Tờ Daily Star đưa tin, ông Choi 75 tuổi cùng vợ sống ở thành phố Gwangju, tây nam Hàn Quốc, đã dành cả thập kỷ để nhặt đồ phế thải - thứ mà ông gọi là "kho báu" - chất kín nhà.
Cặp vợ chồng lo lắng rằng họ không thể sống mãi cùng con trai, người năm nay hơn 40 tuổi nhưng không chịu ra khỏi nhà tìm việc làm nên quyết định gom rác về nhà, đài Seoul Broadcasting System (SBS) của Hàn Quốc đưa tin.
"Con trai tôi chỉ thích ở nhà, nó không muốn ra ngoài tìm việc làm và điều này khiến chúng tôi lo lắng. Tôi sợ rằng khi tôi và vợ chết đi, không có ai chăm sóc cho con trai chúng tôi. Vì thế, tôi quyết định tích trữ đồ phế thải, càng nhiều càng tốt", ông Choi chia sẻ.
"Bất cứ thứ gì cũng đều có ích nếu nó được sử dụng đúng cách. Đồ phế thải đơn giản là kho báu chưa được khai thác đúng cách", ông lão 75 tuổi nói thêm.
Con trai của cặp vợ chồng được cho là nặng hơn 100 kg và đã không rời khỏi nhà trong hơn 1 năm.
Khi truyền thông địa phương tới phỏng vấn, họ buộc phải trèo qua "núi" đồ phế thải và cảm thấy khó chịu vì mùi hôi thối. Gia đình ông Choi đã sống trong môi trường đó suốt hơn một thập kỷ.
Gần đây, các bác sĩ đề nghị gia đình phải chuyển tới một nơi sạch sẽ hơn để tốt cho bệnh tim của vợ ông Choi. Ông lão 75 tuổi miễn cưỡng đồng ý cho người tới dọn dẹp "kho báu" tích lũy suốt 10 năm.
Hơn 220 tình nguyện viên và một máy xúc đã tham gia dọn dẹp 150 tấn đồ phế thải của gia đình ông Choi. Chứng kiến ngôi nhà được dọn sạch, ông Choi rơi nước mắt.
"Vì sức khỏe của vợ, tôi sẽ không bao giờ thu gom đồ phế thải nữa", ông lão 75 tuổi nói.
Thế hệ Boomerang: Những đứa trẻ 'to xác' ăn bám cha mẹ già
Ana (23 tuổi, người Brazil) mong mỏi được sống độc lập sau tốt nghiệp đại học. Sự cạnh tranh công việc gay gắt khiến cô gái trẻ chưa tìm được việc làm. Gác lại những mơ ước vẫn dở dang, Ana quay về nhà, sống với cha mẹ.
Khá hơn, Michael (23 tuổi, người Anh) có việc làm, nhưng không thể chi trả số tiền thuê nhà nếu ở riêng. Chàng trai vẫn sống cùng mẹ.
Cùng trong tình cảnh tương tự, Mike (31 tuổi, người Ba Lan) cũng sống chung một mái nhà với phụ huynh. Từng sống một mình, song quyết định cắt giảm nhân sự của công ty buộc Mike phải thắt chặt chi tiêu, quay về ở cùng cha mẹ.
Ba trường hợp của Ana, Michael, Mike đến từ các quốc gia khác nhau nhưng đều phản ánh rắc rối chung của bộ phận thanh niên hiện đại, đặc biệt là những người đến từ các quốc gia phát triển.
Đó là câu chuyện về một thế hệ trẻ trưởng thành, đã tốt nghiệp, song vì nhiều lý do, phải quay trở lại "căn nhà thơ ấu", sống chung và phụ thuộc vào cha mẹ.
Ảnh minh hoạ
Người Anh từng đưa ra thuật ngữ NEET (Not in Education, Employment or Training) để chỉ lớp người trẻ không tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, cũng không đóng góp sức lao động cho xã hội. Họ hoàn toàn không có thu nhập kinh tế và sống "ký sinh" vào gia đình.
Tại Mỹ, cụm từ "thế hệ Boomerang" từ lâu đã phổ biến. Cụ thể, những đứa trẻ Boomerang là những người đã hoàn thành bậc đại học lại trở về sống dưới sự bao bọc, hỗ trợ tài chính của cha mẹ.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, năm 2018, khoảng một phần tư thanh niên ở Anh đang sống cùng bố mẹ, con số cao nhất kể từ năm 1996.
Hơn 22% số lượng thanh niên trong độ tuổi 23 - 37 tại Mỹ đang sống cùng ba mẹ, theo số liệu báo cáo của công ty cơ sở dữ liệu bất động sản Zillow. Vào năm 2001, tỷ lệ chỉ bằng một nửa hiện tại, dừng ở mức 11,7%.
Có không ít "những đứa trẻ" đang ở độ tuổi đi làm, có bằng cấp cao vẫn phải trông cậy vào cha mẹ nuôi nấng vì thiếu ý chí, dễ tổn thương.
Khi ra trường, họ đem theo lý tưởng cao cho công việc song khi đối mặt với thực tế, cảm giác thất bại khiến những người trẻ chán nản, quyết định về với vòng tay gia đình để sống nhàn hạ, không phải băn khoăn việc thích nghi với xã hội.
Thực trạng "nuôi con đến già", con cái không có nhà riêng khiến các bậc phụ huynh phải gánh thêm nhiều áp lực, theo nghiên cứu của Đại học Essex (Anh) công bố năm 2018.
Nghiên cứu đồng thời chỉ ra việc người con quay trở lại sống cùng nhà khiến chất lượng cuộc sống cũng như mức độ hạnh phúc của cha mẹ có xu hướng giảm mạnh.
Tiến sĩ Marco Tosi thuộc Phòng Chính sách Xã hội của Anh, đánh giá: "Khi đứa con rời khỏi nhà, cha mẹ bớt trách nhiệm và dành nhiều thời gian hơn cho bản thân. Họ tìm kiếm những sở thích và hoạt động mới. Khi đứa con quay trở lại, trạng thái cân bằng đó bị phá bỏ".
Theo Sức Khỏe Đời Sống