Bơi lội là hoạt động thể thao không thể thiếu trong mùa hè, tuy nhiên ở các bể bơi công cộng, nếu không được làm sạch đúng cách và có các biện pháp phòng ngừa bạn có thể mắc một số bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.

Các hình thức phơi nhiễm có thể khác nhau tùy địa điểm bơi là bể bơi công cộng, công viên nước hay bể ngâm nước nóng. Bất kể nguồn nước là gì, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cảnh báo rằng hồ bơi có thể khiến bạn bị bệnh và trong trường hợp nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Các triệu chứng điển hình do các bệnh liên quan tới bơi lội bao gồm tiêu chảy, phát ban da, đau (viêm) tai, ho, nghẹt mũi hoặc đau mắt.

1. Nhiễm Cryptosporidium

Cryptosporidium là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tiêu chảy. Khuẩn Cryptosporidium được tìm thấy trong phân của những người cùng bơi bị nhiễm bệnh và các bào tử Cryptosporidium có thể tồn tại hàng giờ đến hàng ngày trong nước. Tiêu chảy do nhiễm Cryptosporidium có thể kéo dài tới 2 tuần.

Vì thế, để giảm rủi ro thì bạn không được nuốt nước ở bể bơi, kể cả là một lượng nhỏ.

Ngoài Cryptosporidium thì một số loại khuẩn khác cũng có thể gây tiêu chảy cần chú ý là Giardia , Shigella , norovirus và E. coli - các khuẩn này có thể lây truyền bất cứ lúc nào nếu người bị tiêu chảy hoặc đã bị bệnh trong hai tuần qua xuống bể bơi.

Bạn cần liên hệ với các cơ sở ngay nếu bị tiêu chảy lẫn máu, mủ hoặc có màu đen; kéo dài trên 2 ngày đối với người lớn và 24 giờ đối với trẻ em; đau bụng nghiêm trọng; sốt và có dấu hiệu mất nước bao gồm khô miệng, nhức đầu, tiểu ít hoặc không tiểu.

Có thể bị mắc các bệnh nhiễm trùng khi đi bơi không?-1
Cryptosporidium là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tiêu chảy (Ảnh: Internet)

2. Nhiễm vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa

Theo CDC, nước bị nhiễm vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa có thể gây phát ban, viêm nang lông do tắm bể nước nóng (hot-tub rash).

Các hóa chất diệt vi trùng như clo phân hủy nhanh hơn đối với nước nóng - do vậy mà với các bể bơi nước nóng hoặc bồn nước nóng khuẩn này sẽ có nguy cơ lây lan cao hơn; điều này cũng xảy ra tương tự nếu bể bơi được bảo trì kém hoặc bị ô nhiễm.

Đặc trưng của viêm viêm nang lông do tắm bồn nước nóng thường là phát ban dạng sẩn, ngứa, đỏ hoặc mụn nước chứa mủ và tự biến mất sau vài ngày. Nếu tình trạng này kéo dài lâu hơn bạn cần liên hệ với các cơ sở y tế sớm.

Khi da của bạn tiếp xúc càng lâu với nước bị ô nhiễm thì phát ban có nhiều khả năng xảy ra hơn. Vì thế điều an toàn nhất chính là tắm ngay sau khi bơi xong.

Có thể bị mắc các bệnh nhiễm trùng khi đi bơi không?-2
Nước bị nhiễm vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa có thể gây phát ban, viêm nang lông do tắm bể nước nóng (Ảnh: Internet)

3. Viêm tai ngoài

Theo CDC thì viêm tai ngoài xảy ra khi nước bị mắc kẹt lại trong ống tai ngoài khiến vi khuẩn hoặc nấm phát triển tại đây. Tình trạng này thường phổ biến ở trẻ em hơn người trưởng thành với các biểu hiện như ngứa, đau và sưng tấy ống tai ngoài. Trong một số trường hợp nặng hơn có thể xuất hiện mủ chảy ra từ tai.

Với viêm tai ngoài, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh để điều trị. Để phòng ngừa, sau khi bơi xong nên nghiêng đầu và tai sang một bên, kéo nhẹ dái tai để nước thoát ra ngoài hoặc dùng máy sấy tóc ở nhiệt độ thấp cách tai vài inch để loại bỏ nước đọng.

4. Vi khuẩn Legionella

Vi trùng sống trong bể bơi có thể lây nhiễm cho những người hít phải hơi nước bốc lên từ nước. Theo CDC thì vi khuẩn Legionella, nguyên nhân gây ra bệnh nhiễm trùng phổi Legionnaires, đôi khi lây lan theo cách này.

Legionella được tìm thấy tự nhiên trong nước, đặc biệt là nước ấm. Theo CDC, đảm bảo rằng hồ bơi hoặc bồn tắm nước nóng được làm sạch và khử trùng đúng cách có thể giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Có thể bị mắc các bệnh nhiễm trùng khi đi bơi không?-3
Khuẩn Legionella được tìm thấy tự nhiên trong nước, đặc biệt là nước ấm (Ảnh: Internet)

Các triệu chứng nhiễm Legionella có thể gây ra các triệu chứng như ho, hụt hơi, đau ngực, sốt, đau cơ, nhức đầu, tiêu chảy, buồn nôn hoặc lú lẫn. Với người trên 50 tuổi, người hút thuốc, người có bệnh phổi mãn tính, hệ miễn dịch yếu thì nhiễm khuẩn Legionella đặc biệt nguy hiểm.

Ngoài các loại nhiễm trùng kể trên thì với người mẫn cảm thì clo đôi khi có thể gây khó chịu cho mắt, đặc biệt là khi nước bể bơi có lẫn nước tiểu, mồ hôi, bụi bẩn từ da nếu không được xử lý kỹ.

Hoặc hiếm khi virus viêm gan A (có thể sống trong nước và thực phẩm ô nhiễm) có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua việc vô tình uống nước bể bơi nhiễm virus.

Trên thực tế thì hầu hết các bể bơi có độ pH và clo được duy trì thì chất khử trùng sẽ giúp tiêu diệt đa số vi trùng có thể khiến bạn bị bệnh. Tuy nhiên bạn vẫn cần tắm rửa và vệ sinh cá nhân sạch sẽ sau khi bơi xong để đảm bảo an toàn. 

Theo Phụ nữ Việt Nam