Ngày 22/11, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục phần tranh luận của các luật sư.
Theo người đại diện của ông Đào Anh Tuấn (con trai ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu Quảng Ninh), ông Tuấn là chủ sở hữu của 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Công ty T&H Hạ Long, nằm trong 1.121 mã tài sản đang bị kê biên và bản án sơ thẩm tuyên giao cho SCB xử lý.
Theo người đại diện, 8 giấy chứng nhận này là các tài sản có trước khi quen biết và hợp tác với bà Trương Mỹ Lan, không liên quan tới hành vi phạm tội của bà Lan. Vì vậy, ông Đào Anh Tuấn đề nghị tòa xem xét loại bỏ 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang bị kê biên ra khỏi vụ án hình sự để cho các bên khởi kiện bằng vụ án dân sự.
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: TC
Tại phiên sơ thẩm hồi tháng 4/2024, trả lời HĐXX về việc hợp tác này, bị cáo Trương Mỹ Lan khai đã nhiều lần đưa tiền cho ông Tuyển Tuần Châu (ông Đào Hồng Tuyển) trong suốt nhiều năm mà không có giấy tờ gì.
Theo lời bà Lan, bà Phạm Thị Lan Phương là người phụ trách dự án của tập đoàn làm việc với công ty Tuần Châu. "Chị Phương bị phù não đang đi Úc điều trị nên tài liệu không bàn giao lại, những vấn đề liên quan bị cáo cũng không nhớ rõ chi tiết.
Về việc công ty Tuần Châu cho SCB mượn tài sản, bị cáo không rõ, chỉ biết SCB đang cơ cấu liên tục, luôn thiếu tài sản...việc này có Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) và Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB) biết".
Về lời khai của bà Lan, theo bị cáo Trương Khánh Hoàng, việc hợp tác giữa Công ty Âu Lạc với bà Trương Mỹ Lan xảy ra trước thời điểm bị cáo vào làm việc tại SCB, nên bị cáo không nắm rõ việc này.
Liên quan tới quan hệ dân sự nói trên, bản án sơ thẩm đã buộc Công ty Cổ phần T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc của ông Đào Hồng Tuyển nộp lại số tiền hơn 6.000 tỷ đồng đã nhận của bà Lan để đảm bảo thi hành án.
Đối với quan hệ thế chấp, bảo đảm liên quan các quyền sử dụng đất của Công ty Âu Lạc và Công ty Hạ Long dùng để đảm bảo dư nợ cho các khoản vay tại ngân hàng SCB, cơ quan cảnh sát điều tra đang ngăn chặn giao dịch chuyển nhượng. Vì vậy, TAND TPHCM nhận thấy cần phải tách ra để Công ty Tuần Châu và Công ty Âu Lạc giải quyết với Ngân hàng SCB và các bên liên quan (nếu có) trong một vụ án khác khi các bên có yêu cầu.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TC
Bà Trương Mỹ Lan đòi một Tổng giám đốc 800 tỷ đồng
Có tài sản nằm trong 1.121 mã tài sản đang bị kê biên, đại diện của ông Nguyễn Sơn Hoa (Tổng giám đốc Công ty Hồng Hà) đề nghị cấp phúc thẩm dành quyền khởi kiện dân sự liên quan cho công ty với SCB. Đồng thời đề nghị cấp phúc thẩm giải tỏa kê biên, phong tỏa tạm thời đối với sổ tiết kiệm, tài khoản cá nhân và giấy chứng nhận tài sản thuộc Công ty Hồng Hà và ông Hoa do không liên quan trực tiếp đến vụ án.
Trước đó, trình bày tại tòa, người đại diện của ông Nguyễn Sơn Hoa cho biết, chỉ tới khi bản án sơ thẩm được công khai, ông Sơn mới biết tài sản của Công ty Hồng Hà là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ở 194B-202 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TPHCM) bị kê biên. Đại diện của Công ty Hồng Hà khẳng định công ty này không có quan hệ gì với Ngân hàng SCB.
Trả lời HĐXX về quan hệ với ông Hoa, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, thông qua ông Hồ Quốc Minh bà mới biết ông Hoa. Sau này, khi SCB muốn sở hữu dự án ở Nam Kỳ Khởi Nghĩa của ông Hoa nhưng vì SCB không được phép kinh doanh bất động sản nên nhờ công ty của nhóm Hồ Quốc Minh làm trung gian. Ông Hoa đồng ý bán dự án với giá hơn 2.200 tỷ đồng, nhưng giữ 20% cổ phần để hoàn tất thủ tục pháp lý.
Tuy nhiên do SCB không thể giải ngân đủ, bà Lan đã cho SCB mượn gần 800 tỷ đồng để trả cho ông Hoa. Bà Lan khẳng định, SCB đã chuyển cho Công ty Hồng Hà 1.350 tỷ đồng, trong đó có gần 800 tỷ đồng là tiền do bà cho mượn.
Vì vậy, bà Lan yêu cầu ông Hoa phải trả lại cho bà gần 800 tỷ đồng cho bà, nhằm khắc phục hậu quả vụ án.
Nếu ông Hoa không trả, sau phiên xét xử phúc thẩm này, bà Lan cho biết sẽ gửi yêu cầu tới Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an vào cuộc, làm rõ.
Theo Vietnamnet