Ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết các đơn vị chức năng của Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ thông tin liên quan để xử lý theo đúng quy định hiện hành.
Ông Lê Mỹ Phong thông tin về nghi vấn đề Văn và đề Toán lộ, lọt. Ảnh: Moet.
Phản hồi thông tin lộ đề Văn, lọt đề Toán
Trước đó, sau buổi thi môn Toán chiều 7/7, mạng xã hội xuất hiện bài đăng với thông tin một người dùng cho hay thí sinh đang trong giờ làm bài nhưng vẫn chụp ảnh đề Toán đăng lên mạng nhờ mọi người giải hộ.
"Thời gian đăng tải là 15h28, tức là còn khoảng 30 phút nữa là mới hết giờ", trích bài đăng.
Thông tin này khiến nhiều người dùng nghi ngờ tính nghiêm túc của kỳ thi, lo ngại sự cố lọt đề như năm 2021 tái diễn.
Đề thi Ngữ văn năm 2022.
Ngoài ra, về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, môn Ngữ văn cũng dấy lên nghi ngờ lộ đề khi mạng xã hội xuất hiện một số bài đăng dự đoán đề thi vào bài Chiếc Thuyền Ngoài Xa của tác giả Nguyễn Minh Châu.
Ngay sau đó, ông Lê Mỹ Phong đã lên tiếng, khẳng định quá trình in sao, vận chuyển và bảo quản đề thi tốt nghiệp THPT 2022 rất nghiêm ngặt, có sự tham gia của cả lực lượng công an. Bộ GD&ĐT đã chuyển thông tin cho rằng đề thi Ngữ văn bị lộ đến Cục An ninh Chính trị Nội bộ (A03), Bộ Công an, để xác minh, làm rõ.
Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng nói thêm những tác phẩm văn học trong chương trình học và sách giáo khoa rất ít, khoảng 4-5 tác phẩm. Việc một số người nói trúng tên tác phẩm chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên.
"Nếu có người phát tán nội dung câu hỏi giống nội dung đề thi mới được coi là bị lộ", ông nói.
Tại trong buổi họp báo sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, ông Phong một lần nữa khẳng định đây chỉ là việc dự đoán tên tác phẩm, không phải lộ đề thi, đồng thời Bộ GD&ĐT cũng đã chuyển đơn vị chức năng của Bộ Công an để xác minh, làm rõ.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, trả lời thêm về nghi vấn lộ đề Văn. Theo ông, số lượng tác phẩm không nhiều, xác xuất đoán trúng được đề Văn cao là điều dễ hiểu.
"Chúng tôi cho rằng đề thi không phải chỉ nói tác phẩm đấy mà là câu hỏi đặt ra đối với tác phẩm ấy, thậm chí là đối với đoạn trích nào đó trong tác phẩm đấy, điều đó mới là điều quan trọng", ông Thành nói.
Ông giải thích thêm nước ta đang thực hiện chương trình 2006, với cấu trúc ma trận của trước đây, đối với đề Văn, cấu trúc vẫn tương tự các năm trước, có phần đọc hiểu là văn bản ngữ liệu đưa vào hoàn toàn mới, không có trong sách giáo khoa. Còn lại, phần câu hỏi nghị luận văn học vẫn là những tác phẩm học sinh đã được học.
Ông cho rằng tới đây, khi chương trình 2018 được áp dụng, một chương trình có nhiều sách giáo khoa, đề thi sẽ không cụ thể trong một quyển sách giáo khoa nào.
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - đánh giá kỳ thi ở mức độ cạnh tranh khốc liệt nên bộ tổ chức kỳ thi trên tinh thần công bằng.
Ông nhấn mạnh kỳ thi được đảm bảo nghiêm túc, công bằng, khách quan, chất lượng. Ban chỉ đạo địa phương thành lập ban chỉ đạo để tổ chức kỳ thi chặt chẽ, chất lượng.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra trong các ngày 7-8/7. Ảnh: Duy Hiệu.
44 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi
Ngoài thông tin về nghi vấn lộ, lọt đề, ông Lê Mỹ Phong cho biết thêm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, cả nước ghi nhận 50 trường hợp thí sinh bị đình chỉ.
Cụ thể, 12 thí sinh bị đình chỉ ở buổi thi môn Ngữ văn. 10 thí sinh bị đình chỉ ở buổi thi Toán. Số lượng này ở buổi thi Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Tiếng Anh lần lượt là 10 - 11 - 7 em.
"Trong số 50 thí sinh bị đình chỉ thi vì vi phạm quy chế, 6 trường hợp mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 43 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi", ông Phong thông tin.
Như vậy, số thí sinh vi phạm quy chế ở mức bị đình chỉ tăng so với năm 2021. Điều này đặt ra vấn đề tại sao thí sinh vẫn vi phạm lỗi này dù đã được quán triệt quy chế.
Trước vấn đề số lượng thí sinh vi phạm quy chế như mang điện thoại vào phòng thi tăng đột biến, đại diện Bộ GD&ĐT cho hay bộ đã có hướng dẫn cụ thể ngay từ đầu và cho học sinh tìm hiểu kỹ quy chế thi, giám thị cũng nhắc nhở thí sinh trước buổi thi. Những trường hợp phát hiện gian lận đều cố tình mang điện thoại vào phòng thi và đã bị xử lý ngay lập tức.
Cũng liên quan vấn đề thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, một phóng viên đặt vấn đề điểm thi ở Phúc Thọ (Hà Nội) không bảo quản đồ cho thí sinh dẫn đến việc một em mang điện thoại vào phòng thi. Giáo viên ở điểm thi này cũng chia sẻ không đủ nhân lực để trông coi đồ.
Với phản ánh này, ông Lê Mỹ Phong cho hay bộ chưa nắm thông tin và sẽ trao đổi lại với điểm thi. Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng thừa nhận việc bố trí để đồ cách phòng thi 25 m khó khăn song phải thực hiện và quyết tâm thực hiện để đảm bảo an toàn cho kỳ thi.
"Việc nói vì không có chỗ trông coi, các em mang điện thoại vào phòng thi, lý do đó khó chấp nhận được", ông Phong khẳng định.
Kết thúc kỳ thi năm 2022, Bộ GD&ĐT ghi nhận tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.002.432 em. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 933.510, chiếm 93,12%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 68.922, chiếm 6,88%. Tổng số thí sinh tự do là 43.373, chiếm 4,33%. Tổng số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 83,134, chiếm 8,29%. Số thí sinh thuộc diện F0 là 79 em ở 20 hội đồng thi. Trong đó, số thí sinh thuộc diện này đến dự thi là 18 em, 61 thí sinh còn lại không tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. |
Theo Zing