- 3 năm kể từ khi được truyền thông và cộng đồng mạng chú ý với danh xưng “cơ trưởng 9X trẻ nhất Việt Nam”, cuộc sống của Quang Đạt có gì khác so với trước đây?
Về mặt công việc thì không có quá nhiều thay đổi. Sau gần 3 năm tích lũy kinh nghiệm, tôi bắt đầu thử sức làm phi công huấn luyện. Là người khá tham vọng và thích chinh phục, tôi đang cố gắng từng ngày để hoàn thiện mình trong vai trò mới.
- Trở thành cơ phó của hãng bay từ năm 2011, với kinh nghiệm tích lũy được sau 2 năm du học và gần 7 năm trong nghề, theo anh tố chất cần có của một người phi công là gì?
Không riêng nghề phi công, tôi nghĩ hai tố chất cần có để thành công trong bất kỳ công việc nào là sự yêu thích với công việc và lòng quyết tâm.
Rào cản với một chàng trai 9X khi đảm nhận vị trí quan trọng như cơ trưởng tương đối nhiều. Rào cản thứ nhất, và tôi nghĩ là rào cản lớn nhất, chính là định kiến. Định kiến về người trẻ sẽ không đủ chín chắn, sự trưởng thành và nghiêm túc. Định kiến về người Việt chưa thể làm nổi việc này việc kia. Định kiến là nhóc đấy mới có hai mấy tuổi thì biết gì.
Rào cản thứ hai, khi tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ thì bạn sẽ phải nỗ lực hơn người khác nhiều lần để có đủ kiến thức và kinh nghiệm. Nếu người ta thường phấn đấu cho vị trí đó trong 5-10 năm, thì bạn phải cố gắng gấp đôi để hoàn thành trong 3-4 năm chẳng hạn.
3 năm vừa rồi là khoảng thời gian tôi tự đặt ra mục tiêu cho bản thân là phải chứng minh mình xứng đáng, và không chấp nhận một giới hạn nào của bản thân đến từ định kiến xã hội.
- Cảm giác của anh ra sao khi nhận sự nghi ngờ, chỉ trích về năng lực từ người khác như hành khách, đồng nghiệp?
Cho đến bây giờ thì câu nói tôi được nghe nhiều nhất từ hành khách là: “Cơ trưởng đây á, sao trẻ thế?”. Tôi không nghĩ đó là sự đánh giá về năng lực, nhưng cũng phần nào cho thấy cách mọi người hình dung về một người cơ trưởng rất khác so với diện mạo và tuổi đời của mình bây giờ.
Về phía đồng nghiệp, cũng có những lần tôi làm sai. Con người mà, ai sẽ cũng có những lúc như vậy. Những đồng nghiệp chưa làm việc trực tiếp với tôi bao giờ thì có một vài người cũng đánh giá đó là vì tôi trẻ và thiếu kinh nghiệm thay vì nghĩ theo hướng: “Ai cũng sẽ có lúc mắc lỗi”. Nhưng những người thường làm việc trực tiếp với tôi sẽ nghĩ theo hướng thứ hai. Bởi trong công việc, tôi là một người cực kỳ khó tính và cầu toàn.
- Những lúc vướng phải nghi ngờ, anh làm gì để lấy lại sự tự tin, cân bằng, bứt phá giới hạn và vững bước tiến về phía trước?
Tôi chọn cách ngồi xuống, trấn tĩnh, rút kinh nghiệm từ những việc lẽ ra có thể làm tốt hơn, nhắc bản thân lý do mình đi được tới vị trí này và mình hoàn toàn xứng đáng. Sau đó, tôi sẽ hít một hơi sâu, để những định kiến đấy lại phía sau và tiếp tục tiến về phía trước.
- Nhìn lại chặng đường đã qua, thành công của Đạt hôm nay đến từ đâu?
Thành công của tôi có một phần không nhỏ đến từ sự may mắn. Việc bố làm cùng ngành cũng định hướng tôi khá nhiều trong việc lựa chọn nghề nghiệp.
Điều quan trọng là may mắn chỉ đem đến cho bạn thời cơ, việc của bạn là phải chớp lấy và cố gắng nỗ lực hết sức vì nó. Nếu năm đó tôi không chớp lấy cơ hội được cử đi huấn luyện phi công, thì chắc sẽ tiếp tục hoàn thành 4 năm đại học rồi chọn một công việc khác mình yêu thích.
- Anh có nghĩ vẻ ngoài điển trai cũng đóng góp vào thành công đó?
Không thể phủ nhận vẻ ngoài sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt với mọi người từ lúc đầu. Nhưng thành công cần có một quá trình, ngoài may mắn thì thực lực và thái độ tốt mới là điều quan trọng nhất.
- Mục tiêu công việc của anh trong năm 2018 là gì?
Kết thúc năm 2017 với tổng cộng gần 5.500 giờ bay, một con số không nhiều cũng không ít với một phi công, tôi hy vọng mình có đủ bản lĩnh để đương đầu với những khó khăn phía trước, tiếp tục bứt phá những giới hạn mà xã hội và bản thân đặt ra.
Theo Zing