Ngay từ giây phút đầu tiên nhìn thấy nhau trong hội trường ở trường Trung học Gar-Field (Woodbridge, Virginia, Mỹ) vào năm 1955, chàng trai Bob Harvey lúc đó đã say mê cô nàng Annette Adkins.
"Khi cô ấy bước qua cánh cửa, tôi đã thốt lên: Ôi Chúa ơi, đây là cô gái đẹp nhất mà tôi từng gặp trong đời. Tôi cảm thấy như mình đã yêu cô gái này mất rồi".
Ông Harvey và bà Adkins đã từng yêu nhau thời trung học.
Cuối cùng, họ cũng tham dự vũ hội cùng nhau. Nhưng sau đó, họ lại mất liên lạc và không đến được với nhau.
Sau khi tốt nghiệp, mỗi người mỗi ngả. Adkins kết hôn với Callahan, nuôi dạy con cái và học ngành điều dưỡng. Harvey kết hôn và trải qua sự nghiệp là một nhân viên thực thi pháp luật, nhân viên bảo lãnh và giáo viên.
Trong những năm gần đây, cả Adkins và Harvey đều mất bạn đời. Vài tháng trước, Harvey nghĩ về người yêu thời trung học và nhanh chóng biết được chồng của Adkins qua đời được 4 năm.
"Đột nhiên tôi cảm thấy trái tim bị rơi xuống vì nghĩ có thể bà ấy đã tìm được đối tác mới", ông Harvey kể.
Ông Harvey và bà Adkins đã từng yêu nhau thời trung học.
Thật trùng hợp, bà Adkins cũng nghĩ đến bạn trai cũ của mình, sau khi tìm thấy một cuộn phim năm xưa có ảnh hai người bên nhau trong vũ hội.
Khi ông Harvey gửi đến một tấm thiệp chia buồn, với số điện thoại của mình, bà Adkins gọi lại, thừa nhận cũng đang tìm ông.
Ngay lập tức, ông Harvey đã lái xe 800km để tới thăm bà Adkins ở Ohio.
Họ tìm lại nhau khi đã 80 tuổi.
"Bà ấy mở cánh cửa, trái tim tôi như muốn nhảy ra ngoài. Tôi bước tới và tặng bà ấy vài bông hoa. Tôi đã nói: Em thật đẹp. Anh yêu em''.
Cặp đôi 80 tuổi đã kết hôn ở một nhà hàng ở Ohio trước sự chứng kiến của người thân, bạn bè. Trong bữa tiệc theo phong cách thập niên 50, họ cùng nhau nhảy như họ đã từng làm trong buổi vũ hội cách đây 63 năm.
Đám cưới diễn ra trong không khí ấm cúng
Tuổi già nhưng trái tim không già
Chúng ta thường nói nhiều về sức khỏe, dinh dưỡng người cao tuổi hay việc tập luyện, chuyện chăn gối mà ít quan tâm đến tình yêu tuổi già của họ.
Tình yêu của người già, cũng như sức khỏe, là nỗi khát khao, cũng hiếm hoi, cũng lụi tàn dần với thời gian. Chỉ khác là nó không bao giờ tắt.
Đừng ngỡ chỉ người trẻ mới biết yêu, mới nồng nàn thổn thức nhớ thương. Tình yêu của người già là một khúc hát, không vang thành tiếng nhờ micro, không lấp lánh nhờ ánh đèn sân khấu, mà đồng vọng da diết, hoặc đớn đau xao xuyến mãi trong lòng.
Lý do thật đơn giản mà cũng thật tàn bạo: Xong khúc hát ấy có thể là cái chết, rất gần, đến nỗi hiện hình thành nỗi ám ảnh.
Tình yêu quan trọng với tất cả mọi người, dù ở lứa tuổi nào. Nó mang lại những sức mạnh to lớn. Tình yêu tuổi xế chiều mang đến cho người trong cuộc những cảm xúc sâu sắc hơn ở thời gian trước.
Nó có thể giúp người cao tuổi yêu đời hơn, lạc quan sống những tháng ngày thoải mái, tự tại, vui tươi bên một nửa của mình. Nó cũng là sức mạnh kỳ diệu để người cao tuổi vui khỏe mỗi ngày.
Tình yêu tuổi già không còn lãng mạn hay nhiệt huyết như thời còn trẻ tuổi mà thay vào đó là tình thương, sự thấu hiểu và sự cảm thông. Ảnh minh họa
Tình yêu tuổi già không còn nồng cháy hay nhiệt huyết như ngày còn trẻ, thay vào đó là tình thương, sự cảm thông và thấu hiểu. Không có gì đáng quý hơn việc có một người đi cùng đến cuối con đường.
Người già yêu cũng khác người trẻ. Người ta dễ bỏ qua những chuyện lặt vặt như đưa đón, trễ giờ, không cùng nhau thích một món ăn hay một môn thể dục. Họ đã đến chỗ biết cái gì là chính, cái gì là phụ trong quãng sống ngắn ngủi còn lại.
Nên thay vì cáu kỉnh, làm khổ nhau, cằn nhằn về những điều vặt vãnh như một số cặp vợ chồng già thường gặp, những người già khi yêu thường rộng lòng hơn, sống tích cực hơn.
Họ có xu hướng muốn bù đắp cho người thương, muốn sửa những lỗi mà mình đã phạm trong đời ở một thời xa lắc nào đó. Bản chất của tình yêu vốn là một, nhưng ở mỗi độ đời, người ta yêu một cách khác.
Một số khảo sát khoa học chuyên ngành lão khoa chứng minh tình yêu và cảm xúc giới tính dù ở tuổi gần đất xa trời vẫn khiến con người có động lực sống mạnh mẽ.
Câu chuyện tình dục nhiều khi không phải là điều quan trọng nhất nữa. Khả năng tự chăm sóc bản thân, ý thức về quan hệ xã hội, mối quan hệ giao tiếp đồng cảm… mới là những yếu tố tích cực mà tình yêu có thể mang lại.
Đừng đóng khung người già trong những tình cảm an toàn. Họ cũng có quyền được sai lầm, được phiêu lưu dù biết cuộc đời đã đi vào chặng cuối.
Nếu biết rằng rồi ai cũng sẽ phải chân chậm, mắt mờ, bàn tay nhăn nheo tìm nắm lấy một bàn tay để cùng đi qua đoạn kết đường đời, hẳn chẳng ai nỡ xóa đi trong những trái tim già nua ấy bóng dáng diễm lệ và vĩnh hằng của tình yêu.
Theo Sức Khỏe Đời Sống