Guoliang là ngôi làng ở Hà Nam (Trung Quốc) được đặt theo tên một người dân đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vào thời Đông Hán. Để tưởng nhớ công lao của người này, mọi người quyết định đặt tên làng là Guoliang.
Làng được xây dựng trên địa thế cao, xung quanh là những ngọn núi dựng đứng. Vì địa thế đó, việc đi lại rất khó khăn. Trước đây, mỗi khi muốn ra ngoài, người dân phải leo hơn 700 bậc thang dốc, trên vách núi cheo leo. Các bậc thang này được xây từ thời nhà Tống.
"Đó là thời kỳ có cuộc sống khó khăn. Hàng hóa bên ngoài không thể đưa vào làng và nông sản của chúng tôi không thể đưa đi nơi khác buôn bán", cụ ông Song Baoqun, 72 tuổi nhớ lại.
Để cải thiện tình trạng giao thông, năm 1972, 13 nam thanh niên của làng đã tự làm con đường nối làng với bên ngoài để không còn phải băng qua những dãy núi hiểm trở.
Thời điểm đó, kinh phí là vấn đề lớn nhất. Nhiều người dân trong làng đã bán cừu, khoai để mua búa và đục cho các nam thanh niên khoét núi, làm đường. Với sự hỗ trợ đó, 13 nam thanh niên đã làm được một đường hầm xuyên núi vô cùng độc đáo. Tuy nhiên, đã có 5 người tử vong trong quá trình làm con đường này cho bà con dân làng.
Đây là một trong những cung đường nguy hiểm bậc nhất thế giới (Ảnh: Atlas).
Con đường được tạo nên bằng sức lực, lòng quyết tâm và ý chí của dân làng mà không có bất cứ phương tiện máy móc nào hỗ trợ. Năm 1977, con đường xuyên núi đã được khánh thành. Đường dài 1,3km, cao 5m, rộng 4m, có ý nghĩa rất lớn với người dân. Bởi, nó giúp cho bà con trong làng đi lại thuận lợi, phát triển kinh tế, giao lưu buôn bán với các làng khác.
Người dân của làng đã đào đường xuyên núi bằng các dụng cụ thô sơ (Ảnh: SN).
Việc xây dựng đường hầm dưới các ngọn núi lớn thể hiện sự khôn ngoan, chịu khó của người dân. Đường hầm chỉ rộng 4m nên nó được liệt vào danh sách một trong các cung đường nguy hiểm nhất thế giới. Vì vậy, bất cứ tài xế nào lái qua đường này cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm và sự cẩn thận.
Cung đường qua làng Guoliang hẹp, nhỏ, sát các vách núi dựng đứng (Ảnh: SN).
Ngoài cung đường quanh co xuyên núi, làng còn có lịch sử đáng tự hào với nhiều di tích và phong cảnh đẹp.
Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng dòng suối Hanquan, nhiều hang động hình thành từ cách đây hàng triệu năm với các nhũ đá đẹp mắt.
Hiện, làng cũng có các đài quan sát ở vị trí cao giúp du khách có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm trọn vẹn cảnh sắc nên thơ, hùng vĩ của các ngọn núi nơi đây.
Con đường đã giúp cải thiện cuộc sống (Ảnh: SN).
Từ chỗ là ngôi làng biệt lập với 300 cư dân, không ai biết, đến nay Guoliang đã nổi tiếng và thu hút hàng triệu du khách tham quan mỗi năm.
Các hộ dân trong làng đều tham gia vào chuỗi kinh doanh của ngành du lịch. Họ điều hành nhà hàng, khách sạn, hoặc mở các cửa hàng bán đồ lưu niệm giúp đời sống ngày càng tốt hơn.
Theo Dân Trí