Cụ thể, Chi Pu đã chia sẻ: "Qua đây làm này làm kia nè, nhưng mà thôi sự thật thì luôn luôn đơn giản nhưng people make it complicated (mọi người phức tạp hóa lên) nên là mình cứ enjoy cái moment này (tận hưởng khoảnh khắc này)...
Mình sẽ nói chuyện với mọi người nhiều hơn, tương tác với mọi người nhiều hơn và có những hoạt activities (hoạt động) nào đó thì Chi sẽ show (công bố) cho mọi người...".
Những sao Việt từng bị cộng đồng mạng chế giễu, chỉ trích vì xen lẫn các từ tiếng Anh vào câu nói của mình khi giao tiếp với khán giả Việt.
Chỉ trong thời gian ngắn, đoạn chia sẻ này nhanh chóng trở thành "văn mẫu" để các bạn trẻ đăng trạng thái, bình luận khắp nơi.
Từ Facebook, TikTok, Instagram hay Youtube, có rất nhiều nội dung dựa trên chia sẻ "nửa tây nửa ta" của Chi Pu, mô tả các tình huống dở khóc dở cười trong đời sống, như săn sale, việc học ở đại học, công việc chuyên ngành hay cảm xúc sau trận thua của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup...
Các nội dung do cộng đồng mạng sáng tạo nên dựa trên chia sẻ "nửa tây nửa ta" của Chi Pu.
Cùng với đó, nữ ca sĩ sinh năm 1993 cũng vô tình làm dấy lên làn sóng chỉ trích, chế giễu biểu hiện bị cho là "mất gốc" của mình. Vậy, thói quen pha lẫn tiếng Anh - tiếng Việt khi giao tiếp có thực sự đáng bị "ném đá"?
"Ngôn ngữ là giá trị văn hóa quốc gia"
Là một cựu nữ sinh chuyên Anh, và hiện đang theo học tại ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội, Lê Ngọc Trà My chia sẻ cô từng nghĩ việc nói chuyện xen lẫn 2 ngôn ngữ không chứng minh sự hiểu biết, mà ngược lại, chỉ cho thấy sự khiếm khuyết ở cả 2 ngôn ngữ của người nói.
Tuy vậy, khi vào học tại môi trường sử dụng tiếng Anh hàng ngày, bản thân nữ sinh cũng gặp tình trạng vô thức xen lẫn những từ vựng tiếng Anh khác khi nói chuyện, mặc dù không muốn và không cố ý.
Lê Ngọc Trà My - Thủ khoa khối D1 Hải Phòng, hiện là sinh viên ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội.
"Em nghĩ môi trường mình sinh sống và làm việc cũng sẽ ảnh hưởng đến việc xen lẫn ngôn ngữ như thế này. Và quả thật là trong tiếng Anh cũng có những từ không thể dịch nghĩa ra tiếng Việt và ngược lại. Những lúc đó, em đành sử dụng từ gốc để bạn bè hiểu được sát ý mình muốn biểu đạt.
Nhưng thay những từ mà mình hoàn toàn có thể tìm được từ đồng nghĩa ở ngôn ngữ gốc bằng một từ nước ngoài chỉ là một sự khoe mẽ, thiếu vốn từ và khiếm khuyết ngôn ngữ. Vì vậy, nhìn chung thì em thấy mọi người vẫn nên giảm thiểu, hạn chế thói quen này".
Trong khi đó, Bùi Thị Tú - du học sinh tại Đại học Corvinus, Budapest, Hungary cho rằng ngôn ngữ là niềm tự hào, là "màu cờ sắc áo" của mỗi dân tộc. Khi du học, cô càng cảm nhận rõ sự đáng quý khi gặp người Việt, được nói tiếng Việt và lan tỏa sự hay, đẹp của tiếng nói Việt Nam.
Tú chia sẻ: "Mình thấy dễ hiểu khi người dân của mỗi quốc gia bảo vệ ngôn ngữ của mình, cũng là bảo vệ giá trị của dân tộc, và cảm thấy không thoải mái khi nghe một người nói chuyện pha lẫn nhiều ngôn ngữ.
Việc pha giữa 2 ngôn ngữ Việt - Anh lẫn lộn trong tùy tình huống sẽ khiến người nghe phản cảm và nghĩ người nói phô trương, không tôn trọng giá trị ngôn ngữ dân tộc mình."
Chung quan điểm với Tú, bạn Phan Đoàn Gia Tiên - sinh viên khoa Quốc tế học, ĐH Ngoại ngữ Huế quan niệm rằng học ngoại ngữ là để giao tiếp với người nước ngoài, học hỏi thêm ở bạn bè quốc tế chứ không phải để quên đi tiếng mẹ đẻ và nguồn cội nơi mình sinh ra.
"Việc pha trộn ngôn ngữ ở giới trẻ hiện nay rất nhiều, có nhiều bạn tập tành nói lẫn Việt - Anh có thể là 'nghe cho sang', hay có thể phô diễn trình độ ngoại ngữ, việc này rất đáng báo động.
Hiện nay, dường như Tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng để giao tiếp quốc tế, không ai trách hay cấm các bạn học hỏi, phát triển bản thân và nâng cao trình độ chạy theo thời thế".
Đánh giá thói quen giao tiếp xấu hay tốt tùy thuộc vào bối cảnh
Với xu hướng toàn cầu, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chung của thế giới, các bạn trẻ cần phải học ngôn ngữ này để đáp ứng nhu cầu của xã hội, hòa nhập vào thời cuộc.
Đây là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến thực trạng nhiều người bị "nhiễm" thói quen chêm tiếng Anh hoặc ngôn ngữ khác khi giao tiếp tiếng Việt.
Người dẫn chương trình, nhà sáng tạo nội dung Dustin Phúc Nguyễn.
Từng bị chỉ trích khi sử dụng tên tiếng Anh, và thường xuyên thêm từ tiếng Anh khi dẫn chương trình, MC - VJ Dustin Phúc Nguyễn bày tỏ quan điểm thẳng thắn: "Code switching - chuyển mã là danh từ chỉ hành động kết hợp nhiều ngôn ngữ trong cùng một lời nói. Đây là hiện tượng thường thấy ở các cộng đồng hoặc cá nhân đa ngữ.
Có thể tìm thấy khá nhiều bài viết và video về định nghĩa mở rộng của code switching để thấy chúng ta có đang quên rằng trên thế giới có nhiều cá nhân, cộng đồng, quốc gia sử dụng chuyển mã trong đời sống thường ngày.
Ví dụ, người nói tiếng mẹ đẻ hoặc ngôn ngữ nền là Tây Ban Nha, Tagalog (của người Philippines), Hindi có thể sử dụng thêm tiếng Anh như một ngôn ngữ nhúng (embedded language) trong các ấn phẩm văn hóa của họ.
Người Việt mình cũng sử dụng nhuần nhuyễn chuyển mã trong đời sống hằng ngày… ngoại trừ những gì ta nghe và xem trên TV (cái ti-vi cũng từ là gốc tiếng Anh). Trên truyền hình, người Việt mình nói tiếng Việt 99% đúng không mọi người?
Gần đây, hai chương trình Rap Việt và King Of Rap đã thành công trong việc bình thường hóa chuyển mã trong âm nhạc, trong giao tiếp, dẫn dắt chương trình. Mình cảm thấy hào hứng vì sự tiến bộ này.
Truyền thông số, mạng xã hội, lan tỏa sự ảnh hưởng của ngôn ngữ đến với khán giả của truyền hình chính thống. Sẽ có người không hiểu giới trẻ bây giờ nói và hát gì. Nhưng sẽ có những người cởi mở và chấp nhận thay đổi để kết nối với nhau.
Dù bạn là ai, bạn sử dụng ngôn ngữ nào cũng được, chỉ cần thay đổi để thích nghi với từng bối cảnh. Đó là sự thay đổi mềm mại uyển chuyển, phù hợp đối tượng người nghe, phù hợp với người đối diện giao tiếp cùng".
Bên cạnh đó, ngôn ngữ nào cũng có nhiều từ vựng không có từ tiếng Việt nào mang nghĩa tương đương. Bởi vậy, khó có thể đưa ra quy định rằng chúng ta phải sử dụng tiếng Việt 100% khi giao tiếp.
Giải pháp của chị Nguyễn Hoàng Thảo - Giảng viên ĐH Hà Nội - dịch giả tiếng Anh, Nhật là tra từ điển, tìm từ gần nghĩa nhất có thể trong tiếng Việt hoặc giải nghĩa, giải thích thêm để người đọc, người nghe hiểu được, đồng thời giúp bản thân nhớ lâu hơn từ vựng ngoại ngữ đó.
Chị Nguyễn Hoàng Thảo - Giảng viên ĐH Hà Nội - dịch giả tiếng Anh, Nhật.
Nữ giảng viên khẳng định: "Mình luôn nói với các bạn sinh viên của mình là càng học lên cao, càng nên trau dồi vốn tiếng mẹ đẻ của mình, nhưng đó là góc độ của người học và làm về ngôn ngữ một cách chuyên nghiệp.
Những ai có thói quen sử dụng ngoại ngữ nhiều hơn tiếng mẹ đẻ thì đương nhiên sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, và nếu vô thức thì tự nhiên những từ ngữ, cách biểu đạt bằng ngoại ngữ mà bạn ấy hay dùng sẽ dễ bị bật ra hơn. Nhưng nếu có ý thức thì vẫn hoàn toàn có thể điều chỉnh được.
Người Việt có câu 'ăn trông nồi, ngồi trông hướng', khi nói chuyện với thầy cô khác, nói chuyện với bạn bè khác, nói chuyện với bố mẹ khác... Dựa vào mỗi đối tượng khác nhau, việc nói năng, phát ngôn của con người sẽ thay đổi.
Vậy nên mình thấy cũng cần chú ý xem đối tượng lắng nghe là những ai để lựa chọn lời nói, ngôn từ, cách biểu đạt cho hợp lý sẽ phản ánh đúng hơn về sự tinh tế, phông văn hóa của người phát ngôn."
Trong khi đó, bạn Lê Phạm Quốc Đạt, sinh viên ngành Luật Tài chính - Ngân hàng Chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp, Khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) cho biết: "Theo em, nếu lạm dụng như cách nói của Chi Pu thì có thể sẽ làm nhiều người khó chịu.
Miễn là mình tiết chế được thói quen này, dùng ngoại ngữ đúng lúc đúng chỗ, đúng mục đích thì nó không có gì là xấu. Hiển nhiên giữa hai loại ngôn ngữ khác nhau, cụ thể ở đây là Tiếng Anh và Tiếng Việt sẽ có một số từ không cùng tầng nghĩa hoặc dịch sang tiếng Việt sẽ rất kỳ.
Ví dụ như trên nền tảng Instagram có chức năng story, và khi dùng trong thực tế không ai nói là 'đăng câu chuyện'.
Nhưng nếu người đối diện là những người không sử dụng ứng dụng này, hoặc không phải là người biết tiếng Anh, em sẽ diễn giải từ đó bằng một hành động cụ thể, kết hợp mô tả bằng những từ gần nghĩa nhất có thể".
Không nên công kích, chế giễu
Hai nữ sinh ngoại ngữ Phan Đoàn Gia Tiên và Lê Ngọc Trà My đều có cùng quan điểm Chi Pu hay các bạn trẻ đang giữ thói quen xen lẫn nhiều ngôn ngữ khi giao tiếp không đáng bị chỉ trích nặng nề, nhưng cũng nên học cách tiết chế, và lựa chọn bối cảnh, người nghe phù hợp, tránh gây ra sự phản cảm, khó chịu và lan tỏa điều này đến nhiều người.
Trái lại, Lê Phạm Quốc Đạt có cái nhìn khá khách quan về tình huống của ca sĩ Chi Pu. Nam sinh phân tích: "Em nghĩ việc chị Chi Pu nói chuyện pha tiếng Anh trong lúc livestream là bình thường, không có gì đáng để bị ném đá chỉ trích.
Thứ nhất, Chi Pu livestream nói chuyện với những người theo dõi mình ở điều kiện đời thường, gần gũi, không phải trong hoàn cảnh nghiêm túc, lễ nghi.
Thứ hai, không có cơ sở nào để quy chụp Chi Pu mới qua Mỹ không lâu thì đã quên tiếng Việt, nói chuyện pha tiếng Anh, biết đâu cô ấy cố tình làm vậy để mang tiếng cười cho mọi người thì sao.
Thứ ba, việc pha tiếng Anh lẫn tiếng Việt cũng là một hình thức giúp người học ngôn ngữ dễ nhớ từ vựng và cách dùng của nó hơn".
Trần Nam Phương (cựu sinh viên Khoa Pháp, ngành Truyền thông Doanh nghiệp của trường ĐH Hà Nội) chia sẻ: "Mình cũng có được biết câu chuyện của nữ ca sĩ Chi Pu vì những video được lan truyền khá nhiều trong thời gian gần đây.
Đây cũng không phải lần đầu tiên một video nói chuyện nửa Anh nửa Việt được lan truyền trên mạng, và cũng có nhiều ý kiến trái chiều, có người thấy không sao có người thì lại ném đá.
Chuyện này cũng phải xem xét từ bối cảnh sống và làm việc của người nói, khi ở trong môi trường ngôn ngữ mới, và phải sử dụng ngôn ngữ đó trong một thời gian dài và thường xuyên thì sẽ tạo ra thói quen.
Việc nói ghép 2 thứ tiếng là chuyện có thể hiểu và thông cảm được, nhất là khi Chi Pu chỉ đang trò chuyện thân mật và gần gũi với người hâm mộ.
Còn những bối cảnh trò chuyện mang tính chất chuyên nghiệp, nghiêm túc và trang nghiêm thì không nên áp dụng. Bởi vậy, mình nghĩ sự việc này không quá nghiêm trọng để cả cộng đồng phải tranh cãi, công kích nặng nề".
Từng trải qua nhiều tình huống khi khách mời trong các chương trình mà mình tổ chức "hứng gạch đá" vì "chuyển mã", Dustin Phúc Nguyễn khẳng định:
"Trước đây, mình phải để tên thật trong một số chương trình truyền hình vì họ không chấp nhận tên Dustin. Mình cũng từng là anh chàng VJ chuyển mã hồi xưa, tới tận bây giờ vẫn còn nhưng không "trắng trợn" nữa, vì mình may mắn có cách anh chị em đồng nghiệp nhắc nhở.
Mới đây dân mạng lại dậy sóng vì Chi Pu - sang Mỹ livestream (từ này thuần Việt nói sao ta?) nửa Anh nửa Việt. Câu chuyện muôn thuở lặp lại, mưa bão gạch đá dồn về cô gái là điều dễ thấy. Giang Coco - khách mời của mình từng hứng cơn bão gạch đá bởi cư dân mạng bởi câu 'healthy và balance'.
Nữ ca sĩ trẻ Mỹ Anh - thí sinh The Heroes với câu nói: 'Em muốn represent được cái culture của em là người Việt Nam' khiến cô trở thành tâm điểm bất đắc dĩ của chương trình và nhận về cũng không kém cạnh gạch đá so với Giang Coco.
Cư dân mạng là ai? Là chúng ta, những người vẫn thường hay dùng từ 'ok' thay vì 'tôi đồng ý' khi nhắn tin. Đa số là cảm thấy bất bình, chửi rủa, khinh miệt, và sau đó công kích cá nhân.
Mình đã từng nói rằng mình sẽ không bắt khách mời trong show phải nói 100% tiếng Việt, họ có quyền thoải mái thể hiện cá tính, cảm xúc của họ bằng bất cứ ngôn ngữ hoặc sự kết hợp chuyển ngôn ngữ nào mà họ quen thuộc.
Có thể dịch ra tiếng Việt bằng phụ đề mà! Ngôn ngữ mà chúng ta đang sử dụng là kết quả của cả chiều dài lịch sử chuyển mã. Chúng ta đang dần chấp nhận cái bình thường mới đôi khi trong lòng còn chút vấn vương quá khứ. Bởi vậy, mình nghĩ nên cởi mở, trên hết là đừng công kích cá nhân một người sử dụng chuyển ngữ vì họ là nữ giới".
Các bạn nghĩ sao về câu chuyện ngôn ngữ này?
Theo Dân Trí