Ngô Thanh Vân được biết đến là một "đả nữ" trong làng điện ảnh. Khi đã thành danh, cô lần sân sang lĩnh vực sản xuất phim và khiến thị trường phim ảnh của Việt Nam trở nên sôi động hơn.
Tuy nhiên, con đường sản xuất phim chưa bao giờ dễ dàng và suôn sẻ với nữ diễn viên họ Ngô. Điều khán giả luôn nhớ đến là nững "drama" khi phim sắp được ra rạp.
Tấm Cám: Chuyện chưa kể
Đây là bộ phim được xây dựng và phát triển từ câu chuyện cổ tích mà mỗi người con đất Việt đều nằm lòng, dự án nhanh chóng trở thành tâm điểm quan tâm của truyền thông, dư luận. Cũng thông qua đây, Ngô Thanh Vân bước đầu khẳng định thái độ nghiêm túc, sự chỉn chu trên con đường thực hiện phim đậm màu sắc Việt Nam, tạo nền tảng cho các dự án phim về sau.
Tuy nhiên, trước khi phim chính thức công chiếu, mâu thuẫn giữa “đả nữ” và một cụm rạp chiếu nổ ra, lôi kéo sự chú ý của dư luận và truyền thông. Hình ảnh nữ diễn viên rơi nước mắt trước những thua thiệt của bộ phim được cư dân mạng bàn tán sôi nổi.
Nhiều người quyết định sẽ cố gắng ủng hộ phim Việt vì “người Việt xem phim Việt”, trong khi một bộ phận khán giả khác lại cho rằng “đả nữ” đang cố tình gây ồn ào lôi kéo người xem, khiến người hâm mộ khó có thể đón nhận tác phẩm một cách trọn vẹn, khách quan.
Cô Ba Sài Gòn
Sau Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Ngô Thanh Vân tiếp tục bắt tay thực hiện Cô Ba Sài Gòn. Bộ phim mượn câu chuyện về bà Thanh Mai - chủ tiệm may áo dài nổi tiếng Thanh Nữ và con gái Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc đóng) để tôn lên giá trị trang phục truyền thống dân tộc, cũng như những điều thuộc về gốc rễ, nguồn cội.
"Đả nữ" cũng đã khẳng định Cô Ba Sài Gòn là tác phẩm điện ảnh đầu tiên do cô thực hiện mang tầm nhìn khai thác dòng phim giải trí lồng ghép thông điệp ý nghĩa đến khán giả. Đáng yêu, gần gũi, nhưng vẫn không quên truyền tải bài học nhân văn, Cô Ba Sài Gòn nhận sự ủng hộ từ người xem, và trở thành phim gây tiếng vang nửa cuối năm 2017.
Cứ tưởng mọi chuyện sẽ êm đẹp không có gì xảy ra nhưng chỉ sau vài ngày công chiếu, tác phẩm điện ảnh của Ngô Thanh Vân trở thành nạn nhân của chính khán giả cùng với vấn nạn livestream lén. Sự việc càng trở nên đỉnh điểm khi nữ diễn viên họ Ngô quyết không làm phim nữa vì văn hóa xem phim rạp quá kém của một bộ phận người xem.
Những lùm xùm sau đó kéo dài trong suốt một tuần khi đối tượng livestream bị bắt và giao cho phía cơ quan pháp luật Việt Nam xử lý. Có ý kiến cho rằng, thị phi này thực chất là "chiêu trò" khiến Cô Ba Sài Gòn trở thành tâm điểm chú ý.
Song Lang
Bộ phim là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Leon Lê, cùng với nhà biên kịch, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, kết hợp cùng nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Tác phẩm lấy bối cảnh TP HCM thập niên 1980, xoay quanh cuộc sống của nhiều nghệ sĩ cải lương trong giai đoạn khó khăn.
Ngoài bộ môn nghệ thuật cổ truyền, khán giả còn quan tâm đến những cảnh "nóng" và cách khai thác mối quan hệ giữa hai nhân vật chính là kép hát Linh Phụng (Isaac đóng) và Dũng "Thiên Lôi" (Liên Bỉnh Phát đóng). Có thể nói khán giả rất chờ đợi phim ra rạp, thế nhưng ồn ào lại tiếp tục xảy ra trước khi phim ra mắt 2 ngày, Ngô Thanh Vân bất ngờ đăng đàn cho hay sau Song Lang, cô sẽ "cạch mặt" Leon Lê, không hợp tác trong dự án nào nữa.
Theo "đả nữ" thì Leon Lê chính là cơn ác mộng của cô. Từ khi nhận được kịch bản của Song Lang, cô rất hứng thú với cách mà Leon kể câu chuyện, nhưng thời điểm bấm máy cũng là lúc dự án Hai Phượng khởi động, nên Ngô Thanh Vân để anh tự vận hành bộ phim sau khi cô đã kêu gọi được nhà tài trợ.
Thế nhưng vì Leon quá kĩ tính, muốn mọi thứ tốt nhất cho sản phẩm đầu tay (đến nỗi Ngô Thanh Vân gọi anh là perfect freak - kẻ hoàn hảo lập dị) nên chi phí sản xuất ngày càng tăng cao đến phát hoảng. Sản xuất một bộ phim về cải lương chắc chắn không thể trông đợi doanh thu bùng nổ, thế nên Ngô Thanh Vân cho biết mình rất nóng ruột khi kinh phí phim ngày một tăng lên.
Không tìm được tiếng nói chung, Ngô Thanh Vân quyết định không can thiệp vào bộ phim nữa, tuyên bố không muốn tiếp tục hợp tác.
Trạng Tí
Đây là một bộ phim điện ảnh, chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt được đạo diễn bởi Phan Gia Nhật Linh và Ngô Thanh Vân tham gia sản xuất. Phim được dự kiến công chiếu vào 01/05/2020 tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bộ phim đã được hoãn công chiếu tới ngày 12/02/2021.
Sẽ không có gì đáng khi trailer của bộ phim vừa được lên sóng, bên dưới các bài đăng về trailer trên mạng xã hội, xuất hiện những ý kiến đòi quyền lợi cho tác giả Lê Linh của bộ truyện tranh gốc Thần đồng đất Việt. Một số bình luận còn đặt nghi vấn nhà làm phim vi phạm bản quyền, còn đặt câu hỏi: "Liệu có ăn cắp?".
Ngay sau đó, Ngô Thanh Vân đã chính thức lên tiếng đáp trả rằng cô không ăn cắp. Trong bài chia sẻ của mình, người đẹp cho biết dự án được lên ý tưởng từ năm 2016. Khi đó, cô đã gặp công ty Phan Thị - đơn vị phát hành truyện tranh, để bàn về việc mua bản quyền.
Quá trình đàm phán kéo dài từ năm 2016 đến năm 2018 thì đi đến thỏa thuận cho phép Ngô Thanh Vân mua bản quyền 5 tập truyện từ Phan Thị để làm phim. Cô cho rằng quá trình này "không có gì sai về mặt luật pháp nên hai bên đã ký hợp đồng với nhau". Lúc đó, nhà sản xuất không biết về tranh chấp giữa công ty Phan Thị và tác giả Lê Linh.
Phim dù chưa ra rạp nhưng những ồn ào xung quanh bộ phim cũng đã khiến khán giả đắn đo không biết liệu có nên tiếp tục ủng hộ phim Việt.
Ni
Theo VietNamNet