Những tai nạn thương tâm


Sáng 15/2, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. HCM) cho biết bé trai 19 tháng tuổi sau khi chữa trị gần một tháng đã qua đời. Từ khi nhập viện đến nay, bệnh nhi liên tục rơi vào tình trạng mê man, trụy tim mạch, trụy hô hấp cùng nhiều biến chứng khác… “Chúng tôi đã cố gắng chữa trị nhưng vết thương quá nặng, cháu vẫn không thể qua khỏi”, một bác sĩ nói.


Gia đình cho biết, cách đây chừng một tháng, người thân nấu cháo, cháu đứng gần đó chơi. Người lớn có việc, vào phòng khoảng vài giây. Khi bước ra thì đã thấy cháu ngã vào nồi cháo đang sôi.


Ngay lập tức, người thân vớt cháu ra. Lúc này, da cháu đã bị bỏng, nhiều vùng da trên người bị lở. Cháu được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Gần một tháng qua, người thân luôn cầu nguyện phép màu đến với con mình. Tuy nhiên, hung tin đã được bệnh viện báo với gia đình. 


Cùng ngày, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng cho biết đang điều trị cho cháu Dương Tấn T. (SN 2015) tại khoa Gây mê hồi sức. Khi nhập viện, cháu bị đa chấn thương, hôn mê, khuôn mặt bị biến dạng, tay phải, chân trái bị gãy, toàn thân tím tái, máu chảy nhiều vùng mũi, miệng. 


Qua thăm khám, bác sĩ xác định, bệnh nhi bị vỡ sọ não, xuất huyết não. Cháu đang được thở bằng máy. Dù đang được chăm sóc đặc biệt nhưng nguy cơ tử vong của cháu rất cao.

 

Một bé trai gặp nạn vì sự bất cẩn của người lớn


Người nhà cho biết, ngày 14/2, phụ huynh đang làm việc thì bé bò một mình chơi trong nhà. Do người lớn không để ý, cháu bé bò ra ban công và ngã xuống đất. Người thân phát hiện cháu không có trong nhà nên đi tìm và phát hiện cháu nằm dưới đất. 


Trong khi đó, bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP. HCM) cho biết, cách đây chưa lâu tiếp nhận một bệnh nhi bị sặc khi mẹ cho ăn cháo. Lúc nhập viện, cháu tím tái, ngưng tim, ngưng thở. Đội ngũ y bác sĩ hồi sức cho tim cháu đập trở lại nhưng vẫn không qua khỏi.


Hối hận cũng đã muộn


Bác sĩ Huỳnh Đức Phát - Trưởng khoa Gây mê hồi sức cấp cứu (Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng) cho biết, từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị thương nặng do sự sơ suất của bậc cha mẹ. Bất kể vị cha mẹ nào có con bị thương khi đưa vào bệnh viện đều tỏ ra hối hận. Tuy nhiên, khi họ hối hận thì đã muộn. Thậm chí, có trường hợp, bé không thể qua khỏi.


Bác sĩ Phát cho rằng, điều quan trọng không phải là sự hối hận hay những giọt nước mắt. Để tránh trường hợp xót xa như thế xảy ra, chỉ có một cách duy nhất là các bậc phụ huynh cần chú ý hơn trong việc chăm sóc, trẻ phải luôn trong tầm mắt của người lớn.

Cháu T đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng


Bác sĩ Bùi Văn Đỡ - Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, khoa cấp cứu của đơn vị này cũng thường xuyên tiếp nhận những ca bệnh nhi bị bỏng do ngã vào nồi cháo, nồi nước sôi… Hoặc, trẻ bị chấn thương, bỏng, hôn mê sâu… do tai nạn lúc sinh hoạt như bị tivi, tủ lạnh đè, uống nhầm xăng, hóc hạt nhựa, hóc bi,… Trong đó, có nhiều trường hợp tử vong.


Bác sĩ Đỡ khuyên, các bậc phụ huynh cần để mắt đến trẻ bởi chỉ trong tích tắc có thể dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Cha mẹ cũng cần phòng tránh những tai nạn sinh hoạt bằng cách không cho trẻ đến gần khu vực bếp đang nấu; hay cho ăn, uống lúc trẻ đang khóc, cười… Không nên cho trẻ ăn những trái cây chưa được bỏ hột hay thức ăn có hột vì dễ bị sặc. Ti vi, vật sắt nhọn, vật làm bằng thủy tinh… không đặt trong tầm tay trẻ em,…

Nhật Linh

Theo Vietnamnet