liều lượng người bình thường sử dụng thì không quá lo ngại, không nguy hiểm đến tính mạng.

Có nên dùng dứa để ăn tráng miệng ngay sau bữa cơm? Ăn dứa với thực phẩm nào dễ bị ngộ độc?-1

Ví dụ như dứa được cho là kỵ với trứng, sữa vì trứng và sữa được coi là “siêu thực phẩm”, chúng chứa nhiều các loại vitamin và khoáng chất, nhưng cũng rất giàu protein, khi ăn cùng với dứa thì lượng protein này sẽ gây đặc lại trong hệ tiêu hóa, dẫn tới tình trạng khó tiêu.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do dứa có vị chua-ngọt, tính bình và có nhiều vitamin C (hay axit ascorbic), chính chất này kết hợp với protein sẽ gây nên phản ứng và dẫn tới các vấn đề về hệ tiêu hóa.

Tuy nhiên, cũng phải nhắc lại rằng, chỉ khi ta ăn với số lượng nhiều, ví dụ như uống vài cốc sữa, ăn vài quả trứng sau đó ăn hết cả quả dứa thì có thể mới xảy ra hiện tượng khó chịu bụng, rối loạn tiêu hóa. Còn thực tế, dường như không ai ăn với khối lượng như vậy cả.

Hay dứa cũng kỵ với hải sản, vì dứa chứa nhiều vitamin C, trong khi hải sản lại chứa asen pentavenlent. Khi chất asen pentavenlent gặp vitamin C sẽ chuyển hóa thành asen trioxide có thể gây ngộ độc.

Từ những phân tích trên, nếu để an toàn nhất thì tốt nhất sau khi ăn trứng, sữa hay hải sản thì không nên ăn dứa ngay. Có thể ăn sau đó khoảng 2 giờ, khi thức ăn đã được phân hủy tương đối trong dạ dày.

Còn về ăn dứa làm sao cho an toàn, điều đầu tiên là không ăn dứa xanh và kể cả dứa chín cũng ăn với lượng vừa phải khoảng 100-150 gam. Khi ăn cần bỏ mắt dứa, vừa để giúp ngon miệng hơn, không bị rát lưỡi, tránh nguy cơ dị ứng.

Ngoài ra, nên tránh ăn lõi dứa, bởi vì các sợi xơ của dứa có thể gây cản trở hệ thống tiêu hóa và đầy hơi chướng bụng.

Không nên ăn dứa khi đói bụng, hoặc ăn vào buổi sáng. Một số người mắc bệnh lý dạ dày, cao huyết áp hoặc phụ nữ mang thai cũng không nên ăn dứa.

Theo Người đưa tin