Ngày 24/10, ông Nguyễn Quang Tuấn (32 tuổi, con trai bà Nguyễn Phương Hằng, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) gửi đơn đến Công an TP.HCM và VKSND TP.HCM xin được nộp tiền bảo đảm nhằm thay thế biện pháp ngăn chặn, cho mẹ được tại ngoại để điều trị bệnh.

Cụ thể, trong đơn ông Tuấn trình bày: "Mẹ tôi phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, chưa có tiền án, có địa chỉ cư trú rõ ràng. Trước khi bị bắt có nhiều bằng khen, giấy khen của nhiều cơ quan, tổ chức xã hội về hoạt động từ thiện. Sau khi bị bắt đến nay mẹ tôi cũng đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhận thức được sai phạm và cam kết không tái phạm… Hành vi của mẹ tôi không thuộc các trường hợp không được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm".

Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Tuấn mong cơ quan điều tra, VKS xem xét thêm cho điều kiện hoàn cảnh của mẹ mình đang phải điều trị nhiều bệnh như cao huyết áp, rối loạn lo âu, tiền đình, thiếu máu, mất ngủ kéo dài, u xơ tử cung.

Theo ông Tuấn, trước đó bà Nguyễn Phương Hằng phải thường xuyên uống thuốc điều trị gần 10 năm. Bà Hằng là người chăm sóc mẹ già hơn 90 tuổi cùng 2 con nhỏ. Do đó, ông Tuấn xin được đặt số tiền bảo đảm là 10 tỷ đồng để thay thế biện pháp ngăn chặn mẹ mình cho đến khi kết thúc vụ án.

Con xin đặt 10 tỷ đồng để bảo đảm, bà Phương Hằng có được tại ngoại?-1

Hôm 5/10, ông Tuấn cũng có đơn gửi các cơ quan tố tụng ở TP.HCM xin khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho mẹ và xin được bảo lãnh cho bà Phương Hằng tại ngoại để điều trị bệnh.

Trao đổi về vụ việc, tiến sĩ, luật sư Nguyễn Thành Tô (Tạ Quang Huy & Cộng sự, TP.HCM) cho biết việc bà Nguyễn Phương Hằng được tại ngoại hay không, không phụ thuộc vào số tiền 10 tỷ đồng con trai bà Hằng xin đặt, mà phụ thuộc vào phán xét của các cơ quan có thẩm quyền.

Luật sư Tô cho biết: “Theo Điều 122 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm”.

Điều kiện để áp dụng “đặt tiền đảm bảo” được quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC. Theo đó, người được “đặt tiền bảo đảm” phải căn cứ vào vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, tình trạng tài sản, nhân thân của bị can, bị cáo; bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu, tố giác đồng phạm, có tình tiết giảm nhẹ (như tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại…).

Cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý vụ án cũng phải xem xét việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm.

Ngoài ra, bị can, bị cáo bắt buộc phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ như: phải có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp với lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Nếu vi phạm, họ sẽ bị tạm giam và số tiền đặt bị tịch thu, nộp ngân sách.

Người thân thích của bị can, bị cáo được cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án chấp nhận cho đặt tiền để bảo đảm cũng phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định đã nêu trên, nếu vi phạm thì số tiền đã đặt bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Khi làm giấy cam đoan, người này được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến bị can, bị cáo”, luật sư Tô cho biết thêm.

Theo luật sư Tô, Điều 4 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC quy định mức tiền đặt để bảo đảm sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định, nhưng sẽ không dưới 30 triệu đồng đối với tội ít nghiêm trọng; 100 triệu đồng đối với tội nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội rất nghiêm trọng; 300 triệu đồng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng.

Bà Hằng bị khởi tố, tạm giam để điều tra về hành vi: Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, mức hình phạt của tội danh này là từ 2-7 năm tù. Theo Điều 9 BLHS 2015 quy định về phân loại tội phạm, trường hợp bà Hằng sẽ thuộc loại tội phạm nghiêm trọng, nên mức đặt tiền tối thiểu là 100 triệu đồng. Số tiền lớn hơn sẽ không ảnh hưởng tới quyết định bà Hằng có được tại ngoại. Sau khi quá trình điều tra kết thúc, số tiền đặt bảo đảm sẽ được trả lại cho ông Tuấn nếu bà Hằng không có có bất kỳ vi phạm nào”, luật sư Tô phân tích.

Luật sư Tô cho biết thêm, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đơn đề nghị và các giấy tờ có liên quan, cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án có trách nhiệm xem xét, nếu thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 7 như đã nêu ở trên, thì ra thông báo cho bà Hằng hoặc ông Tuấn theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này để làm thủ tục đặt tiền bảo đảm, trường hợp thấy không đủ điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm đối với bà Hằng, thì phải thông báo bằng văn bản cho người đề nghị biết, trong đó nêu rõ lý do.

Theo Zing