Theo thông tin từ Dân trí, ngày 21/2, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã tiếp nhận đơn đề nghị và đơn xin cứu xét của ông Nguyễn Quang Tuấn - con trai bà Nguyễn Phương Hằng

Theo đó, ông Tuấn cho biết, kể từ khi bà Hằng bị tạm giam đến nay, ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà) nhiều lần gửi đơn yêu cầu cơ quan tố tụng trưng cầu giám định tâm thần đối với vợ mình, với lý do đây là tình tiết để bảo lãnh và giảm nhẹ cho bị can.

Tuy nhiên, ông Tuấn không đồng ý với việc làm của ông Dũng và cho rằng sức khỏe, tinh thần của mẹ mình hoàn toàn bình thường. 

Trong đơn, ông Tuấn nói trước khi bị bắt, bà Hằng có uống thuốc để điều trị bệnh cao huyết áp, bệnh rối loạn lipid, u xơ tử cung, rối loạn lo âu. Nhưng bệnh rối loạn lo âu là một trong những bệnh lý về thần kinh nhưng không phải là loại bệnh lý làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của bà Hằng.

Việc uống thuốc điều trị rối loạn lo âu theo toa của bác sĩ không phải căn cứ để giám định tình trạng tâm thần đối với bà Hằng, mà cần phải đánh giá quá trình bà Hằng làm việc với cơ quan điều tra qua các buổi hỏi cung, làm việc có được tỉnh táo, bình thường hay không.

Con trai phản đối việc giám định tâm thần cho bà Phương Hằng-1

Bà Phương Hằng thời điểm bị bắt

Hơn nữa, theo ông Tuấn, hậu quả của việc giám định tâm thần còn ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề khác về quan hệ pháp luật hôn nhân gia đình, quan hệ pháp luật dân sự về quyền sở hữu tài sản, quản lý phần vốn góp trong các doanh nghiệp quy định trong pháp luật về kinh doanh.

"Vì vậy, tôi nghi ngờ việc yêu cầu giám định tâm thần đối với mẹ tôi (có lẽ) không phải nhằm bảo lãnh và thu thập tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mẹ, mà có thể nhằm thực hiện âm mưu muốn kiểm soát, định đoạt toàn bộ đối với quyền tài sản, quyền quản lý phần vốn góp trong các doanh nghiệp của mẹ tôi. 

Việc này nếu diễn ra sẽ rất bất lợi cho mẹ tôi vì hiện tại mẹ tôi đang bị tạm giam, bị cách ly không được liên lạc với người thân, không được quyền kiểm soát đối với tài sản, vốn góp doanh nghiệp của mình", ông Tuấn trình bày.

Liên quan đến vụ việc, Người đưa tin cũng cho biết, ngoài ra, từ thời điểm bà Hằng bị tạm giam, ông Tuấn đã từng đề nghị ông Huỳnh Uy Dũng ký vào đơn bảo lãnh cho mẹ mình được tại ngoại nhưng đã bị ông Dũng từ chối.

Với nhiều lý do đưa ra, ông Tuấn kiến nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tp.HCM và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp.HCM không chấp nhận việc giám định tâm thần cho mẹ mình - bị can Nguyễn Phương Hằng.

Con trai phản đối việc giám định tâm thần cho bà Phương Hằng-2

Bà Phương Hằng trong 1 buổi livestream trước khi bị bắt

Trước đó, tháng 10/2022, ông Nguyễn Quang Tuấn cũng đã có đơn gửi các cơ quan chức năng xin giảm nhẹ hình phạt cho mẹ, với lý do bị can có nhiều hoạt động thiện nguyện, đóng góp cho xã hội, nhất là trong đại dịch COVID-19. 

Ông Tuấn còn gửi đơn tới Công an Tp.HCM và Viện Kiểm sát Nhân dân Tp.HCM xin đặt 10 tỷ đồng để bão lãnh cho mẹ được tại ngoại.

Ngày 30/1, Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP.HCM đề nghị truy tố Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của bà Hằng), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty Cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Cổ phần Đại Nam) về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Liên quan vụ án, tại buổi phát sóng trực tiếp có nội dung xúc phạm các cá nhân của bị can Nguyễn Phương Hằng có sự tham gia với tư cách khách mời của Tiến sĩ Luật Đặng Anh Quân và luật sư Nguyễn Đình Kim. 

Con trai phản đối việc giám định tâm thần cho bà Phương Hằng-3

Ông Quân trong 1 buổi livestream cùng bà Phương Hằng

Đến ngày 2/2, Viện KSND TP.HCM đã ra quyết định trả hồ sơ vụ án đề nghị điều tra bổ sung. Đồng thời, đề nghị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM nêu rõ kết luận về việc giám định nội dung phát ngôn của ông Đặng Anh Quân - được cho rằng có một số nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân. 

Cơ quan CSĐT xác định chưa có đủ cơ sở khẳng định 2 người này có những nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của các cá nhân; nội dung thuộc bí mật cá nhân, bí mật của gia đình và đời sống riêng tư theo quy định của Luật An ninh mạng, Luật Báo chí, Luật Xuất bản và các quy định pháp luật có liên quan trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Đ.K (t/h)
Theo VietNamNet