Con tự nhận 'học dốt, muốn đi học thêm', bà mẹ ra chiêu ngăn cản

Khi con quyết tâm đòi đi học thêm vì "con học dốt tiếng Anh", người mẹ đã dùng mọi lý lẽ, cách thức để thuyết phục con đừng đến lớp học thêm.

Con trai chị L.N.H., ở quận Bình Thạnh, TPHCM năm nay học lớp 4. Ngoài giờ học chính khóa ở trường, nhiều năm qua cháu tham gia khóa học vẽ và học bơi, chưa từng học thêm bất cứ môn học nào. 

Cách đây 3 tuần, cháu theo người bạn thân trước đây từng học cùng trường đến học thử tại một trung tâm Anh ngữ gần nhà. 

Con tự nhận học dốt, muốn đi học thêm, bà mẹ ra chiêu ngăn cản-1
Học sinh tại TPHCM sau giờ học thêm tại trường (Ảnh: Lê Đăng Đạt).

Sau buổi học thử, cháu tuyên bố với mẹ: "Con muốn đi học thêm ở đây", cùng quyết tâm muốn đăng ký ngay khóa học tuần 3 buổi từ 18-19h, học phí chỉ 2,4 triệu đồng/tháng.

Khi chị H. hỏi, cháu đưa ra 3 lý do muốn học tiếng Anh gồm: Muốn được gặp, được chơi với bạn thân của mình nhiều hơn; thầy giáo ở lớp rất vui, lớp có nhiều bạn để chơi và "Con muốn học thêm vì tiếng Anh con dốt nhất lớp".

Trao đổi lại, chị H. nói với con rằng nhu cầu muốn chơi với bạn nhiều hơn của con là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, nhu cầu gặp bạn có thể giải quyết bằng việc xếp lịch hẹn gặp nhau trong tuần, cuối tuần có thể qua nhà nhau ngủ mà con không nhất thiết phải đến lớp học thêm.

Lý do thứ 2, con muốn đến lớp học thêm có nhiều bạn chơi thì đổi lại con sẽ phải bớt thời gian chơi cát, đá banh, ném bóng rổ với các bạn ở trường sau giờ học chính khóa.

Thay vào đó, con sẽ mất thời gian cho việc di chuyển đến lớp học thêm, phải bớt thời gian về nhà chạy nhảy, bơi lội, chơi game, nghỉ ngơi, thậm chí cả thời gian để ngủ.

Đến lớp học thêm, hầu như các con chỉ gặp nhau trong lớp, không có nhiều thời gian để chơi, tương tác. 

"Còn việc con dốt tiếng Anh, tôi nói với con rằng đó là điều hoàn toàn bình thường, tuổi này con còn dốt cả tiếng Việt chứ chưa nói tiếng Anh. Việc học thêm để tốt tiếng Anh lúc này là không cần thiết cho con một chút nào", chị H. kể. 

Người mẹ chia sẻ với con, con không cần phải đi học thêm khi học trên lớp chính khóa đã quá đủ, thậm chí là thừa. Nếu bản thân con thấy mình còn kém thì đầu tiên phải khắc phục bằng cách học nghiêm túc trên lớp chính khóa và về tự học tại nhà trước khi nghĩ đến bất cứ phương án nào. 

Ban đầu, cháu vẫn không chịu, nằng nặc đòi mẹ đi học thêm. Người mẹ điều đình bằng cách đồng ý để con học với điều kiện trì hoãn việc đó thêm một tuần. Nếu sau một tuần con vẫn còn thiết tha với việc đi học thêm, mẹ sẽ đăng ký.

Sau đó thì con chị... quên luôn. Nghe mẹ nhắc lại thì chính cháu nói không cần thiết phải đi học thêm. 

Tuy nhiên, cháu bất ngờ hỏi chị: "Tại sao mẹ lại đau khổ khi con muốn đi học thêm vậy? Có phải lý do chính là mẹ tiếc tiền phải không?". 

Chị H. gật đầu. Đó cũng là lý do, chưa kể chị sẽ còn phải xếp lịch để đưa đón con. Tuy vậy, đó vẫn là những việc chị có thể làm được vì đẩy con vào lớp học thêm là cách dễ dàng nhất cho chị. Nhưng điều chị không thể chấp nhận nổi là việc đưa con đến lớp học thêm sẽ lấy mất thời gian của con. 

Mỗi ngày con chị tan trường lúc 4h30 chiều, cháu ở lại chơi đá banh, ném bóng rổ đến gần 6h chiều. Về nhà cháu tham gia cùng dọn nhà cửa, đổ rác, đánh nhà vệ sinh, xếp quần áo, tắm rửa, có hôm sẽ đi bơi, ăn uống... thì đã hơn 7h30 tối.

Sau đó học bài, đọc sách, giải trí, trò chuyện với mọi người trong nhà, đến 9h30 tối đi ngủ là đã hết ngày. 

Mỗi ngày con chỉ có từng đó thời gian, nếu con chọn đến lớp học thêm thì con sẽ mất đi những thứ rất quan trọng hơn. 

Người mẹ quan niệm, khi đứa trẻ phải ngồi một chỗ để học, ngồi trong lớp để học chính là khi con bị lãng phí thời gian nhất, là khi con học được ít nhất, là khi con bị lấy đi một phần của cuộc đời.

Bởi cái ngồi đó, ngồi ở lớp chính khóa ngày hai buổi đã quá thừa thãi với đứa trẻ. Ra khỏi đó đứa trẻ không cần ngồi thêm nữa mà cần phải đi, phải chạy nhảy, phải nằm, phải gác, phải làm việc, lao động... 

Theo chị H., hiện nay người thân, bạn bè xung quanh chị cũng nhiều người đã "nói không" với vấn đề học thêm của con. Họ không gặp các khó khăn hay được nhắc đến con không theo nổi chương trình, con không được lên lớp hay bị giáo viên gây khó dễ. 

Trong lần chia sẻ về câu chuyện trẻ "chạy sô" ở lớp học thêm, nhà giáo Phạm Đình Thực, nguyên Trưởng Bộ môn phương pháp dạy toán Tiểu học, Trường Đại học Sài Gòn bày tỏ việc học của con trẻ phải bắt đầu bằng sự tự học, bằng suy nghĩ, bằng sự động não. 

Con tự nhận học dốt, muốn đi học thêm, bà mẹ ra chiêu ngăn cản-2
Một đứa trẻ ngủ gục trong thang máy trên đường đến trường (Ảnh: Lê Đăng Đạt).

Việc học luôn vất vả, phải căng não để tiếp cận với tri thức nhưng với nhà giáo này, sự vất vả của học trò hiện nay là không cần thiết. Sự vất vả đó là trẻ đến học thêm, mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng lại không phát huy được khả năng tự học.

Chúng bị tước mất khả năng tự học, động não khi cứ gặp bài khó là được đẩy đến lớp học thêm, để thầy cô "mớm" sẵn. 

Việc học thêm tràn lan không chỉ lấy đi thời gian, nhiều hoạt động cần thiết khác của trẻ mà đáng sợ nhất còn là lấy mất khả năng tự học của trẻ. Đứa trẻ chưa có thời gian, không gian để tự học, để tự suy nghĩ... cũng đã sớm bị đẩy vào các lớp học thêm. 

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/giao-duc/con-tu-nhan-hoc-dot-muon-di-hoc-them-ba-me-ra-chieu-ngan-can-20230922133630677.htm?fbclid=IwAR0DDpHQ3SgxBdtyizB2LWvkl7s8EgfE4p28V2Ba6IwMkKrXjlkWkIGXpww

dạy con

Tin tức mới nhất