Vị Hoàng đế thích ăn cá nhưng khó chiều

Chắc hẳn khi nhắc đến những vị vua nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, không ai là không biết đến Tần Thủy Hoàng – vị vua nổi danh là độc ác, tàn bạo nhưng đồng thời cũng là một hoàng đế vô cùng tài giỏi, người đã có công thống nhất lãnh thổ Trung Hoa.

Tương truyền, Tần Thủy Hoàng rất thích ăn cá, nhưng đồng thời vị hoàng đế này cũng có rất nhiều điều cấm kỵ với cá.

Nếu đầu bếp nấu canh cá, Tần Thủy Hoàng sẽ cho rằng việc này là mang điềm gở rằng ông sẽ phải chịu cảnh nước sôi lửa bỏng. Nếu làm cá kho, hoàng đế lại cho rằng điều này ngụ ý bản thân sẽ bị băm thành từng mảnh.

Cho dù đầu bếp làm cách nào, chỉ cần hoàng đế có ý nghi ngờ, đều có thể dẫn đến họa sát thân. Vì thế mà hầu như các đầu bếp trong ngự thiện phòng đều rất e ngại, thậm chí là vô cùng sợ hãi mỗi khi được yêu cầu làm món cá cho hoàng đế.

Món cá Tần Thủy Hoàng đặc biệt yêu thích, nguồn gốc từ chữ HẬN-1
Chân dung Tần Thủy Hoàng trong tranh vẽ cổ.

Một ngày nọ, Tần Thủy Hoàng lại muốn ăn cá. Khi nghe thánh chỉ truyền đến, các vị đầu bếp trong ngự thiện phòng vốn đều là người có tài nghệ nấu ăn siêu phàm, thế nhưng dường như đều hóa đá, ai cũng lo sợ tai họa chuẩn bị ập xuống đầu. Dù vậy, lệnh vua lại không thể không làm.

Món cá độc đáo có nguồn gốc bắt đầu từ 1 chữ “hận”

Trong đó có một vị đầu bếp vô cùng thống hận Tần Thủy Hoàng, trong lúc làm cá liền dùng sống dao hung hăng chém vào con cá đang nằm trên thớt, xem nó như Tần Thủy Hoàng mà xả giận.

Do bị tác động một lực mạnh liên tục, những miếng thịt cá bắt đầu rơi ra. Thấy vậy người đầu bếp liền dùng dao băm nhỏ luôn những phần thịt cá, dùng hành động băm này để trút hết nỗi căm hận trong lòng.

Thế nhưng, ai có thể ngờ được rằng việc làm này lại mang đến kết quả bất ngờ, phần xương bên trong thịt cá trong quá trình người đầu bếp dùng lực tác động đã có thể dễ dàng lấy ra khỏi thịt. Phần thịt cá cũng trở nên mềm hơn.

Món cá Tần Thủy Hoàng đặc biệt yêu thích, nguồn gốc từ chữ HẬN-2
Vị đầu bếp dùng sống dao chém vào con cá để xả giận. (Ảnh minh họa)

Vào lúc người đầu bếp chưa biết phải làm gì với phần thịt cá băm này thì bất ngờ thánh chỉ truyền dọn món được đưa đến ngự thiện phòng.

Chẳng thèm quan tâm nồi nước súp trên bếp vẫn chưa sôi, người đầu bếp liền nhanh chóng cho gia vị rồi dùng một tay lấy phần thịt cá băm nhỏ khi nãy vo tròn, lần lượt cho từng viên từng viên vào nồi khuấy đều.

Nước canh sôi lên, nhìn vào trong nồi có thể thấy từng viên cá màu trắng như tuyết nổi trên mặt nước. Khi nếm thử, nước súp có mùi vị vô cùng đặc biệt. Sau khi thái giám mang bát súp cá viên rời khỏi ngự thiện phòng, tất cả các đầu bếp ai nấy đều toát mồ hôi hột, nín thở hồi hộp chờ đợi phản ứng của hoàng đế.

Sau khi nếm thử món súp cá viên, Tần Thủy Hoàng cảm thấy vô cùng kinh ngạc, liền bảo thái giám lập tức đến ngự thiện phòng hỏi tên của món ăn.

Ban đầu người đầu bếp định sử dụng chữ "丸"(đọc là wan) mang ý nghĩa là "viên" để đặt tên cho món ăn, thế nhưng trong tiếng Trung lại có chữ "完" cũng đọc là wan nhưng lại mang ý nghĩa là kết thúc.

Món cá Tần Thủy Hoàng đặc biệt yêu thích, nguồn gốc từ chữ HẬN-3
Từng viên cá trắng trắng tròn tròn trông vô cùng ngon miệng.

Lo sợ sẽ phạm vào điều cấm kỵ của Tần Thủy Hoàng với chữ đồng âm rồi dẫn đến họa sát thân, người đầu bếp liền nhanh trí sử dụng một từ khác để gọi món ăn là "魚圓子" (cá viên), chữ "圓子" này vừa mang ý nghĩa là viên tròn, vừa mang ý nghĩa là vẹn toàn, tốt đẹp.

Khi nghe thuật lại tên món ăn, Tần Thủy Hoàng liền không nén được vui mừng thốt lên rằng: "Tốt lắm, cá viên chính là món ăn ngon nhất trên đời". Kể từ đó, cá viên được xếp vào hàng ngũ những món ăn yêu thích nhất của Tần Thủy Hoàng.

Kỹ thuật làm món cá viên cứ thế được truyền từ đời này sang đời khác. Và ngày nay, món cá viên thơm ngon đã trở thành một món ăn nổi tiếng của huyện Hoài Dương, thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Theo Pháp Luật & Bạn Đọc