Thời gian gần đây, câu chuyện Cô gái đòi mẹ mua xe máy đắt tiền gây tranh cãi đã được tìm ra sự thật. Không giống như những gì các diễn đàn đăng, Phạm Nga - sinh năm 1992, Thường Tín, Hà Nội, nhân vật chính trong ảnh - khẳng định, cô tự mua xe bằng tiền dành dụm sau hai năm đi làm.

Tuy nhiên, trước đó, khi chưa rõ ngọn ngành, nhiều dân mạng từng lên tiếng chỉ trích thiếu nữ đua đòi, không hiểu cho hoàn cảnh gia đình và sự vất vả của bố mẹ.

Sở dĩ sự việc này trở thành tâm điểm chú ý trên mạng, bởi nó khá thực tế tại Việt Nam - nơi chiếc xe máy chiếm một vị trí quan trọng, vừa là phương tiện di chuyển để mưu sinh, vừa là tài sản đáng giá nhất trong nhà.

Một số người có suy nghĩ, xe máy là biểu tượng của sự giàu có và ngưỡng mộ những chiếc xe ga như SH, Vespa... và ít để ý tới Dream, Wave bình thường.

Từ đó, mới có những thông tin như "Không dám công khai tình yêu vì bạn trai đi xe cùi bắp", "Bạn gái đòi bỏ vì chàng đi xe Dream", "Các cô gái có thấy quê khi bạn trai đón đưa bằng xe số?"...

Với không ít gia đình, chiếc xe cũng là phần thưởng cha mẹ dành tặng khi con cái đạt được thành tích cao như  học sinh giỏi, đỗ đại học, có việc làm... Vô hình chung, giá trị của chiếc xe càng được tăng lên.

Câu chuyện cô gái đòi mẹ mua xe máy đắt tiền thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
 Ảnh chụp màn hình.

Chiếc xe máy là phần thưởng dành cho con

Chia sẻ với Zing.vn, Nguyễn Cao Huy - sinh viên ĐH Xây Dựng, Hà Nội - cho biết, lúc đọc tin Cô gái đòi mẹ mua xe đắt tiền trên mạng, nam sinh rất bức xúc, có bình luận những lời khó nghe.

"Chỉ sau khi suy nghĩ lại, mình mới nhận ra, đây là chuyện rất bình thường. Chính bố mẹ cũng từng hứa sẽ mua xe tay ga làm phần thưởng cho mình nếu đỗ đại học. Năm đó, mình đỗ ĐH Xây dựng với số điểm khá cao, nhưng bố chỉ mua cho một chiếc Wave Alpha bình thường.

Lúc đầu, mình rất tức. Mình đạt điểm cao, bao nhiêu năm học chăm chỉ, chưa từng đòi hỏi gì, tại sao bố không mua chiếc xe đắt tiền hơn? Bạn bè có người chỉ thi vào trường thấp, được gia đình sắm sửa xe xịn, smartphone mới, laptop sành điệu. Mình đã giận bố một thời gian dài.

Đến sau này, khi bắt đầu đi làm thêm, mình mới biết và hiểu cho sự vất vả của người lớn. Công việc phụ ở quán cà phê làm 8 tiếng/ngày, bưng bê cốc chén mỏi rã rời, miệng luôn phải nở nụ cười tươi, mình nhận lương 2,5 triệu/tháng.

Số tiền đó đủ cho mình đổ xăng xe, ăn sáng và lâu lắm mới dám mua quần áo. Từ đó, mình mới biết, bố mẹ phải rất cố gắng để nuôi hai anh em ăn học. Còn trước đây, mình không hiểu được. Con xin lỗi bố vì từng đòi mua xe ga".

Chị Nguyễn Thu Hà (chung cư Kim Lũ, Hà Nội) kể, con gái chị sinh năm 1997, năm ngoái, trước khi thi đại học, vợ chồng chị có lỡ hứa treo phần thưởng là chiếc SH Mode. Đến khi con đỗ, anh chị chỉ đủ tiền mua một xe máy bình thường. Vì chuyện đấy, nữ sinh giận bố mẹ mấy tháng trời.

"Đúng là mỗi thời mỗi khác, đến như bây giờ tôi vẫn đi Wave. Hồi mới đầu, trường đại học xa nhà khoảng 12 cây số nên tôi bàn mua luôn xe số cho con. Thế nhưng, con bé kiên quyết bảo mua xe ga, lớp nó chẳng ai đi xe số nữa, vì còn phải mặc váy, có cốp để đồ.

Con bé gan lỳ đi học bằng xe buýt gần hai tháng. Thương con vất vả, tôi quyết định mua xe ga cho con bé, nhưng cũng ra điều kiện luôn, con tự kiếm tiền đổ xăng và sửa chữa xe"
, chị Hà cho hay.

Nhiều người có suy nghĩ, xe máy là biểu tượng của sự giàu có và ngưỡng mộ những
chiếc xe ga như SH, Vespa... Ảnh minh họa.

Có nên treo giải thưởng lớn cho con?

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Khắc Điệp nhận định, việc con trẻ thích xe tay ga, điện thoại xịn, máy tính mới, quần áo hàng hiệu... trước hết xuất phát từ cách nhìn nhận, đánh giá của xã hội về giá trị của con người dựa trên những hào nhoáng bên ngoài và vật phẩm đắt tiền họ có được.

"Việc người lớn đua nhau thể hiện sự sành điệu, cách người lớn đánh giá nhau qua vật chất ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và cách sống của giới trẻ.

Ngoài ra, chính chuyện phụ huynh treo các món quà đắt tiền làm phần thưởng cho con rồi không đáp ứng cũng gây ra tình trạng bức xúc, không được thỏa mãn. Có thể con sẽ ngừng đòi hỏi, nhưng sẽ mang theo sự ấm ức vì không hiểu vì sao bạn bè khác có mà mình lại không thể có?".


Những câu chuyện về việc con đòi cha mẹ mua xe xịn, điện thoai iPhone, quần áo hàng hiệu... có thể gặp hàng ngày, ở trong mỗi gia đình.

Phải hiểu rằng, sự việc này chưa chắc đã vì giới trẻ đua đòi. Vị tiến sĩ chỉ ra rằng, các bạn trẻ (nhất là trong khoảng 13-18 tuổi) thường không hiểu được sự vất vả của người lớn trong việc kiếm tiền.

Nhiệm vụ của cha mẹ là phải phân tích cho con rằng, nguồn tài chính ở gia đình là có hạn. Và phải đảm bảo, người trẻ nhận thức được việc mình có cần những món hàng xa xỉ đó không?


Theo Tri Thức