Bánh chưng là món ăn cung cấp năng lượng rất lớn. Bánh chưng làm từ gạo nếp, 100g gạo nếp có 344 calo. Thông thường một chiếc bánh chưng được làm với 1,5-2 bát gạo nếp, chưa kể thịt mỡ, đậu xanh. Một miếng bánh chưng nhỏ khoảng 50g cung cấp khoảng 150 calo, bằng một lưng bát cơm.
Các nhà khoa học đã phân tích trong 100g bánh chưng sẽ cung cấp năng lượng là 181 calo, 4,3g chất đạm, 4,2g chất béo, 31,6g chất bột đường, 0,6g chất xơ, 26g canxi, 0,94g sắt, 1,4g kẽm. Một miếng bánh chưng cỡ vừa có trọng lượng khoảng 114g.
Bánh chưng rất dễ bị ôi thiu, mốc nếu không được bảo quản đúng cách (Ảnh minh họa: N.Phương).
Tuy nhiên, bánh chưng cũng là một loại thực phẩm rất dễ bị ôi thiu, bị mốc nếu không được bảo quản đúng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), khi bánh đã bị mốc, người dân thì tuyệt đối không tiếc của ăn cố. Bởi tất cả các thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố aflatoxin.
Loại độc chất này có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ aflatoxin từ thực phẩm.
"Với trường hợp bánh chưng bị mốc lá hoặc mới mốc một góc, chúng ta nên loại bỏ và không nên ăn vì độc tố aflatoxin do nấm mốc sinh ra vẫn có thể xâm nhập vào bên trong bánh gây ngộ độc. Thêm vào đó, một số loại vi khuẩn, nấm mốc sau khi chết vẫn tiết ra độc tố gây ra ngộ độc cho người sử dụng", TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết.
Ngoài ra, ăn bánh chưng bị thiu chua có thể dẫn đến đau bụng, tiêu chảy hoặc ngộ độc thực phẩm.
Aflatoxin đã được Tổ chức Y tế Thế giới liệt vào nhóm chất gây ung thư loại một. Nó cũng là chất gây ung thư gan mạnh nhất mà con người từng biết.
Theo Dân Trí