Vào một ngày đầu mùa, những cơn gió se lạnh đang kéo đến, trên con đường quen thuộc kéo dài từ trung tâm thành phố về đến mái ấm của mình, tôi bắt gặp những kí ức tuổi thơ đang nhạt nhòa theo năm tháng và nhịp sống hiện đại.
Ở nơi đó, tôi còn nhớ đã có một thời tôi dùng đôi chân lon ton men theo mấy cái hàng rào dâm bụt nửa xanh lá nửa đỏ hoa đến trường. Hàng xóm láng giềng chính là họ hàng, chia sẻ một con heo, cho đi vài kí gạo, rau trong vườn sẽ dùng ăn chung, nhà không sáng đèn và dầu lửa ngay lập tức được sẻ chia cho những cây đèn dầu trong xóm. Con người họ sống với nhau bằng tình cảm, sự chân thành và cả niềm tin. Họ không sống với nhau bằng đồng tiền, sự vụ lợi và sự dối trá. Cuộc sống khi ấy thật đơn thuần, chân chất và quý giá.
Niềm vui của mấy đứa trẻ là những viên bi, những hòn đá, những cọng dây thun, những cây me chua, những con suối nhỏ, những thửa ruộng xanh mướt,… Ở đó, chúng tôi chơi chắt, bắn bi, nhảy dây, câu cá, trèo cây, bắt ốc, thả diều,…. Vui, vui ghê lắm, niềm vui thật đơn giản nhưng lại khắc sâu trong tâm trí của cả tôi và mấy đứa nhỏ.
Ở nơi đó, tôi còn nhớ đã có một thời tôi dùng đôi chân lon ton men theo mấy cái hàng rào dâm bụt nửa xanh lá nửa đỏ hoa đến trường. Hàng xóm láng giềng chính là họ hàng, chia sẻ một con heo, cho đi vài kí gạo, rau trong vườn sẽ dùng ăn chung, nhà không sáng đèn và dầu lửa ngay lập tức được sẻ chia cho những cây đèn dầu trong xóm. Con người họ sống với nhau bằng tình cảm, sự chân thành và cả niềm tin. Họ không sống với nhau bằng đồng tiền, sự vụ lợi và sự dối trá. Cuộc sống khi ấy thật đơn thuần, chân chất và quý giá.
Niềm vui của mấy đứa trẻ là những viên bi, những hòn đá, những cọng dây thun, những cây me chua, những con suối nhỏ, những thửa ruộng xanh mướt,… Ở đó, chúng tôi chơi chắt, bắn bi, nhảy dây, câu cá, trèo cây, bắt ốc, thả diều,…. Vui, vui ghê lắm, niềm vui thật đơn giản nhưng lại khắc sâu trong tâm trí của cả tôi và mấy đứa nhỏ.
Bữa cơm đơn giản gồm một đĩa rau luộc với chén mắm và một vài con cá kho, nhà đông miệng ăn, đồng lương nhà nước của ba tôi khi ấy lại ít ỏi, công việc đồng áng lại phụ thuộc vào tiết trời. Có cơm ăn đã sướng hơn nhiều nhà khác rồi đấy, lại còn được đi học, biết cái chữ là hơn cả khối người rồi. Phải công nhận mẹ tôi giỏi, mẹ xoay sở từ bao gạo, chai nước mắm cho đến từng đồng tiền học phí của chúng tôi. Trong trí nhớ của tôi, người cha thì đen nhẹm và gầy gò khắc khổ, mẹ thì tất bật ngược xuôi hai má cứ rám nắng hóp vô đến muộn phiền. Cứ như vậy, mỗi ngày trôi đi, chúng tôi đã đi qua một phần kí ức bằng tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng nhất của những đứa con nông thôn cùng hình ảnh một người mẹ chân chất bạc màu.
Nhưng thời gian có bao giờ chờ đợi ai hay làm theo ý ai muốn, thời gian thoăn thoắt trôi đi và cũng ở nơi đó, tôi nhớ đã có một thời đôi chân thoăn thoắt trên cái bàn đạp của một chiếc xe mini cũ kĩ. Chiếc xe đã sờn màu và bàn đạp bị xộc xệch nhưng đó là niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của mấy đứa học trò nghèo như tôi lúc bấy giờ. Đồng tiền kiếm ra thật khó nhưng mẹ tôi không bao giờ để trong nhà thiếu gạo, mẹ cũng chưa bao giờ để nhà trường đuổi học chị em tôi vì tiền học phí. Có khổ đến mấy mẹ cũng chạy vạy cho chị em tôi được đến trường.
Xóm làng dần trở nên khác hơn, con người vội vã chạy theo nhịp sống mới. Ở đâu đó đã biến mất hình ảnh chơi đùa hồn nhiên của bọn trẻ, không còn mấy lần tiếng các bà mẹ la hét gọi con từ nhà hàng xóm về ăn cơm. Mọi thứ của ngày xưa nhạt dần, thay vào đó là những lần giành xem ti vi ở mỗi nhà, cái hiện đại làm nếp sống đổi thay. Không phải với tốc độ từ từ mà rất chóng mặt. Thay đổi không có nghĩa là xấu mà bởi vì quá nhanh làm tôi không thể bắt kịp và quên được kỉ niệm trước đó.
Khi tôi lớn, tính cách của tôi cũng dần thay đổi. Tôi không rõ mình đã làm mẹ khóc bao nhiêu lần nữa rồi, hình như là nhiều lắm. Những cạm bẫy cuộc đời cuốn tôi đi theo một nhịp sống khác, ở đó có những lần tôi trốn học để vào tiệm nét chơi game, có đôi khi dấu nhẹm con điểm không trong sổ đầu bài. Đâu phải chỉ có từng đó, cái lối sống bốc đồng và muốn thể hiện cái tôi bản thân ăn sâu trong lối suy nghĩ của một con bé 17 tuổi đã khiến tôi thường xuyên cãi nhau với mẹ. Tôi cũng khóc, mẹ cũng khóc, nhưng trong mắt tôi chỉ thấy được mẹ không hiểu tôi mà thôi. Tôi đâu biết rằng khi tôi 24 tuổi nhìn lại cuộc đời lại nuối tiếc nhiều như thế.
Người ta nói rằng “Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ”, câu nói ấy chẳng sai chút nào cả. Khi tôi hai mươi tư tuổi, có đồng lương cố định, có cha mẹ, có chồng có con, mọi thứ đủ đầy nhưng tôi không ngừng vất vả. Tôi suy nghĩ về cuộc sống hiện tại và tương lai, về nhưng khoản chi tiêu trong đời sống, tôi lo toan về cuộc đời của con trẻ. Tất cả mọi thứ khiến tôi ngộ ra rằng: “Làm con gái bé bỏng thật sướng, làm mẹ không đơn giản chút nào”. Tôi càng thương mẹ hơn.
Mẹ giờ không còn khỏe nữa, cơ thể mẹ mang nhiều bệnh, mẹ không ăn được nhiều món ngon nữa. Khi nhà nghèo không có nhiều thịt để ăn, mẹ phải ăn rau để nhường thịt cho con. Giờ đây, khi mỗi bữa ăn đã đủ đầy thịt cá nhưng mẹ lại không được ăn nhiều chất đạm.
Trong ký ức của tôi, mẹ là một người khó tính, mẹ không quan tâm tới tôi một cách đủ đầy. Nhưng tôi hiểu, vì mẹ không có nhiều thời gian để vui vẻ, thời gian của mẹ đã dành hết cho sự lo toan, lo toan về tiền bạc, về sức khỏe, về cuộc sống của chồng và những đứa con. Một mình mẹ không thể làm được tất cả mọi việc, mẹ cũng chỉ có một cái đầu, một đôi tay và một đôi chân mà thôi. Điều tôi cần làm không phải là trách cứ mẹ, không phải là sự giận hờn, mà tôi phải hiểu, cảm thông và san sẻ với mẹ một phần lo toan.
Mẹ ơi, mùa thu đến rồi ạ. Con yêu mùa thu lắm, mẹ biết vì sao không? Bởi mùa thu luôn dịu dàng và khiến con hoài niệm, nó gợi nhớ những tình cảm con đã từng nếm trải trong cuộc sống. Con thích những cơn gió miên man, da diết và tràn đầy. Gió sẽ thổi bay mọi muộn phiền chất chứa, chính vì vậy con yêu gió và yêu mùa thu mẹ ạ.
Mẹ ơi hãy để gió quẩn quanh và gửi lời của con đến mẹ, con xin lỗi mẹ, rất nhiều. Con yêu mẹ!
Theo Blog radio