Tần Thủy Hoàng (năm 259 trước Công nguyên - 210 trước Công nguyên) là vị Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Quốc, đồng thời sáng lập nên nhà Tần.
Cung điện Tần Thủy Hoàng là tổ hợp cung điện lớn được xây dựng vào năm 213 trước Công nguyên. Cung điện nằm cách thành cổ Trường An (nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây) hơn 30km về phía Tây. Sau khi Tần Vương qua đời, công trình vẫn tiếp tục được xây dựng, nhưng rồi không thể hoàn thành vì nhà Tần sụp đổ.
Bức họa chân dung về Hoàng đế Tần Thủy Hoàng (Ảnh: WK).
Cung Hàm Dương là nơi ở của Tần Thủy Hoàng, được thiết kế đồ sộ hơn nhiều so với sự tưởng tượng của hậu thế. Theo ghi chép trong "Sử Ký" của Tư Mã Thiên có nhắc tới chi tiết Tần Vũ Dương cùng thích khách Kinh Kha vào cung Hàm Dương với ý định ám sát Tần Thủy Hoàng.
Tuy nhiên, khi bước chân tới thềm cung điện, ngước đầu nhìn lên, Tần Vũ Dương đã ngất vì choáng váng. Vậy cung Hàm Dương quy mô lớn thế nào khiến một thích khách vốn có bề dày kinh nghiệm như Tần Vũ Dương phải khiếp sợ?
Sử sách cổ ghi chép, nếu so sánh về diện tích, thậm chí cung Hàm Dương còn lớn gấp 4 lần Tử Cấm Thành sau này.
Vị trí cung điện nằm ở nền đất cao thuộc trung tâm thành Hàm Dương với độ cao chênh lệch từ nền tới đỉnh là 100m. Nhờ ưu thế địa lý tự nhiên khiến cung Hàm Dương tọa lạc ở vùng đất cao hơn xung quanh 100m.
Từ điều này khiến những người từ dưới nhìn lên chỉ thấy cung điện cao lớn uy nghiêm với các bậc thang như kéo dài vô tận. Khi Tần Vũ Dương ở dưới ngước lên thấy các tòa cung điện thành từng tầng lớp trùng điệp. Sự uy nghiêm to lớn của công trình thể hiện thế mạnh và thịnh vượng của nước Tần, càng dễ dập tắt những tự tin ban đầu của kẻ thích khách này.
Bước chân vào trong, Tần Vũ Dương tỏ rõ sự lo lắng. Chính điều này khiến Tần Vương cảnh giác. Trong khi đó, Kinh Kha cầm bản đồ nước Yên vào cung để giao nộp cho Hoàng đế, nhưng có giấu một chiếc dao găm tẩm thuốc độc bên trong.
Hình ảnh mô phỏng cung Hàm Dương (Ảnh cắt từ clip).
Nhân lúc vua Tần không để ý, Kinh Kha rút dao định đâm về phía đối phương nhưng lại trượt. Hai thích khách đuổi theo Hoàng đế để ám sát nhưng mọi nỗ lực bị thất bại. Cuối cùng, cả hai đều bị quân Tần tiêu diệt.
Mặc dù không thành, nhưng vụ ám sát vua Tần của Kinh Kha được các nhà sử học đánh giá là một trong những sự kiện nổi tiếng của lịch sử Trung Quốc.
Vậy điều gì khiến Tần Thủy Hoàng phải dày công xây dựng cung điện hoành tráng đến vậy?
Theo các nhà nghiên cứu sử học, Vị Hoàng đế này từ khi lên ngôi đã mang một tham vọng rất lớn. Ông muốn củng cố quyền lực và danh tiếng của nhà Tần thông qua việc xây dựng.
Mỗi lần đánh bại nước nào, ông lại xây cung điện tiêu biểu đại diện cho vùng đất ngay trong cung điện Hàm Dương. Khi Hoàng đế đứng trên đại điện nhìn về tứ phía đều có thể thấy đô thành của 6 nước chư hầu quy phục nước Tần gồm Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, Sở và Tề. Vị Vua này luôn mang tham vọng sẽ thống nhất toàn bộ thiên hạ.
Phim trường "Hoàng Điếm" phục dựng cung Hàm Dương (Ảnh: Sohu).
Nhưng chỉ 15 năm sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, Lưu Bang đánh chiếm Hàm Dương, giết Tần Tử Anh và nhà Tần diệt vong.
Vào tháng 11 năm 207 trước Công nguyên, Hạng Vũ tiến vào kinh đô Hàm Dương của nhà Tần, đốt cháy cung điện.
Theo Dân trí